Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014.
Gánh nặng thuế sắp dỡ bỏ
Kết quả sơ bộ cho thấy, mức thuế trung bình 0,93% giảm mạnh so với mức thuế của kỳ xem xét lần trước POR8 với 6,37%. Cụ thể, trong ba bị đơn bắt buộc thì Minh Phu Seafood Corp có mức cao nhất là 1,5%, Thuan Phuoc Corp với 1,06% và Fimex VN là 0%. Các bị đơn tự nguyện khác chịu mức thuế là 0,93%.
Nguyên nhân khiến mức thuế này giảm so với lần trước đó là DOC đã dựa trên các dữ kiện phù hợp từ 3 nước là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.
Như vậy, nếu kết quả sơ bộ được giữ nguyên trong kết quả cuối cùng dự kiến được công bố trong tháng 6-2015, sẽ tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ.
Vì áp mức thuế chống phá giá mà giá tôm đông lạnh bán ở chợ VN tại Mỹ đã tăng chóng mặt, giá từ 4.99 USD/ 1.5 lb lên đến 9.99 USD/ 1.5 lb.
Năm 2014, xuất khẩu tôm của VN sang Mỹ tăng mạnh từ những tháng đầu năm và bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9 sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế cao nhất từ trước tới nay 6,37%. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên một tỷ USD.
Miền Tây oằn mình chịu nóng
Vùng nuôi tôm ở nhiều tỉnh miền Tây đang gồng mình với nắng nóng, khô hạn và giá tôm rớt thê thảm.
Thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, cạn kiệt nguồn nước và độ mặn tăng cao gây bất lợi cho người nuôi tôm nước lợ. Tôm chết nhiều khiến bà Nguyễn Thị Thà, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lội xuống ao tôm, mò tôm chết để làm khô.
“Tôm sú mới thả nuôi chưa đầy 2 tháng, đâm đầu vô bờ chết, bán chẳng ai mua. Xót của, tôi vớt làm khô, ăn dần, chẳng lẽ bỏ thúi ao!”- bà Thà nói.
Ông Liêu Viết Nhị, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) đang nuôi 19 ao tôm thâm canh, bán thâm canh xảy ra tôm chết kéo dài. Các ao tôm của ông Liêu Viết Nhị đang thả nuôi không còn độ sâu tối thiểu 1,2 m, độ mặn đo được trên 40 phần ngàn.
Ông Liêu Việt Bình - em trai ông Nhị nói: “Nắng nóng, kiệt nguồn nước và độ mặn quá cao, tôm không lột vỏ sao lớn nổi. Chúng tôi canh nước lớn để bơm vào nhưng ai cũng tranh thủ bơm thành ra thiếu nước”.
Thị trường tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng đang rớt giá khoảng 20-30% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bà con nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cho biết, chi phí nuôi mỗi kg tôm nguyên liệu khoảng 100.000đồng/kg. Giá tôm sú loại 30 con/kg còn 140.000đồng-160.000đồng/kg.
Ông Nhiếp Mạnh Tiến, chủ trang trại nuôi tôm ở xã Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chua chát: “Nuôi tôm rủi ro cao, vốn đầu tư lớn nên với giá tôm hiện nay, bà con nuôi tôm hết lời”.
Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu nói: “Bà con nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh chưa thả giống vội, nên chờ nhiệt độ, độ mặn giảm vào mùa mưa”.
Nỗi lòng người nuôi tôm
Một người từng là chủ của nhiều vuông tôm, ngậm ngùi nhớ lại:
“Trước đây khi bắt đầu nuôi tôm, nuôi lúc nào trúng lúc ấy nhà cửa lên mấy tấm, xe cộ, tiêu xài phủ phê… Bất ngờ dịch bệnh bùng phát, tui xuống dốc từ lúc đó.
Nhưng cứ nghĩ thua keo này bày keo khác, với lại tui cũng đam mê con tôm. Nuôi nó cực trong 4 tháng thu hoạch. Bỏ vốn thì lãi cũng vài ba trăm triệu, chứ giờ ra làm mướn làm gì một tháng được mười triệu, mà làm như vậy tui làm cũng không nổi… Vậy là cứ dây dưa mượn tiền mượn bạc làm tới giờ thì nhà cửa ruộng vườn tiêu hết con cái cũng cù bơ cù bất...”.
Nợ nần chồng chất nợ đẻ nợ nông dân mất cả nhà cửa đầm ao hồ hoang vu những gương mặt đen đúa khắc khổ vì nắng gió giờ đây thẩn thờ nhìn quanh đầm vắng những vất vã đã bỏ ra với vẻ đầy xót xa.
Anh Tuấn chủ trại tôm giống cho tôi biết mấy đợt qua, anh đến từng đầm thu tiền mà không được. Chỗ nào nghe nói lên tôm thì chủ thức ăn chạy vào chờ sẳn. Lên tôm xong họ lấy hết tiền nợ, còn lại một ít thì đến bên thuốc, đến phiên mình thì nông dân chẳng còn lại bao nhiêu. Nhìn thảm quá nên anh Tuấn về luôn. Giờ nợ không thể thu được.
Treo đầm là giải pháp trước mắt đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp không còn khả năng tái sản xuất.
Tôi nhìn các đầm tôm khô cạn nứt nẻ, những dãy nhà không người bỏ trống trên đê… Trước đây nhộn nhịp người ra vào, những ao nước chạy máy quạt mênh mông trù phú… Không biết người nông dân sẽ vượt qua những tuyệt vọng đó như thế nào khi lâm vào tình cảnh như hiện nay?.
Nuôi thì đắt mà bán thì chẳng bao giờ cao
Có một thực tế là nhiều năm nay, các doanh nghiệp lớn xuất khẩu tôm của Việt Nam đều than phiền giá thành nuôi tôm trong nước quá cao. Đây là lý do chính khiến con tôm sau chế biến xuất khẩu của Việt Nam yếu thế trong cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới, sản phẩm tôm sú của các doanh nghiệp trong nước thường phải bán thấp hơn giá tôm của Thái Lan và một số nước khác. Thế nhưng, con tôm sú đầu vào mà doanh nghiệp mua của nông dân lại cao hơn các nước khoảng 15 - 30%.
Ngay cả tôm thẻ chân trắng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đáng bàn ở chỗ, giá tôm nguyên liệu đầu vào của Việt Nam cao hơn các nước lân cận, nhưng nông dân vẫn thua lỗ, ngược lại nông dân các nước luôn có lãi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở VN hiện nay, tình hình nuôi thủy sản chủ yếu hộ gia đình, vấn đề quy hoạch vẫn bỏ ngỏ. Và tất nhiên, không có quy hoạch thì không có đầu tư giao thông, thủy lợi.
Kênh thủy lợi lấy nước nuôi tôm thì đa phần nông dân tự đào nên dễ dẫn đến tình trạng dịch bệnh nếu xảy ra dễ lây lan và càng dịch bệnh thì giá thành nuôi càng cao. Thứ nữa, là chất lượng con giống không đảm bảo nên tỷ lệ hao hụt nhiều. Cùng đó, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam quá cao, trong khi chi phí thức ăn chiếm 60 - 70% giá thành sản xuất.
Chưa kể, đầu tư cho 1 ha tôm ban đầu khá lớn, khoảng 150 - 200 triệu đồng, nhưng nông dân đa phần thiếu vốn và phải dựa vào vay hỗ trợ, tuy nhiên cũng chỉ được vay tối đa khoảng 15% số tiền cần đầu tư, (với nhiều điều kiện ràng buộc và có thế chấp), còn lại phải vay ngoài. Do vậy, để xoay xở, họ buộc phải chọn các giải pháp giá rẻ…
Trong câu chuyện này, một vấn đề mà nhiều người biết nhưng ít nhắc tới, đó là khâu trung gian trong mua bán quá nhiều.
Lâu nay, hầu hết các doanh nghiệp không trực tiếp thu mua tôm nguyên liệu của nông dân, mà thường thông qua thương lái và thương lái thì mặc sức làm giá.
Do vậy, nếu doanh nghiệp không bắt tay với người nuôi tôm, không ngồi chung với họ thì người nuôi tôm Việt Nam sẽ mãi chịu cảnh “kép phụ”, nuôi thì đắt mà bán chẳng bao giờ cao.
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
Nuôi tôm công nghiệp: có trở lại thời hoàng kim?
PV Kiều Phạm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
giá bao da iphone 7 plus
Trả lờiXóa