Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Tuổi Hoa trồng người

Những người làm say lòng giới trẻ thập niên 6x, 7x của thế kỷ trước cũng là những người rất trẻ.

Nhà văn Kim Hài viết văn lúc 17 tuổi, nhà văn Nguyễn Thái Hải bắt đầu viết năm 15 tuổi. Ông Hải kể khi mới là sinh viên, ông đã được nhà văn Trường Sơn bảo, nghe mà sợ: "Từ nay anh viết gì, Tuổi Hoa đăng cái đó. Anh tự làm chủ trang viết". Ông Hải cho biết, nghe xong về hồn vía lên mây và sợ không thể viết. Mãi đến hơn một tháng sau, và cũng vì nhu cầu có chút tiền tiêu, ông mới bắt đầu viết lại được.

Bà Kim Hài cho biết chuyện dài đầu tiên của bà như thế này: Ông chủ bút bảo viết chuyện dài và đưa cho bản dịch thô của một tác phẩm rồi bảo sửa lại. Bà Kim Hài loay hoay viết lại bản văn đó, rồi điều chỉnh lại những tình tiết cho Việt Nam hơn. Bà cho rằng tác phẩm đó như là một phóng tác văn chương của bà.

Gọi ông và bà với các nhà văn đã viết cho Tuổi Hoa trước 1975 là vì bây giờ họ đã qua tuổi 65 cả rồi, chứ lúc viết ấy, họ rất trẻ.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải kể khi được tòa soạn nhắn tin trên trang bìa 3 là đến tòa soạn, ông đã đi từ rất xa đến, nhưng khi bước chân vào tòa báo, một thầy hỏi "anh đi đâu?", thì vội trả lời "con vào nhầm", rồi quay xe trở về nhà. Về được một tuần thì lại quyết định đi, vì rõ ràng tòa báo mời mình đến. Kỳ này đến, không gặp thầy, thật may mắn, nhưng vừa bước vào lại gặp một ông cha đầu hói hỏi "anh đi đâu?" Sau này mới biết đó là cha Chân Tin, người sáng lập và là chủ nhiệm báo Tuổi Hoa. Ông lấy hết can đảm trả lời "tòa báo mời con đến !" Cha Chân Tín chỉ ra phòng cuối gặp ban biên tập.

Sau khi giới thiệu tên với Ban biên tập, mọi người bảo "cứ tưởng Nguyễn Thái Hải là một ông thầy chứ lại là chàng sinh viên à?" Từ ngày đó chàng sinh viên thành nhà văn.

Nhà văn Quyên Di kể, ban đầu báo Tuổi Hoa chỉ là phụ trương của báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do cha Chân Tín làm chủ nhiệm, rồi dần dần mới phát triển thành một tờ báo.

Nhà văn Trường Sơn là chủ biên đầu tiên, sau đó đến Hà Tĩnh, rồi Quyên Di, rồi trở lại Hà Tĩnh cho đến ngày đóng cửa, sau 1975.

Cha Lê Quang Uy kể lúc bé nhà ở Đakao, mỗi tuần cứ chạy ra sạp báo ở đường Đinh Tiên Hoàng để khi Tuổi Hoa ra là mua ngay. Những câu chuyện, những câu văn cứ như hạt cải được Chúa Yêsu dùng trong dụ ngôn Nước Trời. Ai ngờ hạt bé tẻo teo lại thành cây to chim trời đến đậu và làm tổ được. Cải của đất Israel khác cải Việt Nam. Theo cha Uy, Tuổi Hoa cũng là đã gieo vào lòng trẻ con Miền Nam thời đó rồi bổng lớn lên thành ngời, con người trọng nhân nghĩa, con người phục vụ.

Cha Phạm Trung Thành cho biết, nếu hôm nay không gặp con gái nhà văn Minh Quân thì cứ ngỡ Minh Quân là ông, té ra là bà. Bà Têrêsa Minh Quân đã về với Chúa rồi.

Về văn Tuổi Hoa, cha Thành có kinh nghiệm sưu tầm và phổ biến lại, nhưng theo ngài giới trẻ ngày hôm nay không đón nhận nồng nhiệt như trẻ con xưa. Ngài kể một kinh nghiệm âm nhạc mới diễn ra, những bài nhạc xưa được phối khí lại theo phong cách rock và rap đã lôi kéo giới trẻ cuồng nhiệt. Tuổi Hoa phải phối lại thế nào?

Cha Lê Ngọc Thanh nhận xét, thuở xưa, 10 điều Răn của Thiên Chúa là ân ban, còn con người bây giờ lại xem đó là điều phải tránh, cố tránh đối đa nếu được, nên đã tạo ra một xã hội rối loạn trật tự và suy đồi. Giữa cơn bão thông tin và trục xoay bấp bênh của chính trị và kinh tế, tâm hồn giới trẻ rối bù, không lớp lang, không rõ ràng, nhập nhòa thiện ác. Chính vì vậy họ không làm được chọn lựa mạnh, dứt khoát để có ích cho đời, mà cứ nương cái này tựa cái kia, tới đâu hay tới đó, làm những giá trị hy sinh, yêu thương thưa dần, còn phản bội, lọc lừa tăng lên.

Cha Thanh cho biết, khi đọc lại sách báo trước 1975, cha thấy Tuổi Hoa có một phong cách xây dựng con nguời vừa nhân bản vừa nghệ thuật, nên ngài đang ấp ủ một dự án tương tự như Tuổi Hoa xưa.

Có mặt trong buổi gặp gỡ Tuổi Hoa giữa Sài Gòn, tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng vào sáng 27-07-2015 còn có con trai họa sĩ ViVi. Qua các câu chuyện của các nhà văn, những độc giả Tuổi Hoa xưa mới biết thêm điều thú vị mới về ViVi là ông không chỉ vẽ bìa và minh họa cho các câu chuyện Tuổi Hoa Xanh - Đỏ - Tím, mà còn thường xuyên đặt tựa sách cho các tác giả.

Cuộc tưởng niệm nhà văn Nguyễn Trường Sơn được nhà văn Quyên Di gọi là Anh Hai không quá đông, nhưng có đủ người đã viết đã làm và đã đọc Tuổi Hoa. Người ở đàng Đông kẻ ở đàng Tây hội ngộ. Mọi người sau khi dâng thánh lễ cầu nguyện cho nhà văn Simon Trường Sơn, hàn huyên chuyện văn chuyện nghề rồi thì mọi người nghiên mình kính cẩn trước linh ảnh vị chủ bút đầu tiên của Tuổi Hoa trong tiếng kèn Harmonica của người đồng nhiệm chủ bút Quyên Di.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét