Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Dân trí mình đúng thấp thật, cảm ơn Đảng và Nhà nước!

Câu nói của ông đại biểu: “Dân trí nước ta còn thấp.” Bị người dân, chủ yếu dân mạng phản đối ầm ĩ. Còn lại đa phần số đông, những người dân, người lao động không bao giờ online thì chẳng biết, chẳng bận tâm.

Mà cho dù có biết đi chăng nữa thì cũng kệ vì chả thấy liên quan gì tới mình. Đấy, mình bị cái đứa mình nuôi nó chửi thẳng mặt là ngu mà cũng không biết, không quan tâm, thì thử hỏi mình có ngu thật hay không?

Chưa kể,

Dân trí cao cỡ nào khi mà ngoại trừ những người quan tâm chính trị ra thì còn mấy ai biết cụ thể công việc, trách nhiệm của những chức danh như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc… là cái gì? Họ làm những công việc gì? Trách nhiệm của họ đến đâu?

Tại sao ông Đại Tướng chẳng bao giờ thấy mặt mũi trên các thông tin chiến trận ngoại trừ có mặt ở một vài cuộc họp vớ vẩn với ngoại bang? Tại sao những vụ doanh nghiệp Nhà Nước thua lỗ động trời không một ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hay nói một lời xin lỗi?

Dân mù tịt không biết đâu mà lần, thậm chí cũng là không quan tâm chút nào hết. Thế thì hỏi có là ngu không? Ngu vì không được dạy hay ngu vì không biết tự tìm hiểu hay ngu vì tìm hiểu mãi cũng không ra… Dù cho là ngu vì bất cứ lý do gì thì vẫn là ngu. Ngu thì là dân trí thấp. Đúng quá rồi còn gì.

Dân trí có cao không khi đa phần người dân không hề muốn nghe muốn nói đến chuyện chính trị vì cho rằng nó không liên quan tới cuộc sống của mình. Không hề biết rằng chuyện chính trị chính là quyền của mình để lập ra một chính phủ có trách nhiệm chăm lo cho đời sống của mình.

Chính trị chính là nội dung giáo dục con cái mình nên người. Chính trị chính là niềm tự hào dân tộc của dân mình khi bước ra khỏi đất nước. Chính trị chính là liều thuốc con mình tiêm vào người, là con đường mình đi, là hàng hóa mình tiêu thụ, là không khí mình hít thở, là sức khỏe của chính mình và gia đình mình?

Tách rời chính trị khỏi cuộc sống và trách nhiệm của bản thân trong khi nó ảnh hưởng sâu sắc và gắn liền mật thiết đến nhau. Cho rằng nó thì không liên quan đến mình, mình thì không làm gì được nó, thì thử hỏi có ngu không, có dân trí thấp không?

Dân trí cao cỡ nào mà để cho Trung Quốc nó ngang nhiên chiếm đảo chiếm đất xây dựng sân bay, công trình mà vẫn im lặng không nói một lời.

Dân trí cao chắc chắn sẽ phải biết biểu tình và giữ im lặng khi bị bắt là hai trong những quyền cơ bản nhất của con người trên bất cứ vùng đất văn minh nào.

Dân trí cao thì đâu thể im lặng đi trên những cây cầu mới xây đã sập, bê tông cốt tre, đường cao tốc sóng trâu, công trình trăm ngàn tỷ vừa khánh thành đã hư hỏng, đập nước bờ kè mưa một trận đã sụt lún…

Dân trí cao thì nỡ nào mà để người dân mình tự lừa đảo người mình, tự đầu độc dân mình, tự làm hại đồng bào mình. Giúp người ta tiêu thụ hóa chất độc hại, nông sản độc hại còn nông sản của dân mình thì phải đổ bỏ đi vì thừa mứa và rẻ mạt.

Dân trí cao thì sao để chính quyền tự ý lấy thuế xây cái miếu vài trăm tỷ thờ một ông học giả ngoại bang rồi còn trơ trẽn tuyên bố xây thế thôi chứ chưa quyết định thờ ai. Hẳn là chính quyền dư nhiều tiền lắm. Nhưng dư tiền sao lại phải đi vay Trung Quốc tiền xây cái đường tàu cao tốc để rồi bị họ chèn ép. Dư tiền sao lại phải đi vay viện trợ bảo vệ môi trường trong khi tiền phí bảo vệ môi trường thì tận thu từ trong giá xăng giá điện?

Dân trí cao thì sao mà có mấy chuyện hy hữu cười ra nước mắt rằng cuộc sống của ta là hạnh phúc nhất, yên bình nhất.

Dân trí cao làm sao chịu nổi khi chính quyền làm được một việc nhỏ thì bắt dân mang ơn, tạc tượng. Còn khi chính quyền làm sai những việc tày đình thì không cần xin lỗi, từ chức, chịu trách nhiệm, chỉ cần rút kinh nghiệm là xong?

Dân trí cao thì hẳn đã chẳng phải xấu hổ khi dân ta ra nước ngoài mang bao tiếng xấu, trộm cắp, mại dâm, vô ý thức vô văn hóa.

Nếu dân trí mà có cao thì phụ nữ Việt đã chẳng phải lũ lượt ra nước ngoài bán dâm, bị mua làm vợ, bị hành hạ, bị xúc phạm. Người dân Việt đã chẳng phải qua Cam, qua Lào làm giúp việc, lao động nặng nhọc, chui nhủi.

Nếu dân trí mà không thấp thì hàng trăm ngàn sinh viên thạc sĩ tiến sĩ ra trường hẳn đã phải có công ăn việc làm, có những đồ án, công trình giúp ích cho cộng đồng chứ không xếp hàng dài thất nghiệp ăn bám gia đình xã hội.

Nếu dân trí cao thì hẳn phải biết đất nước đã đi thụt lùi thế nào sau những năm tháng “giải phóng”. Từ một nước tự sản xuất được xe hơi nội địa thành một nước không sản xuất được con ốc con vít. Từ một nước được miễn phí học hành, y tế biến thành có nhiều tiền cũng chưa chắc có được môi trường học hành, y tế đủ tốt. Từ một nước được bao nước thèm muốn, ước ao trở thành một nước bị xem thường.

Nếu dân trí cao hẳn đã phải nhận ra những mâu thuẫn, nhìn thấy những sự thật đang được giấu kín thay vì nói gì biết đấy, kêu gì làm đấy.

Nếu dân trí cao liệu có để cho các ngài lãnh đạo xem như trò hề, muốn làm gì thì làm, muốn chặt cây thì chặt, hứa một đằng làm một nẻo, muốn thay cây gì thì thay, muốn bán đất cho ai, bán tài nguyên cho ai, cho ai thuê đất bao lâu thì cho.

Nếu dân trí cao hẳn không thể để mặc cho những người được mình ủy quyền lộng hành tác oai tác quái. Sâu mọt khắp nơi từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài, từ lớn đến bé, từ xưa đến nay mà không một động thái ngăn cản.

Nếu dân trí cao người ta hẳn sẽ phải thích đọc sách hơn xem truyền hình, thích nghiên cứu tìm hiểu hơn là đọc tin tức giải trí. Nhưng xem kìa, Việt Nam là một trong những nước đọc sách ít nhất thế giới.

Nếu dân trí cao thì hẳn sẽ không cười xòa khi đọc tin tức “Cá mập cắn đứt cáp” “Nhím gà dê hỗ trợ nông dân đi lạc vào nhà bí thư, chủ tịch”.

Nếu dân trí cao hẳn người dân phải biết hợp sức lại, biết cất tiếng nói của mình, biết liên kết với nhau tạo nên sức mạnh.

Và quan trọng nhất, nếu dân trí cao thì người dân chắc chắn phải biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước mình, với dân tộc mình.

Đấy, xin mời các bạn xem lại, tự vấn lại bản thân một chút. Rằng so với một vài biểu hiện của dân trí cao như trên, thì tự xem dân trí của mình có cao không? Nếu có, thì xem tiếp, xung quanh mình có bao nhiêu người có dân trí cao giống mình trên tổng số người mình quen biết và tiếp xúc hàng ngày? Còn nếu không, thì thôi, ông đại biểu nói đúng, dân trí mình thấp thật, nói thẳng tuột, mình thật là ngu, dân mình cũng ngu, rất ngu, đấy là sự thật không còn nghi ngờ và bàn cãi gì nữa.

Ấy thế thì, thay vì phản bác và chê trách ông đại biểu, người dám nói dân trí ta thấp, thì có lẽ, nên tuyên dương ông. Vì dám nói ra sự thật, sự thật mà các ngài lãnh đạo đều biết nhưng chưa ai có can đảm nói. Nhưng mà cũng không được, vì ông đại biểu này khi bị phản đối đã lại kịp có bài thanh minh rằng ông ta không nói ra điều đó. Ý ông không phải vậy, dân hiểu lầm ý ông rồi. Đấy, lại một lần nữa, dân trí thật thấp, thật ngu, lãnh đạo phát biểu gì người dân cũng hiểu lầm hết.

Từ “dân trí thấp” “quyền im lặng và biểu tình là nguy hiểm” “xu thế ghét Trung Quốc là nguy hiểm cho dân tộc” “nước ta còn dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản” “đa số người dân ủng hộ chặt cây” “chưa quyết xem thờ ai trong miếu” “chúng ta phải cố gắng xây dựng quân đội mạnh như Triều Tiên” “dân sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai”…

Đấy, câu phát ngôn nào cũng bị người dân hiểu lầm. Thế thì giờ sao? Lãnh đạo phải coi lại cách phát biểu sao cho dân hiểu. Hay người dân phải cố mà hiểu cho đúng ý lãnh đạo? Ôi tôi cũng không biết nữa, vì như đã nói, dân trí tôi thấp lắm. Sao hiểu được ý mấy ông. Nhưng mà dù dân trí tôi thấp đi chăng nữa, thì có một điều tôi dám cam đoan, rằng bất kể chuyện gì xảy ra bất kể kết quả thế nào, cũng là nhờ ơn Đảng và Nhà Nước.

Nên dù cho cả nước có bị dân trí thấp, tôi cũng xin thay mặt toàn dân, cảm ơn Đảng và Nhà Nước!





3 nhận xét: