Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Vô thường


Cuộc đời, với nhiều số phận, suy cho cùng như những cơn gió lang thang. Gió dạt trôi vô định, gió này đây mai đó, nay đầu ghềnh, mai cuối bãi…, chẳng biết nơi đâu là điểm dừng, chẳng rõ khi nào sẽ lặng im.

Ngẫm cuộc đời của những cụ ông cụ bà ở chùa Lá (Nhà Bè, Sài Gòn), thấy đâu khác gì những cơn gió lang thang vô định ấy!

Khi chúng tôi đến vào một chiều cuối tuần cuối tháng 3 tổ chức bữa cháo sâm cho các cụ già và đàn con Phật nơi chốn thiền, nhiều anh chị em nhóm thiện nguyện Bác Sĩ Niềm Tin bàng hoàng, thảng thốt với câu hỏi “các cụ nơi đâu”.

Hơn nửa năm trước, khi chúng tôi đến thăm, thấy có nhiều cụ ông cụ bà sống co ro trong căn nhà lá rách bương. Có cụ sống cạnh quan tài để sẵn để đợi ngày về với đất. Vậy mà bây giờ trở lại, chẳng thấy bóng dáng của cụ nào. 


Nhiều người linh tính chuyện chẳng lành, có em rơm rớm nước mắt, môi cứ mấp máy, gặp ai cũng hỏi “các cụ giờ nơi đâu?”. “Các cụ già ở chùa Lá, các cụ giờ nơi đâu, các cụ trôi giạt ở phương trời nào, và đâu là căn nguyên của sự trôi dạt ấy?”.

Trong suốt quãng thời gian ở chùa Lá, tôi nhưng các anh chị, các em trong Bác Sĩ Niềm Tin cứ mãi đau đáu với những câu hỏi ấy. Muốn hỏi thầy trụ trì cho rõ thực hư nhưng lại thôi.

Nhà Phật có câu “nhân duyên”, có duyên thì tựu, vô duyên thì xa, thôi thì… tùy duyên vậy! Nói là “tùy duyên” nhưng kỳ thực, trong tôi không đành lòng.

Nẻo Phật là chốn từ bi, các cụ sống tứ cố vô thân, có cụ từ bé đến lớn trơ trọi giữa dòng đời, may được lòng từ của sư trụ trì Thích Truyền Tứ mà có những năm tháng êm đềm ở đây, nơi chùa Lá này.

Người đời thường nói nhờ có nhân duyên các cụ mới đến ở chùa Lá. Vậy có nhân duyên nào phải khiến các cụ rời xa? Tôi thật lòng không dám truy tìm căn nguyên hay sự thật của những điều băn khăn ấy. Chỉ thầm mong cho dù đi đâu, ở đâu các cụ cũng sẽ tìm thấy sự bình yên sau bao giông gió cuộc đời.

Hiềm một nỗi dù mái lá rách bương của các cụ đã được thay thế bằng công trình kiến trúc kiên cố nhưng tôi thấy nó lạnh lẽo, nhạt nhẽo làm sao. Không gặp được các cụ, cảm giác trống trãi,hụt hẫng cứ thế xâm chiếm cả thảy chúng tôi, khiến nhiều người thổn thức!

Không gặp được các cụ già, vậy là chúng tôi dồn tình thương cho bọn trẻ.

Nhìn các em ăn cháo, húp đến sạch bách, vét đến không còn gì ai nấy vừa vui vừa xót xa. Vui vì thành quả lên rừng tìm sâm, rồi bào chế, rồi nung nấu của mình được các em đón nhận nhiệt tình.

Xót xa vì thấy trong cái cách ăn của các em, chừng như các em hãy còn nhiều thiếu thốn?! Hình ảnh các em ở chùa Lá bê tô cháo húp sạch hôm nay quả là hình ảnh trái ngược với những đứa trẻ ở Mái ấm Thảo Đàn.

Mấy bận tổ chức nấu cháo sâm với thịt băm cho các em ở Thảo Đàn, với nhiều em các tình nguyện viên phải ép ăn vậy mà có em ăn uể oải, có em để thừa. Còn ở đây, ở chùa nên chỉ nấu cháo chay, vậy mà bọn trẻ ăn khí thế.

Thấy các em hùng hục ăn mà thương quá đỗi! Ngổn ngang, rối bời và xót xa, có chút gì đó cay đắng, có chút gì đó chua xót…, đó là tâm trạng của cả thảy các anh chị em chúng tôi tại chùa Lá chiều nay.

Nồi cháo sâm cạn sạch lẽ ra phải lấy đó làm vui nhưng nhiều người trĩu nặng ưu tư. Có anh chị em nhìn nhận một số trẻ có biểu hiện bất bình thường, sợ hãi quá mức, thèm ăn quá mức. Có anh chị em còn nói một số em chừng như có dấu hiệu nổi loạn, khủng hoảng tâm lý…

Ôi, tôi nghe mà rối bời! Biết nói gì đây với những điều buồn lòng ấy. Người ta có vợ có chồng có mẹ có cha nuôi chỉ 1-2 đứa con mà kêu trời, mà thở than đủ điều. Đằng này thầy Tứ, dầu gì cũng là đàn ông vốn vụng về ôm trong mình hàng chục đứa con, lo làm sao cho xuể, quản làm sao cho trọn từng miếng ăn, giấc ngủ, tâm tính của từng đứa con?!

Chiều chạng vạng, trong buồn vui lẫn lộn, sau khi tổ chức bữa cháo sâm cho bọn trẻ ở chùa Lá, chúng tôi giã biệt với tâm trạng ngổn ngang. Chẳng ai bảo ai nhưng cả thảy các anh chị em đều nghĩ đến ngày quay trở lại.

Một mình thầy Tứ rõ là chẳng thể chăm lo vẹn trọn cho đàn con nơi chốn thiền. Vì lý do nào đó tôi chưa được rõ vì sao có quá ít người chung tay với ông để lo cho bọn trẻ?!

Điều đang xâm chiếm trong nghĩ suy của tôi cùng các thành viên Niềm Tin về ngày trở lại chùa, sự trở lại mang tính chất thường niên, hoặc nửa tháng, hoặc một tháng một lần, để chúng tôi được gần gũi với đàn con Phật nơi chốn thiền, để các em cảm được hơi ấm tình thân nhiều hơn, mà thôi!

Bạn ơi, tôi tâm niệm cuộc đời có đó mất đó, hợp đó – tan đó, cuộc đời là vô thường nhưng mình đừng vì thế mà sống vô tâm, nhất là với những tâm hồn con trẻ!


Sài Gòn tối 30-3-2015


0 nhận xét:

Đăng nhận xét