Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Hẻm Sài Gòn

Ai đó từng dọn nhà đi, khi có dịp đặt chân trở lại thăm những ngõ hẻm ở Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 6... đều có chung tâm trạng bâng khuâng của người đi xa nay trở về nhà. “Tôi đi vài năm chớ mấy! Vẫn Sài Gòn đây. Vẫn...”, ông B. Việt kiều, phân bua với bà bán nước mía trong một con hẻm đường Phan Văn Trị. “Có sao đâu! Anh hai uống thêm ly nước mía nữa nghen, em mời”.

Trong sự thay đổi của Sài Gòn hôm nay, một ít gia đình phất lên đến sống ở nhà mặt tiền, biệt thự phố, nhưng đa số người dọn nhà khỏi những con hẻm cũ vẫn tiếp tục sống trong những ngõ hẻm mới ở các khu đô thị mới. Vì sao nhiều người trong số họ lại luôn quyến luyến những ngõ hẻm cũ của Sài Gòn?. Vì sao cứ phải nhớ những mái tôn, những ban công đổ bê tông giả cụng đầu nhau hít thở mùi cây cảnh ngày mưa, mùi dầu nhớt tháng nắng. Không có con số thống kê nào cho biết số người Sài Gòn chuyển chỗ ở.

Từ những tin tức những đoạn phim quảng cáo về các khu đô thị mới, người ta có thể đặt câu hỏi liệu những thị dân “hẻm cũ” có thật đã thấy thoải mái khi sống giữa những các phương tiện vật chất được qui hoạch đúng chuẩn hiện đại? Đường phố thoáng rộng, cây xanh nhiều hơn... Có lẽ vẫn chưa đủ bù-đắp-gắn-kết người Sài Gòn với nơi ở mới. Họ cần nhiều hơn! Cần gì? Có lẽ chỉ là ba tiếng thật thà: Tình láng giềng! Cái tính dân mình nhiều khi lạ, thường nhớ chuyện xưa không đâu!

Chị ba P., chủ một cơ sở thủ công mây tre lá kể: “Ông U. xích lô nghèo muốn chết mà chiều nào cũng gầy nhậu. Hỏi lấy gì nhậu thì ổng nói tỉnh bơ: Thỏ máng xối thiếu gì! Tôi nhớ hoài cái cách ổng kêu lũ mèo hoang là “thỏ máng xối”... Những con hẻm kết dính từng mảnh đời bình dị, nhưng cũng có khi là trung tâm của những chuyện xích mích không đáng: “Nó bán hủ tíu mà làm giọng bà. Mắc gì không bán cho tui, cái quân...”. Vậy đó, vợ anh tư Đ. lại thêm nổi tiếng vì cái chuyện ngó lơ, không ưa ai thì nhất định không bán hủ tíu cho họ.

Về chốn cũ, là trở về với thật chất của chính mình, lại thấm thía đời mình, có phải đó là việc dễ dàng đâu. Nhưng mỗi khi nhìn những ngõ hẻm chằng chịt như mạch máu của Sài Gòn. Ai cũng thấy lòng dịu xuống và tin tưởng rằng người hàng xóm của mình chắc giờ đã làm ăn khấm khá, con cái đã nên người...

Ông G., kỹ sư cơ khí đã có công ty riêng vẫn còn khoe: “Cô T. - bà thầy cạo gió giác hơi xóm tôi ở trước… Trong xóm có ai cảm không kêu cũng tới vậy mà giúp gì cũng không nhận. Hành xử với láng giềng cứ như ma-sơ (ma soeur, còn gọi là “dì phước”)”. Ai có một phần đời sống trong hẻm cũ sẽ có cơ hội hiểu thấu những giá trị có khi kỳ cục mà sâu sắc.

Ông M., một người đã quá nửa cuộc đời quen miệng xưng hô với vợ con chỉ với hai tiếng: mày-tao, nhưng cái chuyện tích cực “dòm ngó nhắc nhở” xóm giềng phải nhớ khóa cửa mỗi đêm thì ông là người dịu dàng dễ thương hết sức. Cái chuyện bà C., một cô giáo về hưu, sáng mờ trời là xách cà-men đi mua hủ tíu-phở cho “ông” con trai, một kỹ sư điện đã có vợ đẹp con ngoan, rồi sau đó bà C. xách chổi quét suốt hết cả con hẻm. Bà không thích ai khen, hôm nào bà bệnh hoặc có việc nhà hệ trọng nếu có ai đó quét thay, bà sẽ luôn miệng chê bai họ quét dơ, quét không sạch. Có người không ưa tánh khí đó của bà nhưng vẫn nhất trí việc bà tự phong cho mình là công dân gương mẫu nhất.

Sống giữa những người hàng xóm có tâm tính rất đa dạng, ở đó bạn sẽ thấu rõ thế nào là tình láng giềng không giới hạn ở một góc hẻm có tên hoặc không tên. Một vài cô đang ăn quà vặt hoặc bê nguyên cái tô cơm tổ chảng ngồi ăn ngay cửa nhà chờ vận may cỏn con từ mấy thằng nhỏ bán giấy dò xổ số. Những quán nhậu bán mồi khô, ốc bắt đầu kê bàn ra hiên đón những chàng trai “ít tiền” trên đường đi làm về. Có khi chính ở con hẻm này họ bắt duyên thành vợ thành chồng, nghèo như nghĩa tình thơ-nhạc “đẹp mà khổ thấy mẹ” hoặc “ham giàu phụ rẫy” đôi ngả chia ly.

Nhưng với tình láng giềng từ những ngõ hẻm, tính cách Sài Gòn lại hòa hợp tạo nên dòng chảy bất tận của nhịp sống Sài Gòn, một thứ tình cảm mạnh mẽ đủ sức giữ cho con người hít thở ngày ngày không khí đô thị mà vẫn không lãnh cảm như những khối bê tông.

Chị của tôi về từ Canada, mời cả gia đình xem cuộn phim quay cảnh sống gia đình của chị ở một khu thuộc thành phố Toronto. Khung hình chuyển động từ nhà ra đường, từ đường vào nhà, nhân vật chỉ là hai vợ chồng hai đứa con, cây xanh, hoa và vật dụng. Phim dài hơn một giờ mà không dính hình một người hàng xóm hay khách vãng lai nào. Coi xong ba tôi thiệt thà hỏi: “Chỗ con sống không có láng giềng sao? Lúc tối lửa tắt đèn biết trông cậy ai hở con”. Chị tôi nói: “Có chứ ba” rồi chỉ vào… cái máy điện thoại!.

Ở một hẻm trên đường Hậu Giang, quận 6. Chiều nào anh vợ bạn tôi cũng “ngồi lê” với hàng xóm. Có người hỏi: Mày là Việt kiều sao không đi ăn chơi. Mắc gì cứ lẩn quẩn ở cái hẻm này cho phí thì giờ?”. Ông anh ở xứ Tây hơn 40 năm cười hề hề, nói như người bệnh mộng du: “La cà nói chuyện với bà con cho tươi lại rồi đi vậy mà!”.

Sài Gòn rồi sẽ đạt tới tầm vóc của một đô thị lớn hiện đại. Những hẻm cũ rồi sẽ lặng lẽ biến mất! Phải vậy thôi. Tuy nhiên đa phần người Sài Gòn đã gởi trọn cuộc đời trong tình xóm giềng, một thứ tình có hương vị hầm nóng của sự chung đụng nương tựa. Ở đó mọi người không phải từ bỏ gì cả, không thể che giấu hay phải mang mặt nạ xã giao. Ở đó chúng ta cùng nhìn cái tốt lẫn cái xấu của từng người trong ý nghĩa trọn vẹn của sự kiên nhẫn để yêu thương, chỉ cần kiên nhẫn chúng ta sẽ rộng miệng cười và nhận lại những nụ cười luôn đầy ấp tình người nhân hậu.

Đúng là về đây về những thương yêu ngày nào…


An Nhiên




0 nhận xét:

Đăng nhận xét