Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

14/9/2015 - Nghề giáo viên: mô phạm hay sáng tạo?

Không biết tự bao giờ, người thầy đã bị xã hội “dán nhãn” mô phạm. Hễ là giáo viên thì phải mặc áo có cổ, vác cái cặp to, bước thẳng và mắt nhìn về phía trước, không nói tục chửi bậy hay ăn quà vặt trên vỉa hè…

Nghề khác thì có thể mày tao chí tớ dọa nạt người khác, nhưng hễ đã mang danh thầy cô giáo mà trót nhỡ phát ngôn thiếu mô phạm là ngay lập tức hứng búa rìu dư luận.

Cái mác mô phạm, dần dần đã trở thành một định kiến và sợi dây trói buộc đối với bất cứ ai muốn vào ngành sư phạm, sẽ trở thành giáo viên và đã là giáo viên. Không ít học sinh phổ thông đã có chung một quan niệm như thế, và đó là lí do tại sao những bạn cá tính, giàu khả năng sáng tạo, năng động và thực tế lại ít khi lựa chọn bó mình trong một cái nghề mà họ cho rằng quá nhiều công thức.

Thậm chí, một vài bạn trong số những kẻ tài tử này, vì duyên phận, may hay là không may sa lưới một trường Sư phạm, thì sau một, hai năm học, đã ngay lập tức được liệt vào hàng “cá biệt”, nào là nghênh ngang phách lối, không biết kính trên nhường dưới, nào là ăn mặc chả giống ai, tóc mỗi ngày một kiểu, quần áo thì toàn tông màu chóe, nào là phát ngôn bừa bãi…

Một số bạn, tự thấy mình khác với đám đông ù lì, bất mãn với một môi trường nhàn nhạt vô âm sắc, đã tự giác đứng vào hàng các bộ tộc thiểu số, và lập sân chơi riêng. Không ít người trong số đó, cuối cùng, đã không thể thích nghi, và lựa chọn rẽ sang hướng khác, từ bỏ cái nghề mà mình đã được đào tạo chính qui, tốn không biết bao nhiêu tiền của, thời gian và công sức.

Trong số những kẻ gai góc đã có cơ may/ hay là không may tiếp tục bám trụ với nghề, có nghĩa là trở thành giáo viên ở một trường công hay trường tư nào đó, thì có đến một nửa sẽ bị bào mòn và gọt tròn đi trong các môi trường phổ thông.

Bị cuốn vào một vòng xoáy của những việc lặt vặt tủn mủn, giấy tờ sổ sách, thi giáo viên giỏi, trông thi, chấm thi, trả bài, dạy thêm, họp thi đua…, sau vài năm, cái ý chí muốn thay đổi một cái gì đó, cái cá tính gai góc muốn khẳng định mình là một giáo viên khác biệt, những ý tưởng sáng tạo và lòng nhiệt tình hăm hở buổi đầu… không ít thì nhiều cũng hao mòn dần. Và kết quả là, sau nhiều năm cầm viên phấn và đứng trên bục giảng, họ chính thức bị đồng hóa và trở thành mẫu hình giáo viên đúng chuẩn- mô phạm.

Rõ ràng là, chúng ta không bao giờ được phép coi thường các khẩu hiệu treo trên tường hay các diễn ngôn định kiến. Bạn cứ thử vùng vẫy trốn thoát khỏi nó mà xem, bạn sẽ cảm thấy mỗi cử động của mình đều bị nó kiểm soát. Có hàng trăm đôi mắt săm soi bạn từng giờ và ép bạn phải sống cho vừa khuôn khổ, trong những qui phạm.

Bất cứ cái chệch hướng, đều dứt khoát phải bị chỉnh huấn, hoặc trả giá, bằng cách này hay cách khác. Và thế là, cách tốt nhất là chúng ta lựa chọn phương án an toàn- trở thành một giáo viên đúng chuẩn.

Tuy nhiên, xét về bản chất nghề nghiệp, nghề giáo viên lại là một công việc đòi hỏi bạn phải vô cùng sáng tạo, tinh tế thậm chí mẫn cảm. Theo quan điểm cá nhân tôi, chẳng có một công thức bất di bất dịch nào có thể định lượng được một người thầy tốt.

Những thầy giáo tuyệt vời nhất mà tôi từng được học chính là những người vô cùng hiếm hoi, dám vứt quách cái nhãn dán mô phạm. Thầy giáo dạy Văn cấp hai của tôi chữ xấu không thể tả nổi, mỗi khi kết thúc một tiết học, cái bảng hiện lên nham nhở như một bãi chiến trường, nó dường như là kết quả của cả một quá trình thầy vật lộn với tư duy và ngôn từ của mình, cố hết sức để truyền đạt nó tới cho người học.

Thầy giáo dạy Sử hay nhất mà tôi từng học thường có thói quen, trong những lúc dạt dào cảm hứng, ngồi hẳn lên bàn giáo viên, cả trăm đứa học trò trong lò luyện thi đứa nào cũng mắt chữ O mồm chữ A nghe như nuốt từng lời, và tôi thì có thể nhớ luôn bài học, không cần phải học bài ở nhà.

Thầy giáo dạy Sinh mà tôi ngưỡng mộ nhất, có lần, còn xông vào giữa giờ Văn, của đội tuyển Văn, để giảng giải về cơ chế hoạt động của não bộ. Những người thầy xuất sắc nhất mà tôi được học, không có ai dạy dỗ một cách tuần tự, đúng chuẩn, ăn mặc, ứng xử theo công thức, và vì thế, cũng chẳng bao giờ bắt chúng tôi phải “đổ vừa khuôn”.

Sự không hoàn hảo, hóa ra, có sức hấp dẫn riêng của nó. Tôi luôn tìm thấy chính mình trong bài học và được tự do suy tưởng và hiểu được sự không giới hạn của tri thức, cũng như không giới hạn của cuộc sống. Không ít học sinh đã tỏ ra “phát mệt” với những giáo viên luôn cố tình tỏ ra đạo mạo, chuẩn mực, mô phạm.

Đi sâu vào công việc thường ngày của người giáo viên, bạn sẽ thấy rằng lẽ ra, đó phải là một công việc vô cùng tinh tế, giàu sức sáng tạo, tràn đầy cảm hứng. Thử nhìn lại xem, trong cuộc đời ngắn ngủi hay lê thê làm một giáo viên quèn, bạn có bao giờ gặp một lứa học sinh giống hệt một lứa học sinh trước đó?

Trong một lớp học ba bốn chục học sinh hoặc nhiều hơn nữa, không có đứa nào giống đứa nào. Thậm chí, chính cái đứa học sinh ấy, hôm nay rất ngoan ngoãn thông minh, nhưng ngày mai, vào một ngày trái gió trở trời, nó lại thành ra ngạo mạn, hay nhút nhát hay tăng động…

Bên trong cái vẻ ngoan hiền thông minh tưởng chừng hoàn hảo của chúng, bao giờ cũng tiềm ẩn những nhân tố phản kháng, hoặc những gót chân Asin mà dù cố gắng đến mấy, bạn cũng không bao giờ hiểu hết. Mỗi ngày, bạn đứng giữa và phải đối phó với hàng ngàn các yếu tố đang không ngừng chuyển động, đổi khác, mâu thuẫn. Chưa kể, cái tri thức mà bạn muốn truyền cho học sinh của mình lại mỗi ngày một khác.

Cái mà bạn tưởng đã là chân lý, một mai hóa ra chuyện hoang đường, huyền thoại. Cái bạn cứ tưởng là sai đứt đi rồi, hóa ra, xét trên một phương diện nào đó lại thành ra đúng. Phát ngôn của những đứa lười biếng và láo toét nhất trong lớp, lại có thể chính là những phát ngôn thông thái nhất…

Không gì có thể lường trước được trong thế giới của bạn. Chưa kể, bất cứ chiêu trò hay ho nào của bạn hôm nay, ngày mai đã trở nên lỗi thời và nhanh chóng bị lũ học trò tinh quái bắt bài. Chúng suốt ngày chỉ có việc săm soi và nghĩ mưu điều khiển bạn.

Trong một thế giới xoay như chong chóng, nếu thiếu sự sáng tạo, bạn sẽ tự biến mình thành cái máy giảng bài biết đi hay cái máy chấm điểm chạy bằng cơm, biến cuộc sống của mình trở thành ao tù phẳng lặng, hoặc thậm chí trở thành một cái barie cản trở sự sáng tạo của học trò. Tôi đã biết không ít những giáo viên như thế.

Ban đầu họ tự nhốt chặt chính mình bằng cách nhất quyết không chịu học thêm cái gì mới mẻ, tiếp đó họ không bao giờ chịu hiểu cho là thế giới đang không ngừng chuyển động còn họ thì đứng im, và cuối cùng, họ cực lực công kích và nhiệt tình cản trở tất cả những gì đang sống và đang chuyển động. Những người thầy như thế, thật tàn nhẫn biết bao và cũng đáng thương hại biết bao. Cái đầu của họ, cũng như trái tim của họ đã quá chật để có thể dung nạp bất cứ cái gì khác biệt.

Chính những ý tưởng sáng tạo và một tâm hồn bay bổng, giàu sức tưởng tượng sẽ thúc đẩy bạn thử nghiệm những thứ điên rồ, làm những điều không thể, dám đi con đường của mình. Nó sẽ là động cơ đốt trong khiến cho bạn làm việc hăng say không mệt mỏi, đồng thời lan tỏa niềm cảm hứng cho học sinh của bạn, để chúng có thể nhân lên những ngọn lửa sáng tạo và nhiệt tình.

Bạn dũng cảm đi tìm cái mới, chấp nhận cái mới, bất chấp những khó khăn thậm chí dọa dẫm thậm chí trả giá. Nhưng cái mà bạn có được, đó là bạn chuyển động, bạn sống một cuộc sống đủ đầy thật sự chứ không phải chỉ tồn tại như một cái máy giảng bài hay chấm điểm. Tôi luôn tin rằng, nếu bạn sống tử tế, bạn sẽ gặp những người tử tế. Khi bạn có những ý tưởng sáng tạo, bạn sẽ gặp được những người có đầu óc sáng tạo hoặc chỉ đơn giản là ưa thích những cái mới.

Sự sáng tạo trong nghề nghiệp nhất thiết phải bắt nguồn từ sự trăn trở. Bạn không thể nghĩ ra cái gì đó mới nếu bạn không thực sự day dứt về những cái cũ, băn khoăn về học trò của mình hàng ngày, trước, trong và sau mỗi buổi học, lặn lội mò mẫm để học hỏi và trả giá. Nhưng sự sáng tạo cần được tiếp sức bằng tinh thần lạc quan, bởi thiếu nó, bạn sẽ nhanh chóng từ bỏ.

Sự sáng tạo của mỗi cá nhân cần được hỗ trợ bởi một thứ slogan tích cực hơn: Nghề giáo- nghề sáng tạo. Chỉ khi nào cả xã hội cho rằng, nghề giáo viên thực sự là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo, một nghề lao động trí óc tinh vi, tổn hao nhiều chất xám và vì vậy xứng đáng được tôn vinh như những nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp, thay vì đơn thuần chỉ là một nghề thủ công, chỉ khi nào chính mỗi người giáo viên cũng tự nhủ được rằng: mình đang làm một công việc sáng tạo, thì lúc đó, giáo dục mới mong đổi mới.

Mà ngay cả từ đổi mới, thiết nghĩ, cũng nên được gọi tên theo cách khác, vì nó mòn quá đi rồi.


Nguyễn Thị Ngọc Minh


2 nhận xét: