Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Thư yêu cầu huỷ bỏ dự thảo 4 luật tín ngưỡng, tôn giáo



Kính chính quyền các cấp.

Kính Ban Tôn Giáo Chính phủ.

Kính Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Chúng tôi là những công dân Việt Nam tín ngưỡng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài năm 1926 xin gởi đến quí vị yêu cầu hủy bỏ Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vì những lý do sau.

I/- Dự thảo 4 mâu thuẩn với mục tiêu dân chủ, tự do.

Dự thảo 4 viết: đăng ký, đăng ký hợp lệ, cơ sở thờ tự hợp pháp, được nhà nước công nhận, được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tôn giáo hợp pháp... nhiều lần nên không phù hợp với trào lưu xã hội văn minh tiến bộ.

Dự thảo 4 bắt buộc một sự thay đổi nhỏ trong cơ chế tôn giáo cũng phải xin phép... Đó không phải là cách thức sinh hoạt của một xã hội văn minh. Đương thời quốc gia Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập mạnh mẽ với thế giới nên nó lại càng không phù hợp.

Tóm lại: Nó mâu thuẩn với nguyên tắc của xã hội dân chủ, tự do.

II/- Trái với truyền thống dân tộc và đạo pháp.

Dân tộc Việt Nam đa phần có tín ngưỡng.

Tôn giáo là để hướng dẫn người lành phát huy tính thiện và người không lành hồi đầu hướng thiện. Cửa từ bi của bất cứ tôn giáo nào cũng rộng mở để cứu vớt những người lầm lỗi. Đó chính là trách nhiệm cao cả của tôn giáo.

Dự thảo 4 bắt buộc người tu: ...Muốn vào tu phải đăng ký, kèm theo sơ yếu lý lịch, phải được chính quyền cấp xã nơi có hộ khẩu xác nhận và được chính quyền nơi tu đồng ý.....

Qui định như vậy trái với nề nếp từ bi của tôn giáo. Qui định nầy đã đóng sầm cánh cửa an ủi với những người đau khổ tìm đến tôn giáo. Họ cũng là con người, tôn giáo phải chấp nhận họ vô điều kiện.

Theo dự thảo 4 thì tôn giáo lại là một tổ chức chính quyền trong bộ máy chính quyền Việt Nam. Điều nầy sanh ra độc quyền tôn giáo là nguyên nhân của những tệ hại trong việc xâm phạm tự do tín ngưỡng dẫn tới những hậu quả tai hại.

III/- Dự thảo 4 tước đoạt quyền tín đồ đương nhiên của người theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ năm 1926.

Dự thảo 4 viết: Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1/. Tín đồ là người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo thừa nhận.

10/. Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay gọi tắc là Đạo Cao Đài lập năm 1926 và hoạt động tôn giáo liên tục; đến năm 1965 chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp pháp nhân.

Ngày 01/03/1979 Hội Thánh ĐĐTKPĐ ban hành Đạo Lịnh 01.

Người tín đồ Cao Đài sinh hoạt tôn giáo theo Đạo Lịnh 01/1979 thì chính quyền gây cản trở (chưa được cho phép) để bắt buộc người đạo Cao Đài theo tổ chức tôn giáo mới lập ngày 09/05/1997 tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Chính quyền gọi là chi phái.

Chính quyền và chi phái nầy kết hợp nhau đánh phá Lễ Thượng Tượng và cướp Thánh Tượng tại nhà bà Nguyễn Thị Kim Thôi, Xã An Hòa, Huyện Trãng Bàng, Tỉnh Tây Ninh ngày 15/07/2015 là một thí dụ điển hình.

Ngày nay Hội Thánh không có thì không ai có đủ quyền đại diện tôn giáo Cao Đài để tiếp xúc với chính phủ. Người Đạo Cao Đài tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh để công cử nhân sự tiếp xúc với chính quyền theo luật đạo thì bị cản trở đánh đập.
Dự thảo 4 không có khoản nào dành cho Tôn giáo không đăng ký hay chưa đăng ký là dùng pháp luật để giết chết ĐĐTKPĐ.

IV/- Không phù hợp với các điều ước quốc tế.

Tuyên Ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 coi nhân loại như một đại gia đình. Tuyên ngôncông nhận (hay thừa nhận) quyền tự do tôn giáo là đương nhiên không qua bất kỳ một thủ tục hành chánh nào. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo có trước thủ tục hành chánh.

Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các văn kiện nhân quyền quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Điều 18 của Công ước Quốc tế bảo vệ một cách rộng rãi việc thực thi các quyền tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng.

Dự thảo 4 không phù hợp với các điều ước quốc tế mà chính quyền đã tham gia ký kết.

Do đó chúng tôi yêu cầu hủy bỏ dự thảo 4 và có đề nghị cụ thể:

LỜI ĐỀ NGHỊ.

Nhiều quốc gia không có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo mà dân chúng vẫn hài lòng. Hiện tượng lợi ích nhóm tại Việt Nam là có thật. Do vậy chính quyền muốn có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chúng tôi đề nghị:

1/- Chính quyền mời các hiền nhân quân tử có chuyên môn về pháp luật, am hiểu về cách thức xây dựng xã hội dân chủ tham gia soạn thảo.
2/-Mời Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng Heiner Bielefeldt đến giúp đở vì ông đã để lời sẳn sàng giúp Việt Nam...

Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu hủy bỏ dự thảo 4 và đề nghị trên đây.

Việt Nam ngày 03/07/Ất Mùi.

(16/08/2015).







3 nhận xét: