Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Phật giáo Hoà Hảo qua lăng kính Sơn Nam - một hình thức ca dao miệt Hậu Giang

Ca dao là tâm ca, trường hợp của những câu sấm, câu vãn ở miền biên giới Việt Miên, gần dãy Thất Sơn, Châu Đốc. Nơi đây văn minh Tây phương xâm nhập trễ và khó khăn, hồi cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20.

Sấm vãn do Phật Thầy Tây An và các giáo chủ nối tiếp trở thành kinh nhựt tụng của mọi gia đình, lúc khẩn hoang nhọc nhằn ở nơi đất thấp chỉ thích hợp với giống lúa thum đưng thuở ấy và vài giống lúa sạ du nhập từ Cao Miên sau này.

Những bài sấm vãn được truyền tụng, gây tin tưởng cho kẻ đang chịu nhẫn nại là được phước về sau; chịu đựng không có nghĩa là ngồi một chỗ mà chờ ngày tận thế, nhưng phải nhập thế, lo siêng năng trồng tỉa, làm tròn phận sự với cha mẹ, với xã hội, với đất nước, với Phật, nên đọc bộ Kim cổ kỳ quan, các sách về giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo, của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa để thấy rằng ca dao Miền Nam đã mang sắc thái đặc biệt, hồi đầu thế kỷ; đã là tín đồ thì ai cũng thuộc vài chục vài trăm câu, gặp những trường hợp khó khăn về sanh kế, về thiên tai thì đem ra mà dẫn chứng, để lấy lòng tin.

Chúng tôi so sánh với tâm ca không phải là quá đáng đâu. Đời xưa đã có tâm ca rồi. Phải sống trong bầu không khí miền biên giới Châu Đốc, Long Xuyên để tưởng tượng khung cảnh hồi sáu bảy mươi năm về trước. Cánh đồng Láng Linh, vùng tả và hữu ngạn kinh Vĩnh An, kinh Vĩnh Tế, vùng Cái Sắn bao la, hai bên bờ Thoại Hà. Mùa nắng là mùa khô nứt ra, đất thấp rải rác vài căn chòi, vài con bò, vài cây gáo.

Tận phía chân trời, hơi nóng của đất khô cằn đùn lên nối tiếp với mây trắng, trời xanh. Gần đến tiết trời sa mưa, cỏ cháy, lan dài suốt ngày đêm, khói cuồn cuộn trên nền trời xa. Lúc hoàng hôn màu lửa và màu nắng sắp tắt pha lẫn nhau, gợi hình ảnh ngày sắp tận thế. Và khi trời sa mưa, nước dâng lên, cỏ mọc xanh rờn, lúa cũng vươn lên, nước trong đồng ruộng và nước ngoài sông cái giao hòa nhau, nước từ Tây Tạng huyền bí tuôn về vịnh Xiêm La, mang theo phù sa và lời tiên tri.

Dãy Thất Sơn lúc nắng cháy là đồi núi, ở trong đất liền lại trở thành hải đảo. Đứng trên núi nhìn xuống, rõ ràng là bao la trời nước, là biển trần khổ. Nhà cửa, chợ phố, chim chóc, rác rến chỉ là đốm li ti, phù du ở dưới thấp. Người ở vùng xa núi, như ở hai bờ kinh Vĩnh An nối liền sông Tiền qua sông Hậu, dọc biên giới Việt Miên sống trong hoàn cảnh đơn độc, chung quanh là nước, nhà sàn là nơi cư trú tạm thời. Vật liệu kiến trúc quá đơn sơ như tre, cây tạp, lá dừa nước thì làm sao chịu đựng nổi mấy mùa mưa nắng?

Nước dâng lên ngập sân, ngập sàn nhà và khi trời không thương xót thì nước lên đến nóc nhà, sóng đánh ầm ầm bên vách. Con gà, con trâu, con người, cái lu, cái cối xay, cái bàn thờ ông bà chen chúc nhau trên vùng không gian nhỏ, mỗi lúc một thâu hẹp, trẻ con lội lõm bõm ôm vào một khúc chuối cây trước sân (đã hóa ra hồ ao), từ nhà này qua nhà kia phải xăn quần mà bước, hoặc phải đi xuồng.

Lúa sạ lên cao, người dân ngồi chờ thời, nghề phụ không có, họa chăng là nghề câu kéo. Buổi hoàng hôn hay khi mặt trời mọc, ngồi trên sàn nhà mà câu cá, con người thấy mình quá nhỏ bé, lênh đênh! Ngoài ruộng, lúa xanh đang bị sóng dồi gió dập, rải rác vài hàng cây điên điển trổ bông vàng, xa nữa là cỏ là ruộng, rồi đến những đám mây đen bay thấp là đà, trời cao, vùng Tây Tạng, vùng Hi Mã Lạp Sơn, nước Lào, nước Miên, nước Việt Nam như nối liền nhau trong bầu không khí trầm mặc, khó hiểu.

Trong thời gian rảnh rỗi nghèo túng ấy, con người thiếu phương tiện giải trí, thiếu món ăn tinh thần, sách báo không có , máy thâu thanh cũng không (hồi đầu thế kỷ mãi đến năm 1950) thì con người chỉ biết nương tựa, sưởi ấm tâm hồn bằng sấm vãn. Những câu sấm vãn yêu đời, giữ nước, giúp dân Việt vững tinh thần để định cư trên vùng đất đói kém, bất lợi đáng lẽ không định cư được, một vùng đất không giống phần đất nào hết trên đường Nam tiến từ Bắc vào Nam.

Mấy tiếng “nhập cuộc”, “dấn thân”, “hiện đại hóa”, được nhắc nhở trong những năm gần đây. Cách đây trên trăm năm, Thầy Đoàn Minh Huyên (đức Phật Thầy Tây An) đã nêu lên và giải quyết một cách thần tình, phối hợp đạo và đời, dạy tứ ân, khuyến khích điều Hiếu, điều Nghĩa, nhờ vậy mà vùng biên giới Việt Miên được bền vững, trở thành đất hoàn toàn Việt Nam mặc dầu là khó định cư.

Phần đất này đã là nơi xuất phát của phong trào Cần Vương Miền Nam, với những xóm, những ông đạo mà thực dân không kiểm soát nổi. Các đảng phái mô phỏng theo hình thức tổ chức của Tây phương đã áp dụng kỷ luật sắt; nhưng gẫm lại không keo sơn gắn bó bằng những người cùng đạo đã noi gương Đào Viên kết nghĩa của ông Quan Vân Trường (sanh tử bất ly, hoạn nạn tương cứu), ông Thoại Ngọc Hầu, ông Lê Văn Duyệt điều khiển việc khai thông những con đường thủy chiến lược, nhưng chính ca dao - tức là câu sấm câu vãn – đã giữ được nước.

Trong lịch sử kháng Pháp hồi đầu thế kỷ ở Miền Nam, làm sao quên được phong trào của ông Trần Văn Thành ở vùng Bảy Thưa? Lại còn cuộc khởi nghĩa của các chiến sĩ Thiên Địa Hội vào năm 1913, 1916 đột nhập SàiGòn, Chợ Lớn, lúc thực dân Pháp đang sung sức. Phong trào Phan Xích Long chỉ là mặt nổi của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương mà căn cứ địa là vùng Thất Sơn. Dường như người đời nay đã không ghi ơn các chiến sĩ này một cách tương xứng.

Sấm vãn lưu truyền ở Hậu Giang là ca dao, là văn chương bình dân. Đó là luận đề lớn, để nghiên cứu. Muốn hoàn thành công việc ấy chúng ta cần để nhiều thời giờ đến quan sát tại chỗ, chọn lọc những câu sấm vãn nào được lưu truyền, được nhắc nhở nhiều nhất, trong sinh hoạt hằng ngày.

Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy Đoàn Minh Huyên đã hiện đại hóa đạo Phật, nêu thái độ dấn thân (khẩn hoang, giữ nước). Thầy và Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo nối tiếp sau này, chẳng những góp công về mặt chính trị, kinh tế để tô điểm vùng đất nghèo nàn, khó sống nhất.

Công ơn mà bấy lâu nay chúng ta đánh giá không đúng mức là sự xây dựng về văn chương: đó là những lời khuyến dạy về đạo lý được diễn đạt bằng lời lẽ bình dân, theo văn Nôm và theo thể thơ lục bát. Nhiều đoạn trong sấm vãn đã thật sự trở thành ca dao ở vùng biên giới.


Nhà văn Sơn Nam
(Theo Tập san Nghiên cứu văn học, số 16 tháng 6 năm 1972)





0 nhận xét:

Đăng nhận xét