Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Lãnh tụ trong thời Internet

Nhiều người mong mỏi một lãnh tụ, một minh chủ ra đời. Liệu trong thời đại mà một việc xảy ra chỉ trong vài phút toàn thế giới đã biết, điều đó có thể xảy ra?

Trong cuốn: Thất bại lớn - Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản-Brzezinsky đã kết luận:

“Nêu lên các vấn đề về Quyền Con Người đã dồn các chế độ cộng sản vào thế bị động. Sự hấp dẫn của nó đáp ứng sự nổi lên của các khối quần chúng ngày càng có học thức, giác ngộ chính trị và không thể chịu bị cô lập và nhồi sọ một cách dễ dàng mãi.

Những chế độ “Quyền uy hậu cộng sản” (như Trung Quốc &Việt Nam - ND) chắc chắn là đặc biệt dễ bị tan vỡ trước sự hấp dẫn của những quyền con người...”.

Václav Havel còn đi xa hơn, ông cho rằng cốt lõi của vấn đề là sự xung đột giữa dối trá và sự thật, chính mong muốn được nói lên sự thật, được sống trong sự thật của mỗi cá nhân sẽ làm sụp đổ cả hệ thống.

Khác với các chế độ độc tài truyền thống từng xuất hiện trong lịch sử, hệ thống toàn trị vận hành theo một cách khác. Trong môi trường xã hội này (toàn trị), việc bày tỏ quan điểm chính trị ở nơi công cộng đã là điều khó khăn còn nói gì đến việc hình thành một đảng phái hay một tổ chức chính trị.

Mặt khác, nếu các tổ chức này hình thành nó cũng không được đám đông quan tâm, thậm chí còn bị coi là không tưởng hoặc quá nguy hiểm khi xét đến mức độ tàn bạo mà chế độ dành cho họ. Tại sao vậy?
Sống trong một môi trường bị kiểm soát đến mọi ngóc ngách của đời sống từ ăn ở, đi lại, suy nghĩ, viết lách, lấy vợ, lấy chồng... thì mối quan tâm đến chính trị tự nhiên bị teo lại, nó không thiết thực bằng những lo lắng hàng ngày.

Do đó, những mô hình chính trị dù có đẹp đẽ đến đâu cũng không thể đối thoại được với quần chúng, không thể tập hợp hoặc động viên họ. Người dân sống trong xã hội độc tài toàn trị hiểu rõ rằng một đảng hay nhiều đảng cầm quyền không quan trọng bằng vấn đề: Liệu họ có được sống như một con người hay không?

Những đảng phái đối lập với những cương lĩnh, chương trình hành động cụ thể, rõ ràng chỉ có được trong những xã hội dân chủ. Tức là phải có một môi trường cuộc sống tốt đẹp, thì những hệ thống chính trị tốt đẹp mới phát triển được chứ không phải ngược lại.

Nhưng dù sao, trong những xã hội bị bóp nghẹt như vậy vẫn có những cá nhân, những nhóm không từ bỏ chính trị, bằng mọi cách họ vẫn cố gắng tư duy một cách độc lập bởi đó là một phần trong nỗ lực muốn nói sự thật, ao ước được sống trong sự thật. Nhũng người như thế thật sự quan trọng, rất có giá trị như những ngôi sao sáng trong bầu trời báo hiệu sắp bình minh. Họ là ai?

Họ là những nhà văn, những nhà báo dũng cảm dám nói lên sự thật bất chấp chế độ kiểm duyệt hà khắc, như một nhạc sỹ tuyên bố: “ Tôi từ chối mọi sự kiểm duyệt” khi cơ quan an ninh cảnh cáo ông không được phát hành CD của mình.

Họ là những nhà toán học, triết học, nhà sử học... công khai phê phán những sai lầm của chủ nghĩa Marx, nêu ra những sự kiện lịch sử vẫn bị che giấu.

Họ là những công nhân bình thường biểu tình phản đối những đạo luật bóc lột sức lao động của mình.

Họ là những nông dân bị mất ruộng đất, kiên trì đến mức gần như tuyệt vọng đi đòi công lý, một giai cấp mới được gọi là “Dân Oan”.

Họ là những cán bộ an ninh tư tưởng đã cố gắng giữ lại những bản thảo của các nhà văn trong phong trào Nhân văn Giai phẩm để trả lại cho gia đình người viết, để những tác phẩm đó được xuất bản ra với công chúng.

.......

Không có ai trong họ là những “chính trị gia”. Không phải họ tài giỏi, thông minh hơn hoặc có nhãn quan chính trị hơn những người là chính trị gia hoặc tự nhận mình là chính trị gia, mà chính vì không phải là chính trị gia nên họ nhận rõ ra rõ hơn việc gì cần phải làm, và oái ăm thay họ lại nhìn rõ hơn hiện thực chính trị.

Họ hiểu rằng bất kỳ sự động chạm nào của quyền con người với chế độ: Quyền được sống, được tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền được nói, được thể hiện quan điểm... không bị quan chức cấp trên lăng mạ, không bị công an theo dõi, được có không gian làm việc sáng tạo, được bảo vệ an toàn bởi luật pháp... đều sẽ được sự quan tâm của đông đảo dân chúng. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quần chúng.

Mọi sự thay đổi theo cách một hệ thống, một cấu trúc mới như xây dựng một toà lâu đài đẹp đẽ nói cho cùng vẫn chỉ là ngoại sinh. Nó phải được thay đổi từ chính cá nhân từng con người, mối quan hệ giữa người với người. Phải đặt đạo đức cao hơn chính trị và trách nhiệm cao hơn mục đích.

Thời đại của lãnh tụ, của minh chủ đứng lên phất ngọn cờ kêu gọi quần chúng đã qua rồi. Với khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, mọi khoảng cách địa lý đều không còn xa xôi.

Khái niệm: “Trí thức tại biên” đã thay thế cho tư duy lãnh tụ. Đứng ngay rìa cuộc sống, va đập với nó, tự họ sẽ tìm ra cách giải cho trò chơi của mình, lựa chọn con đường của mình và lãnh tụ sẽ sinh ra từ chính những va đập đó.


Ngô Nhật Đăng


1 nhận xét: