Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

13/1/2015 - Sân bay Tân Sơn Nhất bị hacker xâm nhập?

Một số nguồn tin cho biết sự việc diễn ra trong chiều 12-1. Các màn hình thông báo và quảng cáo ở sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chèn vào một số nội dung "không phù hợp".

Sự việc diễn ra trong vài phút, toàn bộ các màn hình bị đưa thông tin giống như trên mạng internet, rồi sau đó toàn bộ hệ thống màn hình bị tắt điện và không hiện thông tin gì thêm trong suốt thời gian sau đó.

Báo chí được lệnh không đăng tải thông tin này

Minh Châu

13/1/2015 - "Thống nhất cao đề cử Tổng Bí Thư"

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 14 khóa XI chiều 13-1, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, "sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thật sự dân chủ và trách nhiệm cao, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra".

"Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí Uỷ viên Trung ương khoá XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XII; nhân sự là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khoá XII với số phiếu rất tập trung", Tổng bí thư nói.

Trong khi đó, theo thông báo được phát đi tối cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua dự thảo Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đề cử chức danh chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 để Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xem xét, giới thiệu Quốc hội khóa XIV quyết định theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Hội nghị cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xem xét, quyết định.

Người Việt có câu: 30 chưa phải là Tết!

Tuấn Nguyễn

Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

10/1/2016 - Tụi công an khốn nạn quá


Sau khi chết xuống âm phủ, thằng Tèo bị Diêm Vương hỏi cung: - Tại sao mày chết.

Thằng Tèo điên tiết trả lời: - Bẩm Diêm Vương con đang chạy xe oto thì bình cứu hỏa để phía sau nổ tung chết.

Vừa nói thằng Tèo vừa chỉ vào mặt mình bị cháy đen, Diêm Vương nghe thế tức giận quát to: - Đồ ngu mày chết là đáng đời. Ai đời thuở nào đem bình cứu hỏa bỏ vào xe oto, nó không nổ mới lạ đó.

Thằng Tèo nghe Diêm Vương chửi vậy liền gào khóc thảm thiết: - Oan uổng cho con quá Diêm Vương ơi, người ta bắt con mua bình cứu hỏa để vào xe đề phòng chữa cháy đấy ạ.

Diêm Vương nghe thế càng tức giận đập bàn chửi: - Thằng nào xúi dại thế, mày có biết rằng bình cứu hỏa để trong xe mà đậu xe ngoài đường nắng nóng thì nó sẽ nổ, mày chạy xe gặp ổ gà sốc nó cũng nổ… Tao hỏi mày lỡ xe mày bốc cháy mày có còn đủ thời gian để mở cốp xe lấy bình cứu hỏa kịp không? Lúc đó vứt dép chạy không kịp con à, ở đó mà bình tỉnh đi lấy bình cứu hỏa…. Mày ngu mà còn đổ lỗi cho người khác.

Thằng Tèo bị Diêm Vương chửi tức quá liền chống chế: - Sự thật là vậy Diêm Vương à, nếu con không để bình cứu hỏa trong xe thì bị công vụ phạt tiền nặng lắm… Thưa Diêm Vương Pass Wifi ở đây là sao ạ?

Diêm Vương ngạc nhiên hỏi: - Mày hỏi Pass để làm gì? Tao đang hỏi mày mà mày không muốn trả lời còn muốn vào FaceBook để viết stt kêu oan hả?

Thằng Tèo vội vàng trả lời: - Dạ không, con muốn vào FaceBook mục đích là cho Diêm Vương thấy mọi người trên trần gian chụp hình mấy chú công vụ đang kiểm tra bình cứu hỏa trong xe để chứng minh lời nói con là sự thật.

Thế là Diêm Vương đọc Pass cho thằng Tèo. Tèo rút chiếc điện thoại Iphone6 pờ lút mà vợ nó vừa đốt xuống cho nó dùng, thế là nó nhập pass vào, rồi thằng Tèo vào FaceBook đưa cho Diêm Vương xem những hình ảnh và stt mọi người chia sẻ nói về vụ đó. Xem xong Diêm Vương vò đầu bứt tóc suy nghĩ một lúc, nhẹ nhàng nói:

- Chuyện này cũng hơi lâm ly đây, thôi để tao trình lên với Ngọc Hoàng xem sao.

Thế là Diêm Vương vào FaceBook nhắn tin cho Ngọc Hoàng kể đầu đuôi sự việc. Ngọc Hoàng đọc tin nhắn xong liền nhắn tin cho Táo Công Vụ về gấp.

Táo Công Vụ nhận được tin nhắn bay về ngay và luôn trong vòng 5 nốt nhạc. Ngọc Hoàng liền đưa tin nhắn của Diêm Vương cho Táo Công Vụ đọc và hỏi: - Chuyện này có thật không?

Đọc xong Táo Công Vụ thở dài nói: - Bẩm anh cả. Chuyện này có thật trăm phần trăm.

Ngọc Hoàng nghe thế tức giận quát to: - Chú mày ở dưới đó làm gì mà để bọn chúng lộng hành như thế, chú mày có biết làm như thế là con dân của ta mang kiếp cháy nổ, chết không toàn thây, thân hình xấu xí thì kiếp sau làm gì có người đẹp để đi thi hoa hậu, nam vương nữa cơ chứ. Lý do gì mà tụi nó hại dân như vậy?

Táo Công Vụ bị anh cả la mắn như thế, buồn rầu nói: - Cái gì cũng có nguyên nhân hết anh cả ạ, cũng chỉ vì đồng tiền mà ra. Bởi vì lý do như thế này nè, lâu nay bọn công vụ không thể lấy cớ gì mà thổi phạt xe oto ngang xương được, phạt mà không đúng bị dân chúng chửi rồi quay clip tung lên mạng, nên chúng nó ngồi lại với nhau bàn cách như thế này.

Bắt người dân đen mua bình chữa cháy để vào xe, nhầm mục đích đường đường chính chính thổi xe lại để kiểm tra có mưa bình chữa cháy chưa, chưa mua bọn chúng phạt nặng và nhầm mục đích nữa là tạo điều kiện cho người nhà hốt bạc.

Ngọc Hoàng càng ngạc nhiên hơn khi nghe Táo Công Vụ nói câu sau, vội vàng hỏi: - Ủa tụi nó đưa lệnh ra như thế thì có liên can gì đến người nhà bọn chúng?

Táo Công Vụ nghe anh cả hỏi liền giải thích: - Này nhé, khi tụi nó đưa ra luật như thế thì người nhà của bọn chúng sẻ mua bình chữa cháy về kinh doanh, như thế thì tiện cả đôi đàng…. Lúc đó tha hồ mà bán bình chữa cháy nhé.

Ngọc Hoàng nghe xong khóc nức nở: - Khốn nạn, khốn nạn khốn nạn thế là cùng…

Huỳnh Văn Diệp


10/1/2016 - Bản tố cáo của Hội đồng Liên tôn Việt Nam về các vụ đàn áp tôn giáo đầu năm 2016

Kính gởi:
- Quý Chức sắc và tín đồ các Tôn giáo quốc nội và hải ngoại.
- Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Đồng kính gởi:
- Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo.
- Các Chính phủ dân chủ, Tổ chức nhân quyền, Cơ quan báo chí khắp thế giới.
- Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.


Toàn thể nhân loại bước vào năm mới 2016 với bao niềm ước vọng về một cuộc sống an hòa để cùng chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp. Riêng toàn dân Việt Nam thì còn mong mỏi đất nước sớm vượt qua cảnh bế tắc chính trị, khủng hoảng kinh tế, suy sụp tài chánh, bất an xã hội, biến thoái môi trường, ngoại bang hăm dọa… 

Thế nhưng, chính trong thời điểm khẩn trương này, nhà cầm quyền cộng sản vô thần độc tài –thay vì an dân ổn quốc để kiến tạo đoàn kết, mời gọi hợp lực– thì lại ra tay đàn áp các tôn giáo, tiếp tục chính sách bách hại đức tin mà họ đã không bao giờ ngừng lại. Cụ thể có 3 sự kiện nổi bật gần đây:

1- Ngăn chận Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy (GHPGHHTT) tổ chức đại lễ kỷ niệm 96 năm ngày Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ.

Theo tin tức từ Ông Hà Duy Hồ, Trưởng ban tổ chức Đại lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ, trưa ngày 22-11 Ất Mùi (01-01-2016) tại địa điểm cử hành đại lễ thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, công an đã đóng chốt canh giữ trên bộ, ngăn chặn không cho bất cứ người và xe qua lại. Dưới nước, xuồng máy cảnh sát nằm rải rác dọc theo các nhánh sông dẫn vào điểm lễ để phong tỏa khu vực.

Tại tư gia các Hội trưởng, các Trị sự viên và nhiều tín đồ GHPGHHTT ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, các thành phố Cần Thơ, Châu Đốc…, một mặt giới chức địa phương đến truyền lệnh cấm tổ chức và tham dự lễ, mặt khác công an tăng cường nhân sự để bám theo khi các thành viên Giáo hội này di chuyển hoặc chặn không cho họ ra khỏi nhà. Thậm chí còn xảy ra trường hợp công an và lực lượng trợ thủ gây sự chửi bới hoặc hành hung tín đồ cao tuổi.

Những biện pháp khắc nghiệt đối với GHPGHHTT như thế liên tục xảy ra từ sau 30-04-1975 chỉ vì Giáo hội này không ngừng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước, cũng như luôn chủ trương sinh hoạt cách tự do độc lập. Do đó rất nhiều cơ sở của đạo bị tịch thu và nhiều chức sắc tín đồ trong đạo bị cầm tù. Đặc biệt, những biện pháp khắc nghiệt đó phát xuất từ mặc cảm phạm tội và mưu đồ giấu tội của Cộng sản là đã thủ tiêu Đức Huỳnh Giáo chủ ngày 16 tháng 4 năm 1947 tại rạch Đốc Vàng, Đồng Tháp, vì Ngài chủ trương một nền chính trị xây dựng dân chủ và thăng tiến nhân quyền.

2- Hành hung tu sĩ và và cướp bóc tài sản Đan viện Thiên An - Huế.

Chiều ngày 02-01-2016, gần 200 công an, dân phòng, thành viên hội phụ nữ xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã kéo đến Đan viện Thiên An, một dòng tu Công giáo mà từ bao năm qua không ngừng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, hăm dọa và chiếm đoạt tài sản.

Họ kéo nhau đến vườn cam của Đan viện, tịch thu những cây thông (mọc quanh vườn) mà các đan sĩ đã đốn vì sợ bụi phấn thông ảnh hưởng đến việc cam ra quả, lấy cớ rừng thông (mà các đan sĩ đã gầy dựng từ năm 1940) là sở hữu nhà nước. Nhân tiện, họ cũng cướp luôn kho củi Đan viện tích trữ từ lâu. Bị phản đối và bị chụp ảnh, đoàn người đã xông vào chửi bới các vị tu hành bằng những lời lẽ rất thô tục, đầy xúc phạm. Tiếp đó họ đấm đá, xô ngã nhiều thầy dòng, rồi toan cướp lấy máy ảnh để phi tang vụ việc. Đến tối, công an vẫn còn lởn vởn trong khu vực để rình mò.

Đây là hành động mới nhất sau vô vàn hành động xúc phạm đan viện này kể từ 30-04-1975. Đầu tiên nhà cầm quyền cướp lấy rừng thông Thiên An, đến năm 2004 cướp lấy hồ Thủy Tiên cạnh rừng để tạo một khu vui chơi giải trí. Chỉ 4 năm sau, công trình này đổ vỡ do bị người dân tẩy chay vì biết nó được xây trên tài sản tước đoạt của các vị tu hành. Thế nhưng nhà cầm quyền CS Thừa Thiên-Huế vẫn quyết tâm chiếm trọn đất đai đan viện (107 ha) và xóa sổ một tụ điểm tâm linh, nên mới đây họ đã quy hoạch một khu du lịch sinh thái rộng lớn gồm nhiều hạng mục công trình bao quanh đan viện. Như thế, các đan sĩ sẽ chẳng còn bầu khí thanh tĩnh để tu trì, buộc phải di dời, và thành phố Huế sẽ mất đi bộ phổi đã tồn tại hơn 75 năm qua.

3- Chặn đường vây đánh Linh mục Đặng Hữu Nam tại Nghệ An.
Vào lúc 9g15 tối ngày 31-12-2015, sau khi đi chữa bệnh về, linh mục Antôn Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, giáo hạt Thuận Nghĩa, giáo phận Vinh (thuộc địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), đã bị một nhóm côn đồ phục kích đánh đập.
Thoạt tiên, Linh mục Nam bị khoảng 6 tên cho xe máy húc đằng sau xe hơi của ông để ép ông dừng lại. Khi ông vừa bước ra ngoài, chúng liền sấn tới hoạnh họe. Sau đó thêm khoảng 20 thanh niên ập đến tấn công. Chúng vừa đánh vừa chửi rất thô tục. Tất cả sự việc diễn ra dưới mắt viên trưởng công an xã An Hòa đang đứng bên vệ đường với thái độ dửng dưng đồng lõa.

Sở dĩ có hành vi tấn công tàn độc với bài bản này, chính vì linh mục Đặng Hữu Nam, từ năm 2008 đến giờ, luôn đấu tranh cho lẽ phải và sự thật, hằng lên tiếng bảo vệ đất đai tài sản của Giáo hội, thường xuyên tổ chức các thánh lễ cầu nguyện cho công lý hòa bình, và mỗi khi có dịp thì cao giọng ủng hộ những ai hoạt động nhân quyền chân chính. 

Năm 2011, ông là một trong những linh mục đòi trả tự do cho 14 thanh niên Công giáo–Tin lành bị bắt bớ và xử tòa vì lòng yêu nước. Cách đây hai tháng, nhân vụ giáo họ Yên Lạc, giáo xứ Xuân Kiều bị nhà cầm quyền vu khống và hăm dọa vì đã lấy lại con đường dẫn vào nhà thờ của mình, linh mục Đặng Hữu Nam đã có một bài giảng lễ chấn động trong đó ông kêu gọi mọi Ki-tô hữu sống làm chứng nhân, đồng thời căn dặn đừng bao giờ tin cộng sản. Từ đó, rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn được gởi đến ông với lời đe dọa giết chết hay hãm hại.

Từ ba sự kiện tiêu biểu trên, Hội đồng Liên tôn Việt Nam
- Kêu gọi đảng và nhà cầm quyền cộng sản hãy mở mắt ra mà nhìn bao khủng hoảng của đất nước, bao tệ nạn của xã hội, bao thảm trạng của đồng bào, bao nguy cơ của Dân tộc… để trả lại mọi quyền cho toàn dân, ngõ hầu toàn dân cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách của Tổ quốc. Đừng mù quáng sử dụng gian dối và bạo lực đối với nhân dân và các tôn giáo để mong giữ quyền lực và quyền lợi của mình. Gieo nhân nào, gặt quả đó!

- Kêu gọi các cộng đồng tôn giáo và toàn dân trong nước đoàn kết một lòng, trỗi dậy đấu tranh với cách thức bất bạo động và với hình thức tập thể đông đảo, vì chế độ độc tài chỉ có sợ hãi sức mạnh của quần chúng. Mọi sự lên tiếng từ trong nước và mọi sự trợ giúp từ bên ngoài chỉ hữu hiệu khi chính đồng bào quốc nội đứng lên, xuống đường làm lịch sử.

Việt Nam ngày 09-01-2016

Các chức sắc trong Hội đồng Liên tôn VN đồng ký tên.
Cao Đài:
– Chánh trị sự Hứa Phi (điện thoại: 0163.3273.240)
– Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (điện thoại: 0988.971.117)
– Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (điện thoại: 0988.477.719)
Công Giáo:
– Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (điện thoại: 0984.236.371)
– Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại (điện thoại: 0935.569.205)
– Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh (điện thoại: 0993.598.820)
– Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (điện thoại: 0122.596.9335)
– Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình (điện thoại: 01692498463)
Phật Giáo:
– Hòa thượng Thích Không Tánh (điện thoại: 0165.6789.881)
– Thượng tọa Thích Viên Hỷ (điện thoại: 0937.777.312)
Phật Giáo Hoà Hảo:
– Ông Nguyễn Văn Điền (điện thoại: 0122.870.7160)
– Ông Lê Quang Hiển (điện thoại: 0167.292.1234)
– Ông Lê Văn Sóc (điện thoại: 096.4199.039)
– Ông Phan Tấn Hòa (điện thoại: 0162.6301.082)
– Ông Tống Văn Chính (điện thoại: 0163.574.5430)
– Ông Bùi Văn Luốc (điện thoại: 0169.612.9094)
Tin Lành:
– Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (điện thoại: 0121.9460.045)
– Mục sư Đinh Uỷ (điện thoại: 0163.5847.464)
– Mục sư Đinh Thanh Trường (điện thoại: 0120.2352.348)
– Mục sư Nguyễn Trung Tôn (điện thoại: 0162.838.7716)
– Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (điện thoại: 0906.342.908)
– Mục sư Lê Quang Du (điện thoại: 0121.2002.001)

9/1/2016 - Bánh tráng Mỹ Lồng mùa Tết về

Từ thành phố Bến Tre, xuôi theo tỉnh lộ 885 qua cầu Chẹt Sậy là đã đến với huyện Giồng Trôm, xã Mỹ Thạnh, nơi có một làng nghề bánh tráng nổi tiếng cả trăm năm qua. Vừa đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, người ta sẽ bắt gặp hình ảnh dọc hai bên đường một màu trắng của những phên bánh tráng nối liền nhau từ nhà này sang nhà khác… Mùa giáp tết Bính Thân, làng bánh tráng Mỹ Lồng càng thêm tấp nập. Nhiều thế hệ người Mỹ Lồng suốt một đời tận tụy tráng từng chiếc bánh tráng và truyền bí quyết lại cho con cháu để giữ lấy cái nghề của cha ông.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

8/1/2016 - Sáng 8.1, có 4 chuyến bay của Trung Quốc trên bầu trời Sài Gòn

Ông Lại Xuân Thanh cho biết từ ngày 1-1 đến 8-1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Riêng sáng 8-1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh.

Bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng phía Trung Quốc không hề nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh", ông Lại Xuân Thanh nói.

Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định, vùng thông báo bay Hồ Chí Minh có những đường bay nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, các tàu bay Trung Quốc đã không thực hiện bất kỳ quy tắc quốc tế nào liên quan tới hoạt động bay.

Cục hàng không Việt Nam sẽ tiếp theo dõi sát sao vụ việc và sẽ làm việc tới Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, các hãng hàng không và Hiệp hội hàng không của Singapore, Philippines để thông báo về thực trạng các máy bay Trung Quốc đang uy hiếp an toàn tại vùng bay Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Thanh, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi tới nhà chức trách hàng không Trung Quốc để phản đối về việc nước này đang uy hiếp an toàn các hoạt động hàng không quốc tế.

+ Ảnh: FIR Hồ Chí Minh (màu xanh) tiếp giáp với FIR Sanya của Trung Quốc và FIR của Singapore. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam.



Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

8/1/2016 - Sông Đồng Nai đang chết

Nhiều năm trở lại đây, sông Đồng Nai có biểu hiện gia tăng độ mặn và xâm nhập lên thượng nguồn theo thủy triều. Một kết quả quan trắc cho thấy vào mùa khô, độ mặn của nước đoạn ở cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa) có lúc tăng lên đến 10 lần.
Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân do vào các mùa khô, hồ Trị An không tích đủ nước để đẩy nước mặn xâm nhập theo thủy triều.
MỐI ĐE DỌA KHỦNG KHIẾP
Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) trong cuộc họp tổng kết năm 2015 đã đưa ra nhiều con số giật mình: hiện trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai có đến hơn 4.500 điểm xả thải đổ vào các sông, suối rồi chảy về sông Đồng Nai.
Mỗi ngày, lưu vực sông này tiếp nhận trên 480.000 m3 nước thải từ các KCN và các cơ sở sản xuất. Dọc lưu vực sông tồn tại hơn 220 bệnh viện nhưng nhiều nơi không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, có hơn 400 làng nghề, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi dọc lưu vực sông mỗi ngày xả ra khoảng 150.000 m3 nước thải, gần 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt.
Riêng tỉnh Đồng Nai, chỉ số quan trắc gần đây nhất cho thấy chất lượng nước tại hơn 100 điểm ở các sông, suối, hồ trên địa bàn đều bị ô nhiễm nặng. Đứng đầu danh sách vẫn là các vùng đông dân cư, KCN như suối Linh, Săn Máu (TP Biên Hòa); suối Điệp, Nước Trong (huyện Long Thành). Kết quả quan trắc cho thấy nước tại các địa điểm trên không thể dùng cho cả việc tưới tiêu.
Vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai hiện quá nguy cấp nhưng 11 tỉnh, thành trong lưu vực hiện nay chỉ Bình Dương và Sài Gòn có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nhưng cũng xử lý được phần rất nhỏ.
SẠT LỞ CŨNG LÀ TAI HỌA
Tại các xã Bình Hòa, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu); Long Tân, Phước An (huyện Nhơn Trạch); các phường Long Bình Tân, Bửu Long và xã cù lao Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), nhiều đêm người dân phải thay nhau canh “cát tặc” để chống sạt lở, giữ đất. Một số vùng khác, các công ty nhân danh nạo vét đồng thời khai thác cát ào ạt cũng khiến người dân hết sức bất an.
Ông Lê Phúc, ngụ phường Bửu Long, có 2 ha đất hoa màu sát bờ sông, mấy năm nay “cát tặc” chọn gần nơi này làm ăn, vườn đất nhà ông bị khoét hàm ếch vào sâu hơn 3 m, có nơi sạt lở đến 5 m, mấy sào đất coi như mất trắng.
Bà Bùi Hải, ngụ xã Hiệp Hòa, có căn nhà ven sông êm đềm gió mát. Thế nhưng, “cát tặc” hoạt động ầm ĩ, đất ven sông sạt dần rồi vách nhà bà cũng sụp xuống. “Người nuôi cá mất vốn làm ăn cả tỉ đồng có thể đòi bồi thường; còn tôi trôi nhà cửa, đất đai, gia sản nhưng nào biết kêu ai” - bà Hải nói.
Sự kiện lãnh đạo Đồng Nai bất chấp phản đối của người dân, ý kiến phản biện của giới chuyên môn, để tiếp tục thực hiện lấp sông Đồng Nai để làm dự án phát triển đô thị ven sông, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân các tỉnh phía nam và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Sông Đồng Nai tiếp tục bị chính quyền Đồng Nai bức tử.
Đỗ Vinh