Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Cần thay đổi tư duy soạn luật

Hiến pháp 2013, điều 25 đã quy định công dân có quyền lập hội. Như vậy đúng với tinh thần của Hiến pháp, tên luật không thể là “Luật về hội” như đề xuất của Bộ Nội vụ đưa ra vào đầu tháng 6-2015, mà phải là: “Luật quy định quyền lập hội”.

“Luật quy định quyền lập hội” để khẳng định mục tiêu chính của luật là thể hiện quyền, ý chí, nguyện vọng lập hội của người dân, chứ không phải là thể hiện vai trò quản lý của nhà nước.

Nội dung dự thảo của Bộ Nội vụ cho thấy chưa có tư tưởng gì đột phá trong tư duy xây dựng luật, mà chỉ là phiên bản mới của các Nghị định 88, Nghị định 45 trước đây mà thôi. Không quá lời khi nói rằng thói quen đi theo đường mòn cũ kỹ, thiếu tính đổi mới, sáng tạo trong tư duy và quy trình xây dựng luật được thể hiện rất rõ trong toàn bộ nội dung dự thảo.

Do đó nếu tình trạng này không được thay đổi thì thà cứ giữ nguyên các nghị định cũ còn hơn ra luật, vì với những nội dung như trong dự thảo thì chúng ta sẽ có “bình mới rượu cũ”, mặt khác, thời gian sống của luật thường rất lâu, không dễ dàng bổ sung, sửa đổi.

Thậm chí có những điểm trong dự thảo còn kém xa một số nội dung trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam (còn gọi là Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam) gửi tới Hội nghị những người đứng đầu 13 nước chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất họp tại Versailles, Pháp mùa hè năm 1919. Bản yêu sách được kí bởi các nhà yêu nước Việt Nam: Phan Châu Trinh (1872-1926), Phan Văn Trường (1876-1933), Nguyễn Thế Truyền (1889-1969) và Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc (1890-1969).

Trong 8 yêu sách chính có 2 yêu sách vẫn còn rất thời sự hiện nay với xã hội Việt Nam là Tự do báo chí, Tự do ngôn luận (yêu sách thứ 3), Tự do lập hội và hội họp (yêu sách thứ 4).

Trong không khí sau chuyến thăm lịch sử của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Hoa Kỳ vừa qua với nhiều tư duy được cho rằng đột phá trong xây dựng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ với phương châm 16 chữ vàng mới: Gác lại quá khứ, Vượt qua khác biệt, Phát triển tương đồng, Hướng tới tương lai, thì ở đây cũng phải có gì đó mới chứ.

Trong dự thảo luật không thấy nhiều hồn vía của Tự do lập hội và hội họp mà xuyên suốt là xu hướng tăng cường quản lý và kiểm soát từ việc thành lập cho đến hoạt động hội.

Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo, nhưng có lẽ các nhà soạn thảo vẫn chưa yên tâm nên thỉnh thoảng lại chêm vào cuối nhiều điều khoản một lời nhắc nhở:”…theo quy định của pháp luật”. Trong 19 trang A4 của dự thảo, nếu tôi không nhầm, thì có đến 26 lời nhắc nhở như vậy. Thậm chí có trang chứa đến 6 lần nhắc nhởi như trên. Không biết trong các đạo luật khác có tình trạng đó không.

Có lẽ cũng nên nói thêm: nội dung của dự thảo, thật ra đã được công bố từ năm 2005. Mười năm trước, đã có nhiều góp ý rằng về mặt quản lý nhà nước đối với Hội, cần bỏ tư tưởng quản lý Hội thông qua cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động. Đây là tư tưởng lạc hậu, bao cấp và hành chính hóa.

Việc quản lý nhà nước chỉ nên giao cho Bộ Nội vụ (ở cấp Trung ương) và UBND Tỉnh, Huyện (ở cấp địa phương) giúp chính phủ việc đăng ký thành lập Hội và tổng hợp báo cáo. Hội hoạt động tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Việt Nam tuyên bố có nền hành chính của Chính phủ điện tử. Như vậy, việc thành lập Hội của người dân chỉ cần bước thủ tục đăng ký qua mạng của cơ quan phụ trách nội vụ. Các hoạt động của Hội tuân thủ pháp luật chung.


Nguyễn Gia Định


1 nhận xét: