Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, cho biết bản kháng nghị
giám đốc thẩm liên quan đến vụ án của Hàn Đức Long có số hiệu 29, được ký ngày
9-5-2014, có nội dung kháng nghị hủy án phúc thẩm và sơ thẩm do “vi phạm nghiêm
trọng về tố tụng và nội dung, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kết án Hàn Đức
Long”.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng tuyên phạt tử hình đối với
bị cáo Hàn Đức Long (SN 1959, trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên,
tỉnh Bắc Giang) về hai tội danh Hiếp dâm trẻ em và Giết người.
Đáng chú ý, trước đó, cũng tại vụ án này, ngày 3-3-2009,
TAND Tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 504 ngày 25-6-2007, đề
nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm
nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm trước đó; giao VKSND Tối cao để điều tra lại
theo thủ tục chung.
Lý do Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm bị hủy được đưa ra
là: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội
ban đầu của bị cáo, chưa phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện các
chứng cứ khác có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo; nhiều tài liệu do
cơ quan điều tra thu thập còn mâu thuẫn với lời khai nhận tội; nhiều chứng cứ
quan trọng chưa được điều tra, làm rõ”.
Không muốn chết oan
Bà Đào Thị Cung (70 tuổi, chị gái cùng mẹ khác cha của Hàn Đức
Long) nước mắt ngắn dài kể về chặng đường dài bà cùng gia đình đi tìm công lý
cho em trai nhưng chưa có kết quả.
Ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng tháng nào bà Cung cũng
đi đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang rồi xuống Hà Nội gửi đơn đến cơ
quan TW để kêu oan.
Bà Cung nói: “Tôi và mọi người trong gia đình đều tin Long
không phải là thủ phạm. Bởi nếu nó là thủ phạm thì khi gặp người nhà nó chẳng kêu
oan làm gì, để cho vợ nó, con cái nó phải đi khắp nơi đòi công lý. Nếu được chết
thay thằng Long thì tôi cũng xin nhận để nó có cơ hội được minh oan”.
Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo cũng khẳng định
trong tất cả các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận
giám định, tang chứng, vật chứng đều không liên quan đến Hàn Đức Long; không có
bất cứ một nhân chứng nào thấy hoặc nghe nói Long có mặt ở khu vực gần nhà cháu
Y. cũng như hiện trường nơi cháu Y. chết.
Tuy nhiên, HĐXX vẫn kết tội Long qua lời nhận tội của chính
bị cáo.
2 năm, 43 lần kêu oan... bằng đơn
Cũng như tử tù Hàn Đức Long, tử tù Hồ Duy Hải cũng liên tục
kêu oan.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hải trong cả
hai phiên tòa sơ phúc thẩm) thì ngay trong lần đầu tiên Ls Đạt gặp Hải (trước
khi có cáo trạng), Hải đã kêu oan và từ đó đến nay, Hải liên tục kêu oan nhưng
không được xem xét, và trong hồ sơ vụ án không hề ghi nhận điều này.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan, Ls Đạt đã có bài bào chữa
kêu oan nêu ra 41 điểm bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án và đề nghị
tòa tuyên bố không đủ bằng chứng buộc tội Hải.
Điều kỳ lạ là phiên tòa sơ thẩm có đông đảo người dân Long
An tham dự đứng tràn ra ngoài sân và ở hai bên đường Nguyễn Huệ, Trương Định,
được truyền loa phóng thanh ra ngoài. Nhiều người dự khán cho biết là âm thanh
của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt nhưng đến phẩn kêu oan cho
Hải của Ls Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả.
Với quan điểm bào chữa công khai, thẳng thắn, Ls Đạt gởi đến
Hội đồng xét xử văn bản bài bào chữa kêu oan cho Hải trước khi phiên phúc thẩm
diễn ra.
Cẩn thận hơn, gần ngày xử phúc thẩm, ông còn gởi văn bản cho
chủ tọa phiên tòa nêu tóm tắt quan điểm là Hải bị oan. Nhưng rất tiếc là những
quan điểm này không được Hội đồng xét xử tranh luận và cũng không đưa vào bản
án.
Một ngày sau phiên xử sơ thẩm, LS Đạt đã gởi đơn kêu oan,
xin giám đốc thẩm sau đó, ông nhiều lần cùng bà Loan ra Hà Nội gởi đơn khắp các
cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc Hội nhưng không ai giải quyết.
Từ năm 2012 đến nay, Ls Đạt không đi gởi đơn trực tiếp mà
hàng tháng gởi đơn qua đường Bưu Điện để kêu oan xin giám đốc thẩm. Mỗi lần gởi
đơn, ông đều cập nhật số thứ tự và lá đơn vào tháng 12-2014 là lá đơn thứ 43.
Mỗi lần đi thăm nuôi mà có thể nói chuyện riêng, Hải đều nhắc
nhở gia đình là làm đơn gởi Chủ Tịch Nước kêu oan cho. Gia đình Hải và các luật
sư cũng không hề nhận quyết định bác đơn ân xá của Chủ Tịch Nước.
Thật sự Hải có làm đơn xin ân xá hay không? Nếu có thì làm
trong hoàn cảnh nào?
Ls Trần Hồng Phong khẳng định “Với tư cách là luật sư hỗ trợ
pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải trong việc xin giám đốc thẩm kêu oan cho Hải,
tôi khẳng định Hồ Duy Hải có kêu oan, dù tôi cũng xác nhận có rất nhiều bản
khai trong trại giam Hải khai mình là hung thủ giết người. Vấn đề này, về mặt tố
tụng hình sự, tôi đã trình bày rõ trong "Đơn đề nghị giám đốc thẩm" của
mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trình bày lại về việc Hải kêu oan thể
hiện ở những tài liệu/ bằng chứng sau đây: Trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh
Long An có ghi việc Hải kêu oan.
Hải khai rằng mình chỉ khai giết người theo lời của một công
an xã chứ không thực sự giết người. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm đã không chấp nhận lời
khai nại này”.
Luật sư Đạt, bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải), bà Nguyễn Thị
Loan (mẹ của Hải) đều khẳng định là Hải không làm đơn xin ân xá giảm án mà chỉ
có đơn kêu oan.
Cần kháng nghị hủy án để điều tra lại
TANDTC đã tuyên hủy sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt tội
“Giết người”, “Cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén để điều tra lại sau khi
VKSNDTC có kháng nghị cho rằng bản án tòa cấp sơ thẩm đã tuyên “chưa đủ căn cứ
vững chắc”.
Về mặt chứng cứ tang vật, ghi nhận hiện trường vụ án, có điểm
chung giữa vụ án Huỳnh Văn Nén và vụ án Hồ Duy Hải đều là vụ án không quả tang,
quá trình điều tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đã có nhiều
thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường…
Bên cạnh đó, các lời khai nhận tội ban đầu của Nén và của Hải không phù hợp với
hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi.
Điểm giống nhau giữa vụ án Hàn Đức Long và vụ án Hồ Duy Hải,
là “vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kết
án…”.
Hồ Duy Hải liên tục kêu oan ngay từ phiên xét xử sơ thẩm. Hồ
Duy Hải còn cho biết việc thú tội giết người là viết theo lời hướng dẫn của một
công an…
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao đều chấp nhận kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén, và vụ án Hàn
Đức Long.
Ở vụ án Hồ Duy Hải, những oan sai tương tự và các dấu hiệu
vi phạm tố tụng cũng được nêu cụ thể từ phía Ủy ban tư pháp của Quốc hội. Như vậy,
cần thiết nhanh chóng thực hiện kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.
Hồ Duy Hải bị oan sai đã quá rõ. Công lý cho Hồ Duy Hải và
công lý cho hai nạn nhân bị giết ở bưu cục Cầu Voi là một kêu gọi khẩn thiết…
Minh Tâm
quần áo tập thể hình nữ
Trả lờiXóa