Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

11/10/2015 - Cần khởi tố trưởng công an và viện trưởng viện kiểm sát huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Vụ việc em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, tử vong do bị đánh tại trại giam của huyện Chương Mỹ, cho thấy khả năng cơ quan công an cùng Viện kiểm sát địa phương đã công khai vi phạm tố tụng, và cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng sai lệch bản chất vụ việc.

Thông tin từ cơ quan công an: “Vụ việc xảy ra vào sáng 5-8-2015. Vào ngày này, công an huyện Chương Mỹ bắt quả tang Đỗ Đăng Dư có hành vi “trộm cắp tài sản” đối với một người hàng xóm.

Quá trình điều tra, Dư khai nhận ngoài vụ trộm cắp tài sản này, từ cuối năm 2014 đến thời điểm bị bắt, Dư đã gây ra 4 vụ trộm cắp khác. Bản thân Dư cũng nghiện game, thường xuyên bỏ nhà đi chơi, gia đình không quản lý được và đã kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn đối với Dư.

Từ các căn cứ trên, cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Chương Mỹ đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Dư để điều tra vụ án và phòng ngừa chung.

Ngày 7-8, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 2 tháng đối với Dư. Các quyết định này đã được viện KSND huyện Chương Mỹ phê chuẩn”.

Với các thông tin nói trên, cho thấy việc khởi tố bị can và tạm giam 2 tháng đối với Đỗ Đăng Dư là vi phạm tố tụng được nêu tại Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.

“Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra, cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự. Đặc biệt cần xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự nếu có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự, giao họ cho gia đình, cơ quan hoặc tổ chức giám sát, giáo dục nhằm giúp họ tự sửa chữa lỗi lầm và tái hòa nhập cộng đồng”. (Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH)

“Điều 69. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục”. (Bộ luật hình sự)

Tình tiết vụ việc như thông tin từ công an huyện Chương Mỹ cung cấp cho báo chí, cho thấy em Đỗ Đăng Dư không có tình tiết nào gọi là “cố ý phạm tội” để dẫn đến việc phải tạm giam em 2 tháng, đưa đến cái chết tức tưởi do bị đánh như nói trên

“Điều 9. Cố ý phạm tội

Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra;

2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. (Bộ luật hình sự)

Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, “Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Có thể xác định rõ rằng công an và viện kiểm sát huyện Chương Mỹ đã cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật, dẫn đến cái chết của em Đỗ Đăng Dư.

Như vậy, cần thiết khởi tố vụ án về trách nhiệm công vụ của trưởng công an và viện trưởng Viện kiểm sát huyện Chương Mỹ, Hà Nội.


Nguyễn Gia Định


1 nhận xét:

  1. Decalsaigon cung cấp thêm các món phụ kiện
    dây da đồng hồ đeo tay
    nam nữ cá tính thời gian cùng với sản phẩm cho xế thể thao
    đồng hồ xe đạp
    đo vận tốc quãng đường...

    Trả lờiXóa