Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

26/2/2015 - Cựu phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín bị tố "ăn rác"

Sau khi ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM nghỉ hưu non từ ngày 11-12-2015, thì đến hạ tuần tháng 2-2016, cơ quan Thanh tra mới “dám” công bố báo cáo “Thanh tra toàn diện hoạt động của Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố”, do phó chánh Thanh tra Lê Văn Hùng ký.

Theo báo cáo, vào ngày 24-2-2014, Văn phòng ủy ban thành phố có văn bản số 119/TB-VP cho biết “phó chủ tịch ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu giảm đưa rác thải rắn về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi); chuyển các rác thải này về Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh)”.

Nói nôm na chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tín là “bóp rác” tại bãi rác Phước Hiệp để đổ dồn rác về cho Đa Phước “ăn rác” do công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ. Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường đã phản đối, vì lãng phí đầu tư do bãi chứa rác Phước Hiệp mới khai thác từ hôm 30-9-2013, và 300 lao động phải mất việc nếu thực hiện quyết định của ông Nguyễn Hữu Tín.

Đáng chú ý với đơn giá từ 19,009 USD/tấn năm 2013, đến cuối 2014 là 20,166 USD/tấn và hiện nay là 21,1 USD/tấn, giá xử lý rác tại Đa Phước được đánh giá là cao hơn tất cả các doanh nghiệp khác ở Sài Gòn.

Đơn cử, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của VWS cao hơn đơn giá của công ty môi trường đô thị là 67.384 đồng/tấn. Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hằng năm cho VWS từ 25 - 40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực.

Tất cả vấn đề này từng được ông Lê Mạnh Hà, khi ấy cũng là phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, từng cho rằng, dự án xử lý rác Đa Phước là “bất thường, rất bất thường”. Ông Hà loay hoay mãi không đưa được những bất thường đó ra ánh sáng. (Ông Hà chính là người phanh phui những tham nhũng trong “Đề án 112 về tin học hóa cơ quan hành chính nhà nước” của nhà cầm quyền vào năm 2005).

VWS được dành sự ưu ái đặc biệt, chỉ riêng giá xử lý rác cũng cao hơn công ty Môi trường đô thị 67.384 đồng/tấn. Hơn 10 năm, số tiền chênh lệch này là bao nhiêu, đi đâu, vào túi ai? Tại sao cùng công nghệ chôn lấp mà doanh nghiệp này được trả giá cao hơn doanh nghiệp khác? Ngoài ông Nguyễn Hữu Tín, còn có những ai đã “ưu ái” cho VWS trong việc độc quyền “ăn rác”?




Hiện nay, lượng rác của Sài Gòn khoảng 6.700 tấn/ngày. Trường hợp chấp thuận cho VWS tăng công suất lên 10.000 tấn/ngày, gần như 100% lượng rác của Sài Gòn được chôn lấp tại Đa Phước. Ngoài ra, việc này cũng đồng nghĩa VWS hiển nhiên trở thành doanh nghiệp có vị trí độc quyền tại Sài Gòn trong xử lý rác thải.

Vũ Minh Ngọc/SBTN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét