Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

150 năm ngày Gia Định Báo ra đời

Hôm nay 15-04, kỷ niệm 150 năm (1865 - 2015) Gia Định Báo ra đời, khởi đầu cho việc phổ biến chữ quốc ngữ ra đại chúng.
Trước đó, chữ quốc ngữ chỉ dùng trong các nhà thờ Công giáo và nội bộ giáo dân mà thôi.
Nếu không phải là tờ báo dành cho “người cách mạng đọc”, thì những người làm báo, đọc báo tiếng Việt nên chọn ngày 15-04 này là ngày Báo Việt Nam.
-----------------
Nhà báo Lê Minh Quốc, kể: Hơn mười năm trước, lúc tòa soạn Báo PN còn ở 188 Lý Chính Thắng, có một nhóm bạn sinh viên Khoa Báo chí trường Khoa học Xã hội - Nhân văn đến gặp tôi.
Các bạn có nhờ tôi xem qua công trình khảo sát một số báo, tạp chí trước 1945 do các bạn thực hiện. Qua trao đổi, hầu như tôi không góp ý gì nhiều, chỉ hướng dẫn một vài chi tiết trong đề cương để các bạn tiếp tục làm tốt nhất công việc khó khăn này.
Không rõ sau đó, công trình về báo chí Việt Nam của các bạn đã đến đâu?
Nhà báo Lê Minh Quốc chia sẻ: “Đọc kỹ, thấy hữu ích nên công bố cho mọi người tham khảo. Xin cám ơn các bạn sinh viên đã tin cậy trao tôi tài liệu này”.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐỊNH BÁO
Trong công văn ngày 09/05/1865 gửi Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp, Thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ lúc bấy giờ là G.Roze nói rõ mục đích khi cho xuất bản tờ báo này: “Số đầu tiên của tờ Gia Định Báo được in bằng chữ An Nam, theo chữ cái Latinh, phát hành vào ngày 15 tháng 4 vừa qua.
Tờ báo này nhằm phổ biến trong dân chúng bản xứ những tin tức đáng cho họ quan tâm và cho họ có một kiến thức về những vấn đề mới có liên quan đến văn hoá và những tiến bộ về nông nghiệp…
Báo chí xuất bản mỗi tháng một kỳ sẽ là một việc có ích không chối cãi được và nó sẽ góp phần thay thế chữ Hán, một thứ chữ mà chỉ có một số thiểu số quan lại đọc được mà thôi”.
Sau 3 tờ báo bằng tiếng Pháp, tiếng Hán mà chính phủ Pháp đã làm ở Nam Kỳ thì Gia Định Báo là tờ báo thứ tư và là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.
Sở dĩ, Gia Định Báo ra đời là vì chính phủ Pháp muốn những thông tin, những chính sách của họ phải được truyền đạt đến mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thành công và hiệu quả công cuộc khai thác thuộc địa.
Chữ Pháp và chữ Hán thì chỉ có một số ít người biết, còn chữ quốc ngữ thì dễ đọc hơn và số người đọc sẽ đông hơn. Khi Gia Định Báo ra đời, cùng với 3 tờ báo trước kia, chính phủ Pháp đã có thể đạt được mục đích của mình trong việc thông tin vì họ cho rằng “Tờ Gia Định Báo đã được dân chúng ủng hộ một cách nhiệt liệt và ở nhiều địa phương, những thiếu niên biết đọc chữ quốc ngữ đã đọc báo cho cha mẹ chúng nó nghe”.
Hiện nay, do vẫn chưa tìm thấy số báo đầu tiên nên không có thông tin rõ ràng về chủ trương, đường lối của Gia Định Báo.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐỊNH BÁO
Có hai ý kiến về ngày xuất bản số báo đầu tiên.
Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, tác giả Vương Hồng Sển cho rằng 01/04/1865 là ngày ra số báo đầu tiên.
Trong cuốn sách “Trương Vĩnh Ký” của tác giả Khổng Xuân Thu, phần “Tờ báo đầu tiên trên đất Việt do Trương Vĩnh Ký quản nhiệm” (trang 35) cũng viết “Tờ Gia Định Báo ra đời ngày 01/04/1865”.
Trong một bài viết trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 117 ra ngày 20/06/1995, Lê Nguyễn viết: “Đa số người viết cho rằng ngày phát hành đầu tiên của Gia Định Báo là ngày 01/04/1865, nhưng chưa có tác giả nào khẳng định là đã tận mắt nhìn thấy tờ báo lịch sử này”.
Về văn kiện cho ra đời tờ báo - một thông lệ gần như bắt buộc trong công báo Pháp thời kỳ này - tác giả Nguyễn Văn Trung trong tác phẩm “Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” xác nhận chưa tìm được nghị định cho ra báo.
Nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ đã lục tìm trong công báo năm 1865 cũng không thấy có. (Theo tạp chí Bách Khoa- Sài Gòn số 217 ngày 15.1.1966).
Ý kiến thứ hai cho rằng ngày 01/04/1865 chỉ là ngày ký nghị định cho phép tờ báo ra đời. Ngày 15/04/1865 mới thực sự là ngày ra số báo đầu tiên.
Trong cuốn “Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam” Hồng Chương viết: “Gia Định Báo xuất bản ở Gia Định ngày 15/04/1865 do một người Pháp là Ec-nét Pô- tô (Ernest Potteau) chịu trách nhiệm xuất bản và phát hành (theo nghị định ngày 1-4-1865 của thống đốc chỉ huy trưởng Nam Kỳ)”.
Huỳnh Văn Tòng cũng khẳng định ngày phát hành số Gia Định Báo đầu tiên là ngày 15/04/1865.
Ngoài hai ý kiến như trên thì còn có một số ý kiến khác về ngày ra đời tờ Gia Định Báo.
Chẳng hạn, Lê Nguyễn cho rằng: “Văn kiện chính thức đầu tiên đề cập đến Gia Định Báo là quyết định số 51 ngày 18/03/1869 của quyền thống đốc Nam- Kỳ G.Ohier, trang 91-92 với nội dung tạm dịch như sau:
Điều 1: Tờ Gia Định Báo sẽ ra vào những ngày thứ 2 kể từ ngày 1 tháng 4.
Điều 2: Tiền đặt mua báo là 20 quan mỗi năm.
Điều 3: Tờ Gia Định Báo tiếp tục phát hành dưới sự trông coi của ông Potteaux, với tư cách này, ông sẽ nhận một khoản phụ cấp 1.200 quan mỗi năm”.
Đào Trinh Nhất trong bài “Thử tìm long mạch tờ báo ta” đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật, phát hành năm 1942, thì tờ Gia Định Báo đầu tiên ra đời năm 1867.
Một tài liệu khác do nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ấn hành năm 1942 có kể lại rằng vào năm 1867, thống đốc Nam Kỳ Kerguda có mời cụ Trương Vĩnh Ký ra làm quan nhưng cụ từ chối và xin lập ra một tờ báo quốc ngữ lấy tên là Gia Định Báo. (Dẫn theo Kiến thức ngày nay số 117 ra ngày 20/06/1995).
Tuy nhiên với số báo cũ nhất hiện nay Thư viện tổng hợp Tp.HCM còn lưu trữ trên vi phim in: “Số thứ tư, năm thứ I ra ngày 15/07/1865 ” và “Tờ báo này mỗi tháng tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư ”. Có thể khẳng định ngày ra số báo đầu tiên của Gia Định Báo là ngày 15/04/1865.
Theo Huỳnh Văn Tòng, trong một bức thư của ông Groze - Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ - gửi cho Bộ trưởng Hải quân và thuộc địa Pháp ngày 09/05/1865 có đoạn viết: “Số đầu tiên của tờ Gia Định Báo được in bằng chữ Annam, theo chữ Latinh phát hành vào ngày 15/04 vừa qua…”.
Về năm đình bản chính xác của Gia Định Báo, chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đến.
Trong một bài thuyết trình về Gia Định Báo nhân kỷ niệm 100 năm báo chí Việt Nam tại Trường Quốc gia âm nhạc (nay là nhạc viện Tp. HCM), Phạm Việt Tuyền cho rằng: “Thời gian hoạt động của Gia Định Báo là 32 năm, từ năm 1865 đến năm 1897”.
Nguyễn Ngu Í cũng đồng quan điểm trên. Tuy vậy, hiện nay vẫn có thể đọc được trên vi phim tờ Gia Định Báo phát hành năm 1900 (Thư viện tổng hợp Tp.HCM). Như vậy thời gian tồn tại của Gia Định Báo không chỉ có 32 năm.
Số báo sau cùng nhất do Huỳnh Văn Tòng lưu giữ, trên manchette báo in: “Năm thứ 43 - Số 40, 41, 42. Ngày thứ hai 11,18 và 25 Octobre 1909”.
Căn cứ trên tờ báo này thì có thể thấy Gia Định Báo tồn tại 43 năm. Tuy nhiên, đây có phải là tờ báo cuối cùng không thì vẫn còn là một nghi vấn.
Vấn đề khác được đặt ra là : tờ báo phát hành năm 1909, nếu đúng theo cách đánh thông thường phải là năm thứ 45, nhưng ở đây lại in năm thứ 43.
Có hai giả thuyết đặt ra:
-Có thể do lỗi in ấn.
-Có thể tờ báo đã ngừng phát hành trong một khoảng thời gian (khoảng hai năm), sau đó ra lại.
Trên chỉ là giả thuyết. Bên cạnh, cách đánh số báo và ngày ở tờ báo này cũng rất đặc biệt mà những số báo còn lưu trữ ở Thư viện tổng hợp Tp.HCM cũng như những số Gia Định Báo từ năm 1865 đến năm 1900 không hề có.
Cũng có thể đây là tờ Gia Định Báo cuối cùng hoặc là vì lý do nào đó mà tờ báo này gộp cả ba số. Và thông thường, phần Công vụ luôn đăng những tin quan trọng. Riêng tờ báo này, hiện chỉ có được một trang đầu nhưng phần tóm lược công vụ không thấy đề cập gì đến việc thay đổi của Gia Định Báo.
Trong cuốn “Tìm hiểu báo chí Việt Nam”, Hồng Chương cũng khẳng định “Gia Định Báo tồn tại hơn 40 năm”, nhưng ông cũng không nói gì đến ngày đình bản và lý do đình bản của Gia Định Báo.
Đề cập đến năm đình bản của Gia Định Báo, Lê Nguyễn cho rằng: “Trên thực tế, vào ngày 21/09/1909, Thống đốc nam Kỳ Gourbeil mới ban hành nghị định ấn định là tờ Gia Định Báo đình bản hẳn kể từ ngày 01/01/1910 (Tập san hành chánh Nam Kỳ năm 1909-trang 3464)”. (Kiến thức ngày nay số 117 ngày 20/06/1995).


1 nhận xét: