Ở Hà Nội, phố Thuốc Bắc không dài đi từ ngã tư Hàng Bồ - Bát Đàn đến phố Hàng Mã. Thời Pháp chính quyền thành phố đã gộp bốn năm đoạn phố cũ trước đây đều rất ngắn thành một phố thẳng dài, đặt tên là Rue des Médicaments (phố Thuốc Bắc). Đoạn phố Thuốc Bắc cũ thực ra là những cửa hàng bán các vị thuốc Nam thuốc Bắc chỉ tập trung từ ngã tư Hàng Vải - Phúc Kiến (Lãn Ông) đến ngã ba Hàng Mụn (nay là Hàng Bút). Tuy nhiên hiện nay trong các con phố cổ của Hà Nội, có lẽ không có con phố nào có mùi hương ấn tượng như phố Lãn Ông (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm). Chỉ cần đến đầu phố đã ngửi thấy ngay mùi thơm quyến rũ, đặc trưng của các loại hương liệu, các loại thảo mộc khô dùng làm thuốc đông y…
(Ông Trương Đạt (tiệm thuốc Đồng Nhân Đường) đang bắt mạch cho bệnh nhân)
(Dược liệu được bày ra tận cửa, bán sỉ và lẻ)
Không giống như phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông ở Hà Nội, phố thuốc Đông y ở Sài Gòn ngoài các điểm bán thuốc Đông y còn có cả những hiệu thuốc Tây tạo ra những lựa chọn tối ưu cho người dân. Đến đây, dù ban ngày hoặc khi đêm về, bao giờ người ta cũng có thể chứng kiến cảnh người, xe tấp nập. Họ dừng để mua thuốc hoặc tản bộ tham quan trên những con phố chính như Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học, Phùng Hưng.
Theo vòng quay của bánh xe vào các tuyến đường của quận 5 như Hãi Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo, Lương Nhữ Học... du khách còn cảm nhận những hương thơm đặc trưng của các loại thuốc Nam, thuốc Bắc... Nơi đây tựa hồ như một “thánh đường” của Đông Nam dược. Có nhiều loại nguyên liệu thuốc khác nhau. Từ những loại thuốc chưa được tán, chưa được bào chế cho đến các loại cao, đơn, hoàn, tán... Nếu ở những chỗ khác không có bán loại thuốc nào mà khách tìm, chỉ cần đến khu phố thuốc này của người Hoa, tỉ lệ có sẽ cao hơn rất nhiều. Đến đây, khách có thể mua được gần như là bất kỳ loại thuốc nào: quế chi, bạch linh, tục đoạn, mạch môn, viễn chí, kinh giới, ký sanh, bạch truật, đông trùng hạ thảo.... Các tiệm trong khu phố này cũng sẵn sàng tán thuốc cho khách (nếu cần).
Những ông chủ bà chủ người Hoa không chỉ bán thuốc mà còn tư vấn cho khách về bệnh. Nếu khách là người Việt thì họ sẽ nói tiếng Việt. Còn nếu khách là người Hoa, họ sẽ trả lời bằng tiếng Hoa. Có ngồi chờ tán thuốc, nói chuyện với mấy bà, mấy cô bán thuốc ở đó mới thật sự cảm thấy “cái hồn” của phố thuốc này như thế nào!
Bên cạnh những tiệm bán dược liệu là những nhà thuốc có lương y bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc. Hình ảnh quen thuộc ở các nhà thuốc này là những chiếc dao cầu, chuôi gỗ dùng để thái thuốc, hai ba chiếc cối bằng đồng có nắp dính liền với chày để giã thuốc thuốc văng ra ngoài. Dưới chân là chiếc thuyền tán bằng sắt dùng để tán thuốc theo lối thủ công truyền thống. Bên cạnh mặt bàn thăm mạch đã bóng nước thời gian, ông thầy thuốc (cũng có nơi là lương y nữ) nhiều kinh nghiệm chỉ cần hỏi bệnh, xem sắc diện rồi khẻ chạm vào cổ tay bệnh nhân bắt mạch là có thể truy bệnh, cắt thuốc, kê đơn. Bàn tay thoăn thoắt mở từng ngăn kéo tủ sát tường nhúm từng vị thuốc, thứ nào ra thứ ấy, ít khi phải thêm bớt. Tờ giấy trải sẳn trên mặt quầy, thoắt một cái, thang thuốc đã được gói vuông vức, được buộc chồng lên nhau thành bó trên mặt quầy...
Tại phố thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông, nhiều người không tiếc tiền săn vi cá mập, yến sào, đông trùng hạ thảo... phục vụ tẩm bổ lẫn biếu xén. Hàng cung vua tiến chúa theo liệt kê của một chủ quầy đông dược khá lớn ở chợ thuốc Hải Thượng Lãn Ông, gồm bột ngọc trai, nhân sâm, yến sào, bào ngư, vi cá, đông trùng hạ thảo... Theo giải thích của những người bán, sở dĩ khách kết loại biệt dược lẫn thực phẩm cao cấp này vì chúng có nhiều chất bổ dưỡng, được vua chúa ngày trước và danh y xem như là thần dược giúp chữa các chứng bệnh về xương khớp, giúp làm sáng mắt, thải độc, bồi bổ gân cốt… Khách đến phố đông dược Hải Thượng Lãn Ông không chỉ săn hàng cung vua tiến chúa mà còn săn sâm Ngọc Linh, cao hổ, pín hải mã, mật bò tót.., nói chung toàn những món được liệt vào nhóm tráng dương bổ thận và được đồn thổi giúp các ông yếu trở thành chiến binh phòng the dũng mãnh.
Một lưu ý: tiệm thuốc Bắc cổ truyền thường có chữ Đường ở phía sau: Thắng An Đường, Vĩnh Hòa Đường, Đồng Nhân Đường...
Mỗi khu phố trong Sài Gòn, tuy có khác nhau về mặt hàng kinh doanh, song tất cả đều điểm xuyết cho Sài Gòn một nét đẹp không chỉ về kinh tế mà còn cả văn hoá, tạo nên một... hồn vía Sài Gòn.
Cao Trí
ốp lưng galaxy note 7
Trả lờiXóaốp lưng galaxy note 7
Trả lờiXóaquần áo tập gym nữ tphcm
Trả lờiXóa