Quả là không thể tưởng tượng một ngày Sài Gòn không có cà phê vỉa hè. Không thể tưởng tượng con đường nào thiếu quán cà phê vỉa hè. Bao nhiêu xó xỉnh hẻm hóc, đầu chợ góc phố, bến xe bến đò, bệnh viện, trường học, doanh trại quân đội, công xưởng là bấy nhiêu khu vực tốt lành cho cà phê bén rễ.
Người Sài Gòn hầu như không ai là chưa ngồi cà phê một bận. Nói không ngoa, người ta uống cà phê từ hồi còn bị người nhà ẵm theo ra quán, múc muỗng cà phê đen lừa đổ vào miệng. Cái miệng bé xíu chóp chép nuốt vào nhổ ra, khóc bệu bạo…
Để ra quán cóc, chả cần vốn và mặt bằng nhiều. Chỉ cái bàn nhựa (trước đây là bàn gỗ, sau đó chỉ mỗi cái ghế cây thôi cũng được!) kê đồ pha chế lỉnh kỉnh, cái hỏa lò và ít bộ ghế nhựa. Ngoài người bán, còn thêm đứa nhỏ làm chân bưng bê. Nước nôi, khăn lau, củi đóm… đút cả xuống gậm bàn.
Công an tới, nhanh chóng gửi hết đồ vào nhà gần đó. Người bán người uống đứng khơi khơi làm như vô sự. Công an đi, lại ngồi tiếp. Biết vậy là vi phạm luật, song dường như ai cũng thấy đó là chuyện bình thường, kể cả những chiến sĩ công an hết giờ làm việc, mặc áo “thường dân” cũng rủ nhau ra đầu hẻm “làm cái đen”!.
Để ngồi quán cóc, chả cần có điều kiện gì. Ngay cả tiền, nhiều khi cũng miễn! Người tới chốn này như thể người nhà. Anh quần đùi, cởi trần cũng tư cách ngang thầy công chức áo cổ cồn cravate, thơm nước hoa cạo râu. Chị gái ẵm con, kêu ly xây chừng đoạn bỏ đi mua ổ bánh mì, trở lại vừa ăn vừa uống ung dung, xong ký sổ. Ông Tư hưu trí, chú nhà báo, anh xe ôm ế khách kẻ đánh cờ, kẻ ngồi chầu rìa hút thuốc nhẩn nha, bên cạnh đám thiếu niên chơi đâu đó tạt vào, sáu em kêu ba ly trà đá.
Bao nhiêu gương mặt, bao nhiêu đoạn chuyện trò, bao nhiêu kiểu sống, bao nỗi vui buồn, bao năm tháng… Tất cả làm nên phong cách không lẫn vào đâu được của người Sài Gòn - mà khi xa quê, thậm chí bỏ xứ, nhiều người vẫn vì nó thẫn thờ rơi nước mắt lúc tinh mơ, khi khuya khoắt chong đèn, lúc đau bệnh co ro nhìn tuyết rơi.
Cà phê cóc, cà phê vỉa hè hầu hết đều không tên. Người ta gọi theo tên hẻm tên phường, tên chủ quán, kiểu “ra Văn Khoa đi mày”, “tao ngồi Vạn Hạnh”, “lại xuống chỗ Em Hà”…
Cà phê cóc không có nhạc, không máy lạnh, không hoa lá cỏ cây, ghế bàn sang trọng mà chỉ có bụi đường, nắng mưa và tiếng đời sống chung quanh, ồn ào hừng hực. Bên ly cà phê đen, thảnh thơi ngồi nhìn mọi sự, gặp mọi người, kể cả gặp chính mình. Không khoe khoang, làm dáng sang trọng, không sợ bóng sợ gió ai. Ngồi cà phê này là xuống sát đất rồi. Ai thấy mình nữa mà sợ.
Lê Thị Kim, một nhà thơ nữ, cựu sinh viên khoa Hoá trường Tổng hợp, có lẽ khó chịu với triết lý “Không cà phê coi như không sống nổi của dân Sài Gòn”, bèn viết bài “Ra khỏi quán cà phê” để hài tội cà phê: Xin anh nhớ cho rằng - Cha ông ta không có cà phê buổi sáng - Vẫn có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…
Chẳng lẽ vua Quang Trung trước giờ xuất binh ra Bắc cứ phải dùng ly cà phê đen? Bài thơ làm năm 1984. Nước chảy qua cầu lâu rồi, chắc chị Kim cũng đã kịp uống cà phê nhiều và cười xòa về bài thơ dạo trẻ. Còn chúng ta, đi trên đất Sài Gòn, biết nhiều dạng quán xá cũng chẳng tội lỗi gì. Cứ tùy tâm trạng, tùy đối tác, tùy hoàn cảnh mà chọn nơi nhìn giọt cà phê rơi từ “cái nồi ngồi trên cái cốc”...
Dù là thế hệ 5X… hay n+1 X đi nữa thì khi ra khỏi quán cà phê mọi người cũng đều bước về phía mặt trời, như nhau. Phía trước hay phía sau mặt trời, chẳng có gì khác cả…
Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015
Ở Sài Gòn, cafe vỉa hè luôn là... ngon nhất
Nguyễn Gia Định
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét