Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Tượng đài không phải là công cụ để tuyên truyền

Rập khuôn Liên Xô và Trung Quốc, ở miền Bắc Việt Nam trước 1975 và cả nước từ sau tháng 4-1975, tượng đài của lãnh tụ ĐCSVN được dựng nhiều nhất.

Trường Quốc Học ở Huế dựng tượng Nguyễn Tất Thành, người chỉ học mỗi niên khóa 1907-1908. Khi ấy, trường mang tên Pháp tự Quốc học Đường (1896-1915), Trưởng giáo (Hiệu trưởng) là ông Ngô Đình Khả, thân phụ của ông Ngô Đình Diệm.

Trường Dục Thanh ở Phan Thiết dựng tượng lãnh tụ để tưởng nhớ thầy giáo dạy thể dục niên khóa 1910-1911 Nguyễn Tất Thành. Trong niên khóa đầu tiên và cũng duy nhất này, thầy giáo Nguyễn Tất Thành chỉ dạy chưa tới 6 tháng. Tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn để đầu tháng 6 “ra đi tìm đường cứu nước”. Tại Bến Nhà Rồng, sau 1975 đã dựng tượng Nguyễn Tất Thành để kỷ niệm cho chuyện này.

Kiến trúc sư (KTS), họa sĩ Lý Trực Dũng - giám đốc Công ty Buffalo Architects, cho rằng các tượng đài kể trên chỉ phục vụ cho mục đích tuyên truyền, “trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc...”, KTS Lý Trực Dũng nhấn rõ như vậy.

Ông Dũng cho biết trên thế giới thường dùng khái niệm thông dụng là monument (đài kỷ niệm). Monument đã có lịch sử cả hàng ngàn năm, nó không phải để tuyên truyền mà để tôn vinh một vẻ đẹp nào đó, một chiến thắng nào đó hoặc một cá nhân nào đó.

Nhưng các đài kỷ niệm trên thế giới rất khác với VN, bởi nó không cần phải có một cái tượng và một cái đài to như lâu nay người VN vẫn quan niệm. Trước năm 1930, ở VN không ai nói đến tượng đài. Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc.

Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền. KTS Dũng nhìn nhận có một số nhân vật đã được dựng tượng đài ở một số nước để tôn vinh công lao của họ đối với đất nước họ như tượng đài George Washington ở Mỹ được xây từ năm 1848 - 1884, tượng đài Bismarck đầu tiên ở Đức năm 1868. Nhưng những tượng đài này không phải do chính phủ bỏ tiền ra xây, mà do những người yêu mến hai nhân vật này tự quyên góp tiền để xây.

“Khi tôi trao đổi vấn đề xây dựng tượng đài bằng tiền ngân sách ở VN với các đồng nghiệp nước ngoài thì họ đều rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao VN đang còn nhiều khó khăn như thế mà lại dùng tiền ngân sách xây tượng đài... Về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, mỹ thuật và cả tâm linh thì có những tượng rất nhỏ nhưng giá trị gấp nhiều lần những tượng hoành tráng, to lớn, vô hồn. Thật sai lầm khi cứ nghĩ làm tượng đài là phải to, phải hoành tráng...

Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nhưng khi nhìn hệ thống tượng đài VN, tôi cứ ngỡ mình đang sống ở thế kỷ thứ 19 hay đầu thế kỷ 20. Về hình thức, cả ngàn tượng đài đều na ná giống nhau: sáo mòn, rập khuôn, cũ rích, nhàm chán, đơn điệu...”. KTS Dũng nhận xét.

Nếu tượng đài là công cụ tuyên truyền của đảng phái nào đó, thì nguồn tiền chi vào những khoản này dứt khoát không được lấy từ tiền thuế của dân.

"Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước" (Điều 1, Luật ngân sách nhà nước).


Minh Châu



1 nhận xét: