Ở Sài Gòn, thường giữ xe miễn phí ở mấy quán café, quán ăn, quán nhậu… Miễn phí là không thu tiền giữ xe, dĩ nhiên ở đâu cũng miễn phí.
Có những thứ, ở Sài Gòn, rất nhỏ, nhỏ quá không thành chuyện, nhỏ nhặt đến mức không ai để ý, ai cũng coi là chuyện lình bình hằng ngày, như nắng như mưa, như cái cây cụt ngọn như đèn đường vàng vọt lúc tối trời, nhỏ bé và nhẹ nhàng đâu đó như một tiếng một cái phủi tay, như lóc cóc tiếng mì gõ, như một vốc trái cây bốc thêm… Nhỏ lắm, vậy mà khi xa người ta mới nhớ, mới thương, mới lật đật ra vô coi ngó, thầm thỉ với mình, ủa ở đây hổng giống Sài Gòn, ủa vậy là mình nhớ Sài Gòn sao, kỳ vậy cà.
1. Ở Sài Gòn, thường khi dừng đèn đỏ ngã tư, nếu trời nắng người ta sẽ dừng ở bóng cây gần nhứt, cho dù cái chỗ dừng xe còn cách cái đèn đỏ chừng chục mét, mà không ai thấy phiền, xe sau nối xe trước, chen chúc trong cái bóng mát nhỏ nhoi đề chờ lao tiếp vào dòng người khi đèn xanh bật sáng, trong ầm ĩ tiếng động cơ phố xá, rồi cô gái ngồi sau bất chợt hỏi: “Cây gì bông tím đẹp ghê ta”, tiếng đáp từ một người đàn ông nào đó, xa mãi phía sau: “Bằng lăng”.
2. Ở Sài Gòn, khi đừng đèn đỏ, nếu đường không quá đông, người ta vẫn luôn chừa một lối nhỏ, ngay bên phải sát lề, để dành cho những chiếc xe máy quẹo phải, nếu quên chừa thì người cần quẹo cứ nhích tới xin, hoặc một người khác tự động nhắc, bà con xích qua chút cho người ta quẹo phải, chỉ vậy thôi, chút nhường nhịn giữa phố phường lộn xộn, hổng ai nhớ, không ai làm ơn cho ai cũng không ai cần luật lệ làm chi, chỉ là một thứ vô hình, mà người ta hay gọi là, biết điều.
3. Ở Sài Gòn, khi đi ngoài đường lỡ làm rớt món đồ nào đó. V í dụ như cái nón, cái áo, cái mạng che mặt, cái cặp sách… mấy anh chở hàng làm rớt bịch hàng, nếu không sợ xe khác cán phải món đồ thì chỉ cần dừng lại, quay đầu nhìn về hướng món đồ mình làm rớt, rồi lát tự động có người đi sau lượm đưa lại, đôi khi đưa tận tay, cũng có khi vội vã người ta lấy cái chưn móc món đồ lên, chạy tới rồi đá qua cho bạn, y như làm xiếc, coi kỳ lắm.
Cũng có khi bạn làm rớt mà không biết, người ta cứ lượm, rồi lạch đạch chạy theo để đưa cho bạn, nhiều khi món đồ không bao nhiêu nhưng mà bạn vui, vậy rồi người ta cũng tất tả đi, không kịp nhìn mặt bạn để nhận một nụ cười, một tiếng cảm ơn
4. Ở Sài Gòn, thường giữ xe miễn phí ở mấy quán café, quán ăn, quán nhậu… Miễn phí là không thu tiền giữ xe, dĩ nhiên ở đâu cũng miễn phí, mà Sài Gòn miễn phí có tặng kèm nha, kèm nụ cười, dù có thẻ hay không thẻ. Mấy anh bảo vệ giữ xe quán thường rất dễ thương, bạn chỉ cần chạy xe tới quán, đá chống rút chìa khóa cầm thẻ rồi cứ vậy lững thững vô quán, anh bảo vệ sẽ tự động dắt xe bạn, xếp vô hàng, khéo léo để không làm trầy xe bạn, nếu trời nắng anh kiếm tấm bìa che lên yên xe, trời mưa anh phủ bạt cho khỏi ướt, mà rủi có ướt, lát nữa dắt xe ra anh sẽ lau khô cho bạn.
Bạn ăn uống thoải mái nha, lúc bạn lục đục tính tiền thì anh bảo vệ nọ đã đẩy xe bạn ra khỏi hàng, cầm cái đuôi xe vừa cười vừa hỏi: “Anh Hai đi hướng nào để em dẫn”, bạn hất mặt hướng nào thì anh sẽ dẫn xe ra hướng đó, bạn đưa thẻ và đi, có dư tiền lẻ bạn cho anh năm ba ngàn, không thì thôi, hổng sao, có khi bạn cho người ta còn hổng dám nhận, vẫn tiễn khách vui vẻ: “Cảm ơn anh Hai ủng hộ, mơi mốt ghé nữa anh Hai”… Anh bảo vệ kiêm dẫn xe đó, lương cũng năm ba triệu, đứng ngoài nắng ngoài mưa, có cười một trăm lần một ngày, có dẫn mấy chục chiếc xe cũng không thêm mấy đồng bạc, đừng nghĩ người ta làm vì tiền mà mang tội.
5. Ở Sài Gòn, mấy người đi xe máy chở hàng nặng hay cồng kềnh, thường chở yên sau cột bằng dây, đa phần là xe ôm làm thêm việc giao hàng hoặc mấy anh chuyên lấy hàng ở chợ đầu mối, nhiều khi đi lặc lè ngoài đường mà có tới mấy chục người theo nhắc: “Em ơi tuột dây kìa”, “Ê sao nó nghiêng bên này dữ vậy mày”, “Anh ơi coi chừng rớt cái bịch bên này”… Rồi tỷ như rủi mà có tuột dây, có rớt hàng, thì tự động người ta dừng lại, khiêng lên xe phụ, tấp vô lề cột lại giúp… Chớ mình anh giao hàng sao làm được, nên người đi giao hàng ở Sài Gòn thường không sợ chở hàng nhiều, không sợ đi một mình, bởi có gì nhờ bà con người ta phụ.
Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015
Những câu chuyện nhỏ
Đàm Hà Phú
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét