Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Tản mạn người Sài Gòn

Dân Sài Gòn chính hiệu “con nai vàng” chẳng bao giờ gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Không nhất thiết là vì lý do chính trị. Thằng Tí thằng Tèo trong mắt bà ngoại trăm năm vẫn là thằng Tí thằng Tèo, bất kể địa vị xã hội của nó là gì.

Dân Sài Gòn “quái chiêu” lắm, lúc nào cũng than thiếu tiền, nhưng không sống tằn tiện bao giờ! Họ hào hiệp với bản thân và bè bạn; và họ luôn tìm được cách kiếm tiền.

Nhiều người bảo tôi rằng dân Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc.

Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì đó hơn thế nữa! Kiểu ăn xài “xả láng sáng dậy sớm”, dù nghèo rớt mồng tơi, dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn, ăn vào không khí họ thở hàng ngày, ăn cả vào cái văn hóa hổ lốn cẩu xực của họ. Dĩ nhiên để ăn xài thì đầu tiên phải kiếm ra tiền.

Kiếm tiền thì có lẽ không đâu có nhiều cách như Sài Gòn.

Trong thời còn ăn bo bo, gạo tổ đỏ lòm, thời dân Hà Nội còn ganh nhau từng cái khung Chiến Thắng, lốp Phượng Hoàng, hộp sữa cân đường tiêu chuẩn, thì dân Sài Gòn đã bắt đầu nuôi heo lậu, quấn thuốc lá Lạng Sơn pha lá dừa, làm pháo giả, bán thuốc Tây “bột năng” đầy ngoài chợ… Hiển nhiên một phần là do ưu thế xa “trung ương”, nhưng phần chính là do dân Sài Gòn sống rất “năng động”.

Những năm 79, 80 mà thấy anh nào bị cối kẹp nách, mặt mũi lấm lét ở chợ Nguyễn Hữu Cầu thì biết ngay là hắn buôn thuốc Tâỵ Sau khi chợ thuốc Tây bị dẹp thì đường Nguyễn Hữu Cầu biến thành cái chợ trời đầu tiên của Sài Gòn sau 75. Ôi thôi thì quần zin áo pun, đồ Mỹ lẫn đồ chợ Lớn, bếp điện Liên Xô dây Gò Vấp…

Ở Sài Gòn cái gì bán được là có người bán. Ðừng hòng mà mua được đồ xịn nếu mà không quen biết hay hiểu biết. Nhiều người tự thị là “rành” nhất bị lừa mà vẫn còn hí hửng. Ðó là chưa nói đến giá cả trời ơi. Tôi thường tự hỏi ai cũng bán hết thì lấy ai ra mà mua? Tiền đâu ra mà mua? Thế mà chợ lúc nào cũng đông. Ðúng là Sài Gòn!

Nếu không thích cảnh chợ búa “gần mực” thì người ta quấn thuốc lá, nuôi heo với cơm thừa canh cặn pha cám lậu ở ngay trong nhà. Chuồng heo phải lau rửa ít nhất hai lần một ngày, sợ hôi thì ít, mà sợ công an phát hiện thì nhiều.

Lái heo bốn rưỡi sáng đã mang xe ba gác đến chở. Bọn lái heo lậu giết heo còn giỏi hơn công nhân chuyên giết-mổ heo ở xí nghiệp Cầu Tre sau nàỵ Chích điện con heo chỉ kêu cái “éc” là chết ngoẻo tò te, xẻ làm bốn mất độ mươi phút, sáng hôm sau bà con có thịt heo tươi bán ở chợ.

Khi xí nghiệp nước đá Sài Gòn chưa ra đời thì nhà nhà làm đá, người người bán nước đá. “Cho con 2 cục đi dì ơi!” là câu cửa miệng trưa hè của dân Sài Gòn. Tiền điện thì vừa đắt cứa cổ vừa phải có tiêu chuẩn. Mua cả cái tủ lạnh chuyên làm đá bỏ mối tháng cho các quán cà phê vỉa hè cũng chỉ đủ tiền ăn trưa cho gia đình là giỏi.

Người ta còn buôn cả những thứ tưởng chừng như chẳng có người mua vào thời đó như phô mai Liên Xô thúi hoắc, bánh kẹo Vinabico, rượu XO pha rượu lúa, nước lã và cồn…

Ðến giữa và cuối thập niên 80 thì cơ hội kiếm tiền còn nhiều gấp bội. Sinh viên học sinh nghèo thì đi dạy thêm, quen biết hơn tí nữa thì đánh hàng Viễn Dương, hàng Ðông Ảu, buôn thuốc lá Campuchia, mua bán xe gắn máy kiếm vài chỉ dẫn “ghệ” đi chơi dễ như bỡn.

Bọn Tèo kinh doanh còn buôn cả đất đai, làm xây dựng kiến tiền tỉ khi còn chưa ra trường. Không nhất thiết phải chúi đầu vào học kiếm suất đi Tây. Sống cái đã, ngày mai là chuyện của tương lai!

Kể cả các thầy dạy luyện thi đại học cũng biết làm ăn ra trò: xây thêm nhà mở lớp học, có cả lớp học máy lạnh cho con nhà giàu học riêng một lớp năm bảy đứa. Các thầy nổi tiếng rất biết marketing, dạy cả lớp giỏi lấy tiền ít để bọn nó thi thủ khoa mang danh tiếng cho thầy, chia lớp ra làm cả chục tầng tùy trình độ.

Các chị các cô khéo tay thì làm bánh, làm hoa giả, pha nước hoa bán đầy đường Ðồng Khởi, làm kem dừa, kem chuối tăng thu nhập gia đình.




Ðừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo làm ăn không đọc sách. Sài Gòn có vài trăm tiệm sách cũ mà dân nghiền sách nhẵn mặt. Từ sách Giải Tích Hàm của Lê Hải Châu, sách Tuổi Hoa trước giải phóng, chưởng Kim Dung, đến hình ảnh sách báo khiêu dâm của Mỹ, Hong Kong hay báo Toán Học Tuổi Trẻ, Kvant, và mọi loại truyện ngắn, dài, tiểu thuyết nội ngoại, đều có cả.

Nhân chuyện buôn thuốc, tôi có thằng bạn đi Tây Ninh buôn hai cây thuốc Zet bị bắt tịch thu luôn cả cái xe dream. Rõ là ngu! Thằng cu phá phách kinh khủng, nhưng cũng vui tính ra phết. Có lần ngồi uống cà phê hắn bảo cô bán hàng: “Liên ơi cho anh mượn sợi dây thung.” – “Chi dzậy anh?”, Liên hỏị Nó bảo: “để anh thắt ống dẫn tinh”. Cô bé mặt đỏ lừ không biết có bỏ cái gì vào ly cà phê của nó không.

***

Sài Gòn là thế đấy, muôn người muôn mặt, đa dạng vô cùng!

Dù phần nào bị cuộc sống sôi nổi cuốn trôi, Sài Gòn vẫn có nhiều thằng Tèo mộng mơ làm thơ viết truyện dễ thương khôn tả: làm ăn tay phải, văn nghệ tay trái. Hình ảnh con Thơm cái Thắm hàng me gốc điệp không bao giờ phai nhạt trong mắt bọn Tèo Sài Gòn.



Tôi vẫn còn nhớ Tèo Nguyễn Nhật Ánh với “cô gái đến từ hôm qua”, “còn chút gì để nhớ”, “truyện cổ tích dành cho người lớn”…

“Lòng em như chiếc lá khoai/ Ðổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu…”

Hay Tèo Bùi Chí Vinh: “Cô gái ơi anh nhớ em,/ Như con nít nhớ cà rem vậy mà/ Như con dế trống đi xa,/ Lâu lâu lại nhớ quê nhà gáy chơi/ Con dế thường gáy một hơi,/ Còn anh gáy hết… một thời con trai,…”

Ðến đây tôi chợt nhận ra rằng viết về “một thời để nhớ”, về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ thì rất dễ, dễ đến mức cái thằng văn dốt chữ nát như tôi cũng “xổ nho” được vài dòng.
Khi viết cái gì ít vô thưởng vô phạt hơn một chút thì phải bắt đầu nhìn trước ngó sau, câu chữ trúc trắc, ý vẫn tràn nhưng sợ hiểu sai hiểu lệch, lại phải tránh chính trị chính em …

Tôi đã định dừng ở đây vì câu chuyện đã nhạt dần đi, cái hào hứng ban đầu của bạn đọc, nếu có, chắc cũng không còn nồng nhiệt nữa. Thế nhưng chẳng thể để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng về một Sài Gòn với hai cây thuốc Zet, tôi lại phải tìm cách khác để kết thúc. Chỉ sợ rằng cũng chẳng khá hơn 2 cây thuốc Zet là mấy.

***

Nếu phải so sánh Sài Gòn với Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ổi đào Hà Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ổi Sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt nghe qua là chảy nước miếng.

Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe qua là… chảy nước miếng.

Con gái Sài Gòn dễ thương lắm! Họ có cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, lại chẳng giận dai vùng vằng vô lý bao giờ. Ði đón trễ thì: “anh để em chờ nãy giờ đó coi có được hông? Ghét dễ sợ luôn hà!” Cộng với một cái lườm, hai cái nguýt thì bọn Tèo Sài Gòn hối hận quá cả 2 tháng sau mới… trễ lần nữa.

Con gái Sài Gòn còn biết ăn mặc, đi đứng, nhất nước. Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng thiếu bao giờ. Tiểu thư Sài Gòn không ưỡn ẹo mè nheo, mà phóng xe vèo vèo đứng tim Tèo.

Giọng gái Sài Gòn thì ngọt hơn mía lùi. Cái câu “hổng chịu đâu” mà nghe dân xứ khác nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe con gái Sài Gòn nói thì bọn Tèo Sài Gòn như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng nghe ráo trọi. Con gái Sài Gòn lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng rất thực tế. “Ðược thì được hổng được thì thôi, làm chi mà dzữ dzậy!”.

Sài Gòn là vậy đó, ít nhất là từ cái nhìn của Tèo tôi. Sài Gòn dễ thương khôn tả, khoáng đạt và bao dung, rộng rãi và hào phóng. Người Sài Gòn sống nhanh nhất nước, không sợ cái mới, ghét cái lỗi thời, rất thực tế.

Còn ti tỉ nhiều đề tài thú vị về Sài Gòn mà tôi không muốn đề cập vì lười là chính: cuộc sống sinh viên học sinh Sài Gòn, các trò ma mãnh “cua ghệ” của bọn Tèo Sài Gòn, con trai Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn,…

Tôi đã nghe rất nhiều những lời nhận xét kiểu vơ đũa cả nắm: con trai Sài Gòn thế này, con gái Sài Gòn thế kia, dân Sài Gòn thế nọ… Càng nghe càng thấy buồn cười vì đa số những người nói mấy câu đó chưa bao giờ thật sự sống ở Sài Gòn.

Không hiểu có ai đó đọc bài này xong thì có thay đổi cái nọ cái kia trong nhận thức của họ không? Hy vọng nhỏ nhoi của tôi là những thay đổi, nếu có, là theo hướng tốt hơn.

Riêng tôi thì tôi vẫn nhớ rằng hồi con nít, tên ở nhà của tôi là... Tèo!

Giờ thì thằng Tèo đã già, nên cái nhớ này cứ xọ cái nhớ kia.


2 nhận xét: