Báo chí ở Sài Gòn trước 1975 cũng đã từng có chợ đầu mối của nghề này, sinh cùng thời và tương tự như các chợ đầu mối Cầu Muối hay chợ đầu mối Bình Tây.
Chợ đầu mối báo Sài Gòn trước năm 1975 hình thành bên lề đường con phố ngắn Phan Văn Hùm nay là Nguyễn Thị Nghĩa. Chợ đâu lưng với ga xe lửa cũ, nay là Công viên 23.9.
Chợ bắt đầu họp từ 5 giờ sáng, bán mua với khoảng 30 nhãn báo ngày, trên 50 báo tuần, tạp chí chuyên ngành đủ loại. Số phát hành lớn thì cũng chỉ đến 200.000 bản là tối đa, còn thì từ 10.000 đến 30.000 tờ.
Các phát hành viên của mỗi báo sau giờ phát hành là 5 giờ sáng, sau đó là 2 giờ chiều. Họ chở báo bằng xe chuyên dùng đến chợ, các tổng đại lý nhận rồi phân phối cho các đại lý bán lẻ theo số lượng đã đăng ký trước.
Các đại lý dùng xe đạp hay xe gắn máy thồ báo về sạp trong thành phố. Bên cạnh còn có đại lý tỉnh nhận báo gửi theo xe đò hay gửi máy bay. Tất cả đều diễn ra dưới hình thức ký gửi, báo bán được tới đâu thanh toán tới đó với nội thành, còn báo tỉnh thì mua đứt bán đoạn.
Báo nội thành ế được trả lại cho chủ báo, nên mới có chuyện, gọi là “báo nhúng mực”. Báo trả trước khi nhập kho đều nhúng mực một đầu, để tránh tình trạng, báo ế được tuồng trở ra, để trả lại lần nữa ăn gian tiền đã bán.
Đến thập niên 60 thì chợ báo được dịch qua góc đường Phạm Hồng Thái, rộng hơn và bề thế hơn, đó cũng là thời điểm sản phẩm báo chí được nâng cấp, có nhiều thông tin kinh tế xã hội, nhiều truyện chưởng của Kim Dung, nhiều tiểu thuyết ly kỳ hấp dẫn, nên đã có một số nhãn báo được nội thành mua đứt bán đoạn.
Đó cũng là thời gian gọi chính danh “nhân viên phát hành báo” trước đó họ chỉ được gọi người đếm báo.
Báo ở Sài Gòn còn được gọi là tờ “nhựt trình” chỉ in đen trắng 8 trang khổ lớn, giá bán 2 đồng. Báo còn in typo, chưa có máy offsett. Các tòa báo luôn có nhà in ruột của mình.
Báo Dân Ta hay Phổ Thông của Nguyễn Vỹ dựa vào nhà in Tấn Phát trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trong); Thần Chung, Đuốc Nhà Nam của Trần Tấn Quốc dựa vào nhà in Nam Đình ở Mạc Thị Bưởi; báo Ngôn Luận và Chính Luận dựa vào nhà in Hồng Lam, nhà in của báo Écho du Vietnam hay Nguyễn Bá Tòng, Tân Minh cũng là chỗ dựa cho nhiều báo như Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông, Trắng Đen, Sóng Thần.
Bước vào tòa soạn nào cũng xông lên mùi mực in nồng nặc, đội quân sắp chữ đa số là giới trẻ do một thợ cả gọi là “chef typo” điều khiển, sắp chữ trẻ, nhưng thầy cò (corecteur, tức chuyên gia sửa morass) thì phải già.
Bác Thại, là người “thầy cò” nổi danh trong giới này. Bác là người gốc Mỹ Tho. Từ 5 giờ sáng, tòa soạn khởi động thì nhà chữ cũng bắt đầu rì rào, sắp chữ bài nằm trang trong.
Có ảnh thì đưa sang dịch vụ Cliché Dầu làm bản kẽm, đến 11 giờ thì bắt đầu “gút” gọi là “búc”, đem các khuôn chữ lên đúc bản chì giao nhà in, in dăm tờ đưa đi kiểm duyệt, kiểm duyệt bỏ tới đâu thì đục chì bỏ tới đó, đến 14 giờ báo mới in xong và phát hành.
Trang trong thời đó là tâm điểm để cạnh tranh, vì tin tức trang ngoài thì ai cũng như ai. Do cạnh tranh nên chạy đua tìm người viết tiểu thuyết diễm tình dưới dạng feuilleton, có tờ chạy đến 8 feuilleton chiếm 8 vùng trên 2 trang báo, chủ yếu kéo dài vòng vo để câu khách.
Trang trong còn có thời cạnh tranh bằng truyện kiếm hiệp Kim Dung, tòa soạn cử người canh ở sân bay, chộp báo từ Hồng Kông chở sang, đem về dịch vội để đăng kiếm khách, gặp hôm máy bay trể chuyến, ô Kim Dung bị bỏ trống với hàng chữ lớn: “Cáo lỗi vì máy bay qua trễ”, khiến độc giả bình thường thắc mắc, không hiểu tin máy bay qua trễ chỉ có 1 dòng thế thôi sao?
Một chuyện lạ, đó là thời sử dụng “phóng viên nói”. Có nhiều tòa soạn tuyển dụng nhiều ký giả không biết viết, nhưng họ rất xông xáo, moi móc nguồn tin rất hay, họ đi moi tin mà không cần ghi chép, quay về tòa soạn chỉ việc đứng nói cho một biên tập viên chuyên trách nghe, viết lại thành bài, nhưng đó thường thuộc loại tin Vedette (tin hấp dẫn, thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả) có thể chạy suốt 8 cột trang nhất.
Có lẽ tuy không viết được, nhưng ký giả kia có năng khiếu giỏi tạo đầu mối tin, có thể do chuyện lạ này mà rút ra một kinh nghiệm cho khoa đào tạo báo chí đời nay “năng khiếu tạo đầu mối nguồn tin” cũng là một tiết mục cần phải học tập.
Báo Trắng Đen thời ấy có hai ký giả “tin nói” là Tình Thiệt và Văn Thà, đọc hai tên người ta có cảm tưởng đó là hai anh em ruột thịt, tuy nhiên đó chỉ là hai anh em kết nghĩa.
Họ là ký giả kịch trường chuyên viết về hậu trường của sân khấu, Văn Thà có chiếc máy ảnh “cổ lổ” hình như anh ta mang theo để làm cảnh chớ không thấy chụp ai bao giờ.
Thời đó, ký giả chuyên viết tin sân khấu được gọi là “ký giả cà phê” vì họ ưa ngồi “đồng” để đợi các đào kép thường thức dậy trễ sau đêm hát khuya mệt nhọc để lấy tin hay phỏng vấn.
Danh từ “ký giả cà phê” cũng có hàm ý chê những ký giả này nhận chút đỉnh tiền cà phê để viết bài ca tụng đào kép…
(Ghi theo lời kể của ký giả Anh Thu, báo Trắng Đen)
Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015
Ba điều, bốn chuyện làm báo ở Sài Gòn thời VNCH
Nguyễn Gia Định
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét