Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Hình sự hoá hoạt động tôn giáo. Yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm vụ án "hội đồng công luận công án Bia Sơn"

“Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; 4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự”. (Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 273. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm)

Từ quy định nói trên, căn cứ theo Điều 274, Bộ luật tố tụng hình sự, chúng tôi cho rằng hiện đã có đủ 4 căn cứ để ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và ông Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đối với ông Phan Văn Thu (Trần Công), người bị bản án sơ thẩm hình sự (BAST) số 04/2013/HSST, kết án tù chung thân về tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Hiện ông Phan Văn Thu đang bị giam tại Trại giam: Phân trại 2, An Phước, An Thái, Phú Giáo, Bình Dương.

VIỆC ĐIỀU TRA XÉT HỎI TẠI PHIÊN TÒA PHIẾN DIỆN

Theo bà Võ Thị Thanh Thúy, là vợ của ông Phan Văn Thu, thì BAST điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ:

Một.

Trang 2 Cáo trạng và trang 11 của BAST số 04/2013/HSST đã xác định: “Năm 1969, Phan Văn Thu thành lập tổ chức tôn giáo lấy tên là Ân Đàn Đại Đạo…”.

Thế nhưng do việc điều tra phiến diện, hoặc không đầy đủ mà trang 21 BAST số 04/2013/HSST lại cho rằng: “Tháng 9/1975, Thu đã cầm đầu, thành lập tổ chức phản động “Ân Đàn Đại Đạo”…

Hai.

Trang 21 BAST số 04/2013/HSST kết luận: “Thu là người chủ mưu… thành lập tổ chức “HĐCLCABS” (tức Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn), tiền thân là “Ân Đàn Đại Đạo” trước năm 1975…”.

Như vậy, HĐCLCABS được thành lập từ “tiền thân” là “tổ chức tôn giáo” Ân Đàn Đại Đạo, nhưng tại trang 10 Cáo trạng kết luận “tổ chức chính trị có tên gọi HĐCLCABS”!

Ba.

Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST đều kết luận ông Thu “trốn khỏi nơi quản thúc” vào năm 1983. Kết luận này chứng tỏ việc điều tra xét hỏi của tòa án là phiến diện hoặc không đầy đủ.

Bởi vì, pháp luật Việt Nam không có hình phạt, biện pháp xử lý nào là “quản thúc”.

Tại miền Bắc, ngày 25/6/1961, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước VNDCCH đã ra Nghị quyết số 49-NQ/TVQH về việc giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội; và ngày 9/8/1961, Hội đồng chính phủ cũng có Thông tư số 121/CP về việc giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội để hướng dẫn Nghị quyết số 49-NQ/TVQH nêu trên, điểm 5 khoản 2 Điều 1 Mục I Thông tư này nêu rõ đối tượng tập trung cải tạo có: “Những tên đã bị quản chế nhưng ngoan cố không chịu tuân theo kỷ luật quản chế”.

Sau 1975, tại Miền Nam, ngày 15/3/1976, Chính phủ CMLTCHMNVN có Sắc luật số 02-SL/76 về việc bắt, giam những phần tử cần tập trung cải tạo.

Và đến ngày 30/10/1982, Hội đồng nhà nước có Nghị quyết số 241/NQ-HĐNN 7 quyết nghị: “Bãi bỏ những quy định của Sắc luật số 02-SL/76 ngày 15-3-1976 về thẩm quyền và thủ tục bắt, giam những phần tử cần tập trung cải tạo.

Áp dụng thống nhất trong cả nước Nghị quyết số 49 NQ/TVQH ngày 20-6-1961 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội”.

Và đến sau này, Bộ luật hình sự năm 1985 (khoản 2 Điều 21 và Điều 30) và BLHS 2000 (khoản 2 Điều 28 và Điều 38) chỉ qui định “hình phạt bổ sung” là “quản chế”. Như vậy, không có hình phạt “quản thúc”, kết luận ông Thu “trốn khỏi nơi quản thúc” là phiến diện.

Bốn.

Để làm “xấu” đi tình trạng pháp lý của ông Phan Văn Thu, trang 11 Cáo trạng và trang 2 BAST số 04/2013/HSST nêu: “Nhân thân: từ tháng 6/1975 đến tháng 2/1983 bị bắt tập trung cải tạo tại Trại cải tạo A 30…”.

Điều này mâu thuẫn với trang 11 BAST số 04/2013/HSST nêu rõ: “…ngày 06/5/1976, Thu trốn trại… ngày 26/8/1978 bị bắt lại và tiếp tục tập trung cải tạo”; và không đúng với kết luận tại trang 21 BAST số 04/2013/HSST “Tháng 9/1975… bị bắt đưa tập trung cải tạo tại Trại A 30 đến tháng 5/1983…”.

Những mâu thuẫn về ngày tháng này chứng tỏ việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ.

Năm.

Tại trang 12 BAST số 04/2013/HSST cho rằng: “… thủ tục mở Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long tại Phú Yên và lập dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia, được Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 30/11/2004.

Ngày 03/02/2005, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo số 95/TB-UBND cho phép lập thủ tục đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia”. Và sau đó, BAST số 04/2013/HSST kết luận: “Tất cả các hạng mục công trình xây dựng trong khu du lịch sinh thái Đá Bia đều không có thiết kế, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định”.

Căn cứ trang 33 BAST số 04/2013/HSST xác định công trình xây dựng… tại khu du lịch sinh thái Quỳnh Long… gồm: 146 hạng mục công trình.

Tuy nhiên, căn cứ Luật Xây dựng 2003 và 2014; các văn bản pháp luật hướng dẫn kèm theo, không phải tất cả “các hạng mục công trình xây dựng” đều đòi buộc phải “có thiết kế và giấy phép xây dựng”.

Tòa án đã điều tra phiến diện, xét hỏi không đầy đủ dẫn đến kết luận không “xác định được tính chất, mức độ” vụ việc.

Sáu.

Tại trang 9 Cáo trạng và trang 18, 19 BAST số 04/2013/HSST có đề cập đến tài liệu 55 Điều trợ luật trong đó có nói đến Tứ bi đề là 4 bước để HĐCLCABS thực hiện các hoạt động chống phá nhà nước.

Tuy nhiên, theo tài liệu 55 Điều trợ luật do ông Phan Văn Thu thuyết giảng và được học trò biên soạn lại, bản in năm 2011, tại trang 18,19 và 20 thì nội dung của Tứ bi đề hoàn toàn khác với nội dung mà Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST đã đề cập.

Cụ thể như sau: Giai đoạn cộng ác khổ, bản Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST cho rằng đây là giai đoạn ông Phan Văn Thu cùng đồng phạm tập trung xuyên tạc, nói xấu, vu khống chế độ.

Trong khi bản in năm 2011, trang 18 tài liệu 55 Điều trợ luật có viết rõ: “Trong thế giới loài người bất cứ một thời kỳ vua chúa nào mà có hôn quân hay một thể chế, một chế độ, một tà thuyết nào ác nhất thì Đức Phật đều dùng danh từ là cộng ác khổ.

Tức là thể chế đó đưa ra những điều làm cho nhân loại đau khổ thì đó là cộng ác, mà nguyên tắc cộng ác là phải khổ. Vì nếu một người làm ác thì đã khổ rồi mà mười người dẫn đến trăm người, triệu người đều làm ác thì sẽ khổ cả một xã hội”.

Qua đây có thể thấy những từ ngữ ông Thu dạy chỉ thuần đạo nên không thể “nói xấu”, “vu khống” ai.

Bảy.

Cáo trạng trang 5 và BAST số 04/2013/HSST trang 15 có cáo buộc rằng ông Thu xây dựng tổ chức phát triển cả 2 cấp từ Trung ương (12 ban) đến địa phương (26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên với 293 đối tượng tham gia) là hoàn toàn không có căn cứ.

Từ ngày thành lập đạo Ân Đàn Đại Đạo năm 1969 đến trước giải phóng 1975, ông Phan Văn Thu cùng đệ tử đã xây dựng được 12 bửu tự (chùa) ở một số tỉnh thành.

Cụ thể: Tự 1: Đông Cung Bảo Đạo xây tại cửa sông Đà Rằng, P.6, Tuy Hòa, Phú Yên. Tự 2: Nhị Nhật Lệnh xây dựng tại Bình Hòa, P.5, Phú Yên… Tự 9: Thiên Ngọc xây tại Phú An Nam, TP. Nha Trang, Khánh Hòa… Tự 12: Thiên Kim Đồng Ấn xây tại Khu vực Đá Đen, Đèo Cả, Phú Yên. Như vậy tiền thân của các pháp hội là các bửu tự. Đó là nơi các phật tử tập trung về để thực hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Còn 12 ban, đó là các ban được đặt ra theo cơ cấu tổ chức của công ty kinh doanh du lịch sinh thái, được thành lập và hoạt động hợp pháp. Cụ thể như Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST có nói đến ban đối nội, ban đối ngoại, ban kế hoạch… thì các ban này chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của công ty du lịch sinh thái như: Quản lý dự án, hợp đồng kinh tế, xây dựng kế hoạch…

Đối với các ban như ban tổ chức, ban pháp tế, ban nghi lễ… mà bản Cáo trạng và BAST 04/2013/HSST đề cập đến thì các ban này được thành lập để hỗ trợ hoạt động hoằng pháp.

Như vậy Bản Cáo trạng và BAST 04/2013/HSST cho rằng các ban này được thành lập để phục vụ cho việc chống phá Nhà nước là hoàn toàn không có căn cứ.

Tám.

Để phù hợp với cáo buộc biến tổ chức tôn giáo Ân Đàn Đại Đạo thành một tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền, Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST đã chính trị hóa “chủ thuyết Công Bản”, “Cương lĩnh Công luật Đại hóa”, “Cửu Kinh Minh Triết” - vốn dĩ chỉ là những bài học mang tính chất giáo lý của một tôn giáo.

Chủ Thuyết Công bản được ông Phan Văn Thu giải thích trong tài liệu của mình với nội dung như sau: “Công là công bằng, bản là gốc. Vậy công bản là gốc của sự công bằng. Nếu vũ trụ này không có cái gốc của sự công bằng thì vũ trụ sẽ sụp đổ”.

Còn “Cương lĩnh Công Luật đại hóa” thì đề cập đến vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan;sự dung hợp giữa chủ thuyết duy tâm và duy vật; nói đến tính quy luật, định luật chung của vũ trụ.

“Về cương lĩnh Công Luật đại hóa, thứ nhất là căn cứ hệ thống Thống hóa đã thiết lập quyền duy ngã đại thể. Thứ hai là căn cứ Công luật, qui luật, định luật và không sai chạy một ly của tính công luật vũ trụ để thực hiện Công Luật đại hóa. Thứ ba là căn cứ trên chu trình vận luật sự chuyển hóa và hình thành của nguyên và phân nguyên.

Thứ tư là căn cứ trên sự tiến hóa nhất định đối với loài người trên hành tinh chúng ta, cùng các hành tinh khác. Thứ năm là căn cứ sự thăng hoa và thành tựu giá trị duy ngã của các phẩm bậc mà có những cương lĩnh thống nhất này” (trích “Cương lĩnh công luật đại hóa” trang 5 bản in năm 2011 do ông Thu thuyết giảng).

Theo Bản Kết luận điều tra số 406/ANĐT thì “bộ Cửu Kinh Minh triết có 9 quyển gồm 592 trang do Phan Văn Thu dựa trên một số giáo lý phật giáo, một số sấm ký, tài liệu mê tín dị đoan, truyền thuyết thần thoại được thuyết giảng từ 4/2006 đến tháng 11/2011, Lê Duy Lộc ghi âm soạn thảo biên tập hoàn chỉnh in thành 9 tập tựa đề:

1- Thống Thức Chân Quang Kinh, 2- Trung Tâm Vạn Năng Kinh, 3- Oai Âm Dương Vạn Tỏa Kinh, 4- Vận Luật Tuần Hoàn Chu Kinh, 5- Duy Ngã Vạn Pháp Kinh, 6- Tâm Vật Hội Tụ Kinh, 7- Đại Thừa tạng Kinh, 8- Trung Thừa Tạng Kinh, 9- Tiểu thừa Tạng Kinh”.

Dựa trên chính kết luận này, bộ Cửu Kinh Minh Triết đích thực là một tài liệu kinh điển, nội dung (giả định Kết luận điều tra đúng) cũng chỉ: “Dựa trên một số giáo lý Phật giáo, một số sấm ký, tài liệu mê tính dị đoan, truyền thuyết thần thoại” không đề cập đến vấn đề chính trị, không có nội dung “tuyên truyền”, “lật đổ”.

Như vậy, Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST kết luận đây là tài liệu để chống phá nhà nước là hoàn toàn vô căn cứ.

Chín.

Cáo trạng và BAST số 04/2013/HSST cho rằng ông Phan Văn Thu dự kiến Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, con dấu, Quốc khánh của Nhà nước “Đại Nam Kinh Châu”, có quân tướng là 72 vị thánh hiền do ông Thu lãnh đạo, có trụ sở hoạt động là Tổ Đình Khu du lịch sinh thái Đá Bia sau này mở rộng đến khu di tích tàu không số Vũng Rô, Đại Lãnh, Khánh Hòa.

Điều này hoàn toàn không có căn cứ. Ngày thành lập đạo Ân Đàn Đại Đạo 15/9/1969, theo lời ông Thu điều tra viên đã ép cho đó là ngày Quốc khánh.

Còn cụm danh từ “Đại Nam Kinh Châu” và “72 tướng lĩnh” là những từ được ông Thu trích giảng từ sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước phiên tòa xét xử, tất cả 22 người đều cương quyết phủ nhận việc Ân Đàn Đại Đạo có dự kiến này.


Nguyễn Gia Định

1 nhận xét: