Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Hội nhập thì không thể tiếp tục bưng bít

Bạn đọc ký tên Người Vĩnh Long đã gửi đến SGB, bài viết liên quan đến câu chuyện của “40 năm”.

Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả SGB.

Hội nhập quan trọng hơn hòa giải?

Trên BBC, có phỏng vấn nữ nhà báo tên Nguyễn Thị Hải Phượng. Tiêu đề “Hội nhập quan trọng hơn hòa giải”, được lấy từ 1 câu trả lời của nhà báo Hải Phượng.
Có mấy vấn đề xin được trao đổi.

Người được gọi là "nhà báo" Phượng nói: "Tôi không quá đặt nặng từ đó [hòa giải] nữa. Lớp trẻ chúng tôi thiên về từ 'hội nhập'.

Ở đây cô ta nói “Tôi và chúng tôi”. Cô ta không đặt nặng từ "hòa giải", thì không có nghĩa là cô ta đại diện cho lớp trẻ Việt Nam mấy mươi triệu người.

Để dùng từ "lớp trẻ chúng tôi" ở thế hệ của cô ta trong đó có người viết bài này, cô ta dựa vào cái gì để nói "Thế hệ trẻ chúng tôi"?. Chúng tôi đây là ai, có phải là những nhà báo cùng trang lứa và cùng được đào tạo dưới mái trường báo chí nhà nước không?

Tôi không học nhiều, nhưng tôi nghĩ hội nhập là hòa mình vào với thế giới, ví dụ tham gia TPP, đó cũng là hội nhập. Nhưng nếu muốn hội nhập với cộng đồng thế giới thì phải đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, đó là phải thực thi những vấn đề mà cộng đồng thế giới xem là những tiêu chí chung.

Ví dụ phải tôn trọng quyền con người, phải đảm bảo người dân được nói những gì mình muốn nói, làm những gì mà pháp luật không ngăn cấm, được lập hội, được biểu tình ôn hòa, được tìm hiểu những sự thật bị bưng bít và chỉ ra những sự thật đó mà không bì bắt bớ, trù úm…

Thế thì ngay cái môi trường mà nhà báo Phượng sinh sống và làm việc đây, những điều đó đã được thực thi như thế nào?; và nếu rõ rằng rằng thế hệ mà cô ta nói đó chỉ quan tâm đến "hội nhập", thế thì để được hội nhập phải làm sao, thế hệ như cô ta (mà chắc chắn cô không phải là người đại diện) phải làm gì?

Còn nói về hòa hợp, tôi không dám nghĩ xa xôi. Tôi là kẻ sinh sau, khi mà chiến tranh đã đi qua, nhưng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử, tôi muốn biết sự thật. Qua thời gian, qua tìm hiểu, với cá nhân tôi nghĩ, việc hòa hợp hòa giải vô cùng quan trọng.

Một đất nước, một dân tộc chỉ có thể ngẩng cao đầu lên khi dân tộc đó không có sự chia rẽ. Nếu những điều kiện để được hội nhập như ở trên, tôn trọng quyền con người, lắng nghe những ý kiến trái chiều, những phản biện từ các tầng lớp trí thức, không bắt bớ khi có những phản đối ôn hòa, phải tuân thủ Hiến pháp, thì cho dù không kêu gọi hòa hợp hòa giải, vẫn tự khắc những vấn đề đó sẽ trở thành nền móng để đi đến sự hòa hợp.

Tôi cũng muốn nói rõ người tên Phượng được gọi là nhà báo đó, không thể dùng từ "lớp trẻ chúng tôi", vì cô ta không có tư cách gì để đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam.

NGƯỜI VĨNH LONG


1 nhận xét: