Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Người lao động tiếp tục sống khốn khó

Bà xã tôi xem tivi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, xem xong cô ấy phủi tay: “Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương tối thiểu do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất”.

Ngày 13-8, tại hội thảo về tiền lương, thu nhập, mức sống của người lao động Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động VN công bố kết quả khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương.

Kết quả cho thấy, khoảng 20% lao động trả lời không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, gần 41% cho biết vừa đủ trang trải và chỉ 8% có dư dật và tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.

Với mức thu nhập không đủ sống, công nhân không có tích lũy. Đây là một trong những lý do khiến người lao động phản ứng với Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Cuộc sống công nhân chưa được đảm bảo thì đừng đòi hỏi đến việc tăng năng suất lao động. Vì vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng là hợp lý.

Với mức thu nhập trên, người lao động muốn sống được thì phải làm thêm giờ. Tiền làm thêm chiếm khoảng ¼ thu nhập của họ. Việc làm thêm chỉ là vạn bất đắc dĩ. Mỗi ngày người lao động làm 8 tiếng đã rất mệt mỏi rồi cộng thêm 4 tiếng mỗi ngày thì khó chịu đựng được.

Ngày 5-8, cuộc họp thương lượng về mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải tạm dừng bởi các bên không thống nhất được mức tăng và mức đề xuất tăng cũng vênh nhau quá lớn. Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đưa ra mức 6% song Tổng liên đoàn muốn giữ mức 16% như đề xuất ban đầu.

Đại diện giới chủ cho rằng, tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, phải tính tới khả năng chi trả, tình hình sản xuất của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có tồn tại được thì mới lo được cho người lao động.

Đỗ Vinh


1 nhận xét: