Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Cắt điện trái pháp luật: không "thuộc" luật hay chiêu trò đánh nguội?

Ông Nguyễn Bắc Truyển, Tổng thư ký Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, cho biết ngày 19-4-2015, gia đình của ông tại tỉnh Đồng Tháp đã bị cắt điện với lý do: quá 6 tháng không ghi số điện.
Ông Truyển ngờ rằng đây là một trong những trò “đánh nguội” tiếp tục giáng xuống cá nhân ông.

Căn cứ vào Luật điện lực 2004, cùng các văn bản liên quan: Thông tư 19/2014/TT-BCT về mẫu Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành; Thông tư 27/2013/TT-BCT quy định về Kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, cho thấy:

Nếu cơ quan điện lực tỉnh Đồng Tháp không thỏa thuận về những đền bù thiệt hại về hành vi vi phạm pháp luật về điện lực đã gây ra với hộ gia đình ông Nguyễn Bắc Truyển, thì ông Truyển cần thiết khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, được quy định tại Điều 9, Thông tư 19/2014/TT-BCT.

Cắt điện: chiêu khủng bố... quen thuộc

Ông Nguyễn Bắc Truyển, kể:

Ngày 19-4, Điện lực huyện Lấp Vò đã cắt điện sinh hoạt của gia đình chúng tôi (Bùi Thị Kim Phượng và Nguyễn Bắc Truyển) tại ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với lý do: quá 6 tháng không ghi số điện.

Trong khi đó, chị tôi (Bùi Thị Kim Cam là người hàng ngày đến chăm sóc nhà cửa) đã thông báo cho người ghi điện, là hiện nay nhà không có ai ở, nếu có ghi số điện thì xuống nhà chị Bùi Thị Kim Anh, cách đó khoảng 500m sẽ được biết số điện.

Người ghi số điện đã đồng ý vì chính họ cũng là người ghi số điện của nhà chị Kim Anh, rất tiện.

Về nguyên tắc, nếu nhà cung cấp điện (Điện lực huyện Lấp Vò) muốn cắt điện thì cũng phải có thông báo đến khách hàng, đằng này họ ngang nhiên cắt điện mà không thông báo trước, chính họ đã vi phạm đến quyền lợi của khách hàng.

Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của luật sư để giải quyết vấn đề này, không để cho những kẻ vô pháp lộng hành. Chúng tôi sẳn sàng chấp nhận không có điện sử dụng như nhiều gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Tây đã từng bị cắt điện hàng mấy chục năm nay vì đấu tranh cho quyền tự do Tôn giáo.

Sau sự việc ngày 9-2-2014, khi hàng trăm công an huyện Lấp Vò và tỉnh Đồng Tháp xông vào nhà, phá cửa, đập phá đồ đạc trong nhà và bắt tôi áp giải về Sài Gòn. Sau đó chúng bao vây cô lập gia đình, không cho ai đến, ban đêm thì đám lưu manh canh trước nhà ném đá vào nhà.

Ngày 14-2, vợ tôi (Phượng) phải rời khỏi nhà và lên lánh nạn tại Sài Gòn, chị Cam phải về nhà chị Kim Anh mà nương náu vì sự khủng bố của bọn lưu manh côn đồ có bảo kê.

Trước đây, bọn lưu manh rình mò nhà chúng tôi, đã dùng những trò thủ đoạn hèn hạ như đổ keo vào ống nước sinh hoạt, ăn cắp ống nhựa dùng tưới cây trong vườn, ném đá lên mái nhà tôn, ném đá bể bóng đèn, gần đây thì chúng còn ăn cắp luôn cả bóng đèn trong vườn. Chúng còn viết lên cửa hàng rào "cần bán nhà gấp"…

Luật quy định gì?

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Bên A (bên bán điện):

(…) 3. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng khi Bên B không sử dụng điện quá 06 tháng liên tục mà không thông báo trước cho Bên A.

(…) 5. Thông báo cho Bên B biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng khi có kế hoạch ngừng, giảm mức cung cấp điện để sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện.

(…)8. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
(Trích CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG (Kèm theo Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt), Thông tư 19/2014/TT-BCT)

Điều 9. Giải quyết tranh chấp:

1. Hai bên cam kết thực hiện đúng các thỏa thuận trong Hợp đồng, 
bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên giải quyết bằng thương lượng. Nếu hai bên không tự giải quyết được thì có thể đề nghị Sở Công Thương tổ chức hòa giải. Trình tự, thủ tục và thời hạn tổ chức hòa giải được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Công Thương hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, một trong hai bên hoặc các bên có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Trong thời gian chờ giải quyết, Bên B vẫn phải thanh toán tiền điện và Bên A không được ngừng cấp điện.
(Trích Thông tư 19/2014/TT-BCT)
Luật điện lực 2004, Điều 7. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện:

(…) 3. Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.

(…) 9. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

(…) 10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

11. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
Hôm 19-4, theo công bố của Phòng thương mại và công nghiệp VN, thì Đồng Tháp vươn lên Á quân “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014”.

Căn cứ theo Luật Điện lực cùng các văn bản liên quan, ở đây có trách nhiệm giải quyết của ông Nguyễn Văn Dương – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

* Bạn đọc Nguyễn Bắc Truyển hãy gửi các yêu cầu đến email của ông Nguyễn Văn Dương: vanduong.ubdt@yahoo.com; điện thoại: 0673853742.

Nguyễn Tuấn


1 nhận xét: