Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

21/4/2016 - Hết "tàu lạ" tới "án lạ"

Thành án vì bán phở cạnh công an huyện, nấu cháo trước UB xã, thoát tù vì còn bận làm chủ tịch HĐQT.

(Bạn đừng tin vào quá trình lệnh trên ban xuống hồ sơ rút lên tất cả đã vào thế, không có cấp trên nào can thiệp được. Phải giải quyết bằng con đường tố tụng mà 10 năm tình cũ mới giải oan được là chuyện bình thường)

Không thể tin được là cảm giác chung của mọi người khi nghe chuyện có người Sài Gòn bán phở cạnh công an huyện Bình Chánh và bị chính công an Bình Chánh xử lý hình sự vì cho rằng kinh doanh trái phép mặc dù người này chỉ chậm đăng ký kinh doanh có 5 ngày và không có yếu tố nào khác để cấu thành tội phạm.

Ngày 13-8-2015, Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm tiệm phở của anh Nguyễn Văn Tấn ngay gần công an huyện vì “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, anh mới khai trương mới 5 ngày, đây là việc bình thường của các hộ buôn bán nhỏ, mở quán tiệm khai trương lấy ngày sau đó mới hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh.

Nguyễn văn Tấn lên UBND huyện đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Chỉ 5 ngày sau, anh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, với hành vi kinh doanh không phép theo biên bản kiểm tra ngày 13-8 trước đó, anh bị Trưởng Công an huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Quý ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng! Trong khi, nếu chỉ với hành vi không đăng ký kinh doanh thì Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định mức phạt chỉ 7,5 triệu đồng.

Mặc dù biên bản kiểm tra chỉ ghi lỗi “không đăng ký kinh doanh” nhưng sở dĩ số tiền phạt lên đến 17 triệu đồng là vì Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã tự phạt thêm 4 hành vi nữa (theo Nghị định 178/2013/NĐ/CP) gồm: “Vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm”; việc sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh là “Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín”; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”; không lưu trữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Thử hỏi, người kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì tại sao đòi hỏi những giấy này?!

Trong lúc chưa chạy được tiền nộp phạt, ngày 10-9-2015, hai cán bộ Công an huyện Bình Chánh tiếp tục đến kiểm tra, anh Tấn không còn kinh doanh không phép nữa thì bị công an kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm!

Biên bản lần này ghi anh vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, trong khi quán của anh Tấn đã ngưng bán đồ ăn từ trước!

Anh chưa hết hoang mang thì công an quận lại tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với anh. Anh nói như mếu: “Bán phở kiếm sống thì tội tình gì mà xử lý hình sự đối với tôi. Phải chăng do cửa tiệm tôi đối diện công an quận nên phạm tội… cạnh tranh với căn tin của họ!”.

Không thể tin nỗi nếu lý giải chuyện này theo cách nghĩ thông thường, phải có ẩn khuất gì đó bên trong chăng? Hạ hồi phân giải.Nếu với quá trình tố tụng xét xử hai cấp ở nước ta thì và các án lệ tương tự thì thời gian sẽ kéo rất dài.

Án lạ không chỉ có một, nếu tại TPHCM người ta khởi tố người bán phở thì ở Hà Nội có 17 người dân đã bị đã bị xử lý hình sự vì tội nấu cháo trước ủy ban xã.

Ngày 20 tháng 4 sắp tới tòa án thành phố Hà Nội sẽ xử phiên phúc thẩm vụ án kỳ lạ này.

Theo đó vào các ngày 24, 25, 26; 30, 31-7-2012 và các ngày 1, 2-8-2012, mỗi ngày đều có khoảng 300 – 400 người mang theo xe cải tiến, xe đạp chở 10 chiếc nồi có dung tích từ 70 lít trở lên và gạo, xương hoặc thịt lợn, củi, trấu, mùn cưa đến đặt bếp nấu cháo tại sân UBND xã Liên Hiệp. Việc nấu cháo trong các ngày đều diễn ra trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến khoảng 16h30…

Do đung nấu bằng củi, trấu, mùn cưa, thời gian kéo dài nhiều tiếng đồng hồ nên quá trình nấu cháo, khói bốc lên xông vào các phòng làm việc của cán bộ UBND xã Liên Hiệp… khiến toàn bộ các cơ quan ban ngành của xã bị đình trệ, không làm việc được. Với hành vi như thế này, Tòa án ND huyện Phúc Thọ đã “tuyên bố các bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng”?!.

Vẫn là nguyên nhân ẩn khuất gì khác chăng? Khi mà người ta áp dụng biện pháp hình sự cho một hành vi buồn cười như vậy?

Qua hai vụ án này, đúng sai, hình thức xử lý và xử phạt sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ nhưng có vẻ như luật pháp của chúng rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên không phải vậy, bằng cớ là việc có người bị án tù tội lừa đảo vẫn ung dung ở ngoài tiếp tục làm việc ở một công ty lớn hơn.

Ngày 28/1/2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Vũ Ngọc Thuyển 4 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo điểm d khoản 2 Điều 226b Bộ luật hình sự.

Điều kỳ lạ là sau khi nhận án tù, Thuyển vẫn chưa phải thi hành án. Hơn nữa, Thuyển còn được phong là Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam có địa chỉ tại 15 phố Đặng Thùy Trâm, Bắc Từ Liêm. Trong thời gian sau khi nhận án tù, Thuyển còn rất “đĩnh đạc” phát ngôn trên nhiều tờ báo về hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam với vai trò Phó chủ tịch HĐQT công ty.

Nếu bản thân chúng ta nằm trong tình trạng tương tự, túc là cảm thấy mình bị xử lý hình sự oan sai thì sao?

Rõ ràng, từ những vụ án cụ thể cho thấy việc áp dụng pháp luật trong hệ thống điều tra, xét xử của ta có vấn đề, nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn là nếu đương sự, bị can, bị cáo cảm thấy… oan sai thì chỉ có thể… chờ quá trình tố tụng ở cấp tiếp theo.

Sơ thẩm rồi mới tới phúc thẩm và nếu may mắn thì được giám đốc thẩm…. cho nên mới có kỳ án oan dài hàng chục năm như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… với điệp khúc xử đi xử lại, điều tra tới điều tra lui….cho đến khi được vạ thì không còn răng để ăn cơm.

Nguyên tắc xét xử hai cấp ở nước ta được ta coi là ưu việt nhưng hầu như không có nước nào trên thế giới còn áp dụng.

Hầu hết các nước hiện nay áp dụng nguyên tắc xét xử chung thẩm tức là các bản án, quyết định sau khi ban hành sẽ mặc nhiên được thừa nhận là giải pháp cuối cùng và có hiệu lực pháp luật ngay, trừ những trường hợp đặc biệt vi phạm về thủ tục tố tụng hoặc những sai lầm về mặt pháp lý thì sẽ được tòa phúc thẩm xem xét lại.

Tuy nhiên tòa phúc thẩm cũng chỉ xem xét lại về mặt pháp lý và thủ tục chứ không xét lại những nội dung sự kiện đã được bồi thẩm đoàn quyết định tại tòa sơ thẩm.

Sở dĩ các nước theo mô hình tranh tụng không áp dụng nguyên tắc hai cấp xét xử là vì quan niệm về vai trò, ý nghĩa của bồi thẩm đoàn tham gia tố tụng ở các nước này. Trong những vụ án dân sự phức tạp hoặc tranh chấp có giá trị lớn đều có bồi thẩm đoàn tham gia phiên tòa sơ thẩm.

Nếu vụ án dân sự xét xử có bồi thẩm đoàn thì tại phiên tòa, bồi thẩm đoàn chỉ xem xét và quyết định về những vấn đề sự kiện còn những nội dung pháp lý sẽ do thẩm phán quyết định.




Cho rằng như thế có khả năng gây oan sai cho công dân nên nước ta không áp dụng nguyên tắc chung thẩm mà áp dụng nguyên tắc xử 2 cấp.Xử sơ thẩm, bị cáo có quyền kháng cáo, sau đó xử phúc thẩm.

Tuy nhiên quá trình này cùng với trình độ và nhận thức pháp luật của người thi hành tố tụng mà tình trạng oan sai ở nước ta và việc xét xử lòng vòng, kéo dài cả đời… thì ai cũng biết rồi.

Từ đó cho thấy vấn đề của các cái gọi là kỳ án, án oan sai, án duy ý chí đều xuất phát từ con người chứ không phải từ hệ thống.Và trong quá trình tố tụng ấy người dân thấp cổ bé miệng xui rủi bị oan sai thì sẽ phải mất cả một phần đời của mình để chờ được giải oan.

Hoàng Linh

4 nhận xét: