BÀI 2: Tượng đài chung cho người lính Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam có thật lòng muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc không hay chỉ nói một đàng làm một nẻo nên chia rẽ và hận thù đã chống chất sau 40 năm kết thúc chiến tranh?
Câu hỏi này không mới mà đã được lập đi lập lại vào mỗi dịp 30 tháng 4 về.
Người lính Việt Nam chống giặc Tàu đều xứng đáng tôn vinh
Mỗi khi nhắc đến cuộc chiến Gạc Ma là mọi người đều nhớ đến trách nhiệm lịch sử không thể chối cãi của ông Lê Đức Anh, người sau này làm đến chức Chủ tịch Nước (1992-1997) đối với 64 người lính đã bỏ mình ở đó.
Vì vậy không có gì sai trái khi đền ơn những người đã hy sinh cho Tổ Quốc, nhưng đã làm thì phải làm cho tất cả mọi người đã đổ máu cho một lý tưởng chống ngoại bang Trung Cộng xâm lược để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kể cả trên 40.000 quân và dân 6 tỉnh biên giới phía bắc đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Tầu từ 1979 đến 1987.
Nhưng đảng và nhà nước CSVN đã không dám làn như thế để giữ trọn tình nghĩa láng giềng “vừa là đồng chí vừa là anh em” với đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đừng thiên vị
Cũng thật không công chính khi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại lễ dựng tượng đài ngày 14/04/2015:
"Theo nguyện vọng của thân nhân của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 cũng như của cả nước là có một khu tưởng niệm các anh hùng Gạc Ma để thân nhân các liệt sĩ hàng năm về đây viếng người thân của mình, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau này.
Do đó việc xây dựng tượng đài tại đây trong chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa", với hy vọng đáp ứng được phần nào nguyện vọng của thân nhân chiến sĩ Gạc Ma cũng như của công đoàn cả nước cùng toàn thể nhân dân hướng về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh”.
Tại sao lại có cả “Hoàng Sa” trong cuộc vận động quyên góp tiền bạc chỉ dành cho Gạc Ma? Hương hồn của 74 chiến sỹ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa có “xơ múi” gì trong cuộc quyên góp tiền bạc do TLĐLĐVN tổ chức?
Chắp vá Hoàng Sa vào làm gì ngoài mục đích tuyên truyền đoàn kết ngoài mặt? Không ai ở Việt Nam trả lời câu hỏi này của thân nhân 74 người lính VNCH và của người dân VNCH cũ.
Nhưng rất rõ là hành động thiên vị một phía của tổ chức TLĐLĐVN được sự đồng tình, tiếp tay của Nhà nước đã cho thấy chủ trương “hòa giải - hòa hợp dân tộc”, vẫn thường được nghe phát ra từ cửa miệng lãnh đạo bấy lâu nay chỉ là “nước lã ao bèo”.
Yêu nước chưa bao giờ đồng nghĩa yêu chủ nghĩa Cộng Sản
Thật ảo tưởng khi Khoản 3 trong Điều 60 Hiến pháp, viết: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”.
Bởi lẽ trong thực tế Nhà nước đã không làm như Hiến pháp quy định với dân trong đời sống hàng ngày ở Việt Nam, mà đi hàng hai như ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá đảng VIII, thời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nghị quyết này có đọan viết: “Phương hướng chung của sự nghiệp vǎn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa…”
Như vậy phải chăng những ai không đóng góp vào việc “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” như 74 người lính VNCH chết ở Hoàng Sa thì phải bị gạt ra khỏi hàng ngũ yêu nước?
Đừng khoét sâu thêm nỗi đau li tán
Hãy đọc lời phê bình của Nhà văn, Đại tá Quân đội Nhân dân nghỉ hưu Phạm Đình Trọng trong bài viết ngày 11/04/2015:
“Dựng tượng đài khắc ghi vào thời gian, khắc ghi vào tâm linh Việt Nam những dòng máu thiêng Việt Nam đã đổ ra để giữ biển Đông, mảnh thềm không thể tách rời của ngôi nhà hương hỏa Việt Nam là đòi hỏi khẩn thiết của mọi trái tim Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau.
Nhưng nếu chỉ dựng tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma 1988 thì vừa bất công, vừa hẹp hòi, nhỏ nhen, chật chội quá! Một hành xử chính trị nhưng dường như phản chính trị! Chỉ là thứ chính trị thô thiển, bè phái, cục bộ! Một việc làm khoét sâu thêm nỗi đau li tán dân tộc cũng là làm suy yếu dân tộc”.
Ông nói thêm: “Những người lính của chính quyền Sài Gòn chết ở Hoàng Sa năm 1974 trong cuộc chiến chống quân Tàu Cộng xâm lược. Những người lính của chính quyền Hà Nội cũng chết trong cuộc chiến chống quân Tàu Cộng xâm lược Gạc Ma, Trường Sa năm 1988.
Họ đều chết cho Tổ quốc Việt Nam, chết trên những doi cát ngay thềm ngôi nhà Việt Nam mang hồn thiêng cha ông.
Nay chỉ dựng tượng đài ghi công Chiến sĩ Gạc Ma 1988 thì tượng đài chật chội, nhỏ nhen, hẹp hòi đó không thể mang tấm lòng bao dung của Mẹ Việt Nam, không thể bền vững cùng non nước Việt Nam, mà chỉ là tượng đài của một thế lực phe nhóm và chỉ tồn tại cùng thế lực phe nhóm đó mà thôi”.
Phạm Trần
0 nhận xét:
Đăng nhận xét