Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Thầy giáo hay thợ dạy?

Các quyển sách giáo khoa trước 1975, thường ghi đằng sau tên tác giả là “tốt nghiệp đại học sư phạm”, rồi mới ghi tới học vị cử nhân, cao học (nếu có). Tác giả nào cũng hãnh diện mình là dân sư phạm, dù họ thừa biết, kiến thức (chuyên môn) của cử nhân giáo khoa gấp đôi sư phạm.

Tôi kính nể thầy cô giáo đã biến một học sinh có học lực kém thành học sinh trung bình, hơn là học sinh trung bình thành học sinh giỏi.

Nghề giáo thường ít đi công tác, nên ít có cơ hội cọ xát với “cuộc đời”, ít biết thêm về những tiến bộ của công nghệ và khoa học. Thế giới của họ là sách giáo khoa và thành tích.

Không có thành tích là không xong với nhà trường. Ở lớp cuối bậc trung học, thành tích là tỉ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông, cao hơn là số học sinh đậu đại học, và cao hơn nữa có học sinh đạt giải cấp quận, cấp thành phố, cấp quốc gia, hay olympic. Ban giám hiệu cần thành tích, thầy cô cần thành tích, nhưng học sinh có cần hay không, thì tôi không chắc.

Để đạt được thành tích, thầy cô cũng phải vất vả sưu tầm những bài toán khó, những câu hỏi độc địa, mà đồng nghiệp cùng bộ môn với họ cũng chưa chắc giải được. Trong thế giới càng nhiều câu hỏi độc địa như thế, càng chứng tỏ sự kiến thức của giáo viên trong lĩnh vực chuyên môn (về hóa, lý hay sinh chẳng hạn), và không ít giáo viên tự hào về điều này.

Tôi tự hỏi, kiến thức về những câu hỏi đánh đố như thế có sánh được với kiến thức chuyên môn của những người đang làm công nghệ hay đang làm nghiên cứu không, chẳng hạn giáo viên sinh so với người đang làm trong lĩnh vực vi sinh hay lai giống.

Chẳng ai đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn sâu. Kiến thức chỉ vừa đủ thôi là được. Điều cần là kiến thức và kỹ năng sư phạm mà giáo viên được học từ trường và tích lũy qua năm tháng giảng dạy, những thứ mà các vị kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ không được học, và không có kinh nghiệm như họ.

Các quyển sách giáo khoa trước 1975, thường ghi đằng sau tên tác giả là “tốt nghiệp đại học sư phạm”, rồi mới ghi tới học vị cử nhân, cao học (nếu có). Tác giả nào cũng hãnh diện mình là dân sư phạm, dù họ thừa biết, kiến thức (chuyên môn) của cử nhân giáo khoa gấp đôi sư phạm.

Kỹ năng sư phạm được đánh giá qua thành tích 100% học sinh tốt nghiệp, hay 90% trên điểm sàn đại học, hay đoạt giải quốc gia liệu có đúng không? Và rồi trong những buổi dự giờ, rồi phê bình nhau giữa các đồng nghiệp cùng bộ môn thế nào? Những đánh giá này khách quan, cảm quan hay còn vì lý do tế nhị nào khác?

Để đưa 1 lớp chỉ toàn là những học sinh kém, lên mức ít kém hơn cần một phương pháp sư phạm khác, hay nói khác, cần sự sáng tạo sư phạm trong một trường hợp cụ thể. Con người có ai giống ai đâu, nhất là ở lứa tuổi thiếu niên. Ai thấy được những nỗ lực âm thầm của giáo viên đứng lớp? Chia sẻ kinh nghiệm hay chỉ biết phê phán, hay chỉ biết chì chiết nhau chỉ vì cá nhân mà làm hạ thành tích của tổ, của trường?

Học sinh được luyện tập để phản xạ với những kiểu toán khó, toán di truyền, toán hóa, toán lý,…Khi thi, trật tủ thì coi như bị tủ đè. Cách học như thế coi như loại bỏ tư duy và tinh thần tự học, tìm tòi. Hậu quả chẳng cần chờ đợi lâu đâu, chỉ cần sinh viên qua đến năm thứ ba, thứ tư đại học, khi bước vào những môn học có tính nghề nghiệp thì sẽ lộ rõ ngay. Với kiến thức (gạo bài) cùng với “kỹ thuật thi cử” thì sinh viên dư sức qua cầu, nhưng kỹ năng làm việc, vận dụng kiến thức để đưa vào thực tế thì sao?

Tôi còn nghe nói đâu đó, có tình trạng vận động, thậm chí chạy chọt để có “chức” tổ trưởng bộ môn, với đủ “quyền uy” để đi tới mục tiêu là lùa học sinh đi học thêm. Điều này đúng tới đâu và liệu có phổ biến không?

Kiến thức của một kỹ sư, tiến sĩ có thể tạo ra 1 sản phẩm cụ thể, nhưng với kỹ năng sư phạm thì sản phẩm là con người. Và vì liên quan đến con người thì sáng tạo sẽ thiên hình vạn trạng. Một học sinh giỏi, có thể chẳng cần đến giáo viên giỏi, nhưng một học sinh kém thì cần, và nhiều khi cần cả tấm lòng nữa. Rồi biết đâu, chỉ từ một học sinh kém thành 1 học sinh trung bình, cũng đủ làm thay đổi số phận một con người. Nghề giáo được cả nước tôn vinh là vì thế, chứ chẳng lẽ tôn vinh vì lùa học sinh đi học thêm, để đạt thành tích 100% tốt nghiệp, hay đậu đại học?

Đổi mới sách giáo khoa chỉ cần 1-2 năm, nhưng đổi mới thầy giáo thì có cần không? Một khi bệnh thành tích đã in vào não trạng thì phải cần bao lâu mới đổi mới được? Và một khi giáo án đã trở thành xơ cứng, thì sáng tạo sư phạm sẽ bị hủy diệt. Thầy giáo trở thành thợ dạy.

Khi viết bài này, tôi nghĩ đến những giáo viên đang kiên nhẫn với những học sinh học kém, và nhất là với những thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Tôi muốn ngàn lời xin lỗi họ vì bài viết này. Họ chẳng có thành tích gì so với tiêu chuẩn thầy giáo thời đại, nhưng đối với tôi họ đúng là những người thầy.


Vũ Thế Thành


1 nhận xét:

  1. Decalsaigon cập nhật
    giá xe điện gấp
    các loại mới rẻ cao cấp chất lượng nhất hiện nay.

    Trả lờiXóa