Trận châu Khâm - châu Liêm
Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức mới 7 tuổi
lên thay, tức là vua Lý Nhân Tông. Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, được sự phò
tá của các đại thần Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành nên tình hình quốc gia vẫn khá
ổn định.
Tuy Tống cố gắng giữ bí mật, nhưng tình báo của Đại Việt vẫn
nắm được ý đồ của quân Tống. Đặc biệt, năm 1073, một tiến sỹ nhà Tống là Từ Bá
Tường vì không được trọng dụng nên đã thông báo với nhà Lý. Bởi thế Đại Việt đã
nắm được khá đầy đủ tình hình chuẩn bị chiến tranh của nhà Tống.
Lúc này số quân Tống đang tập hợp ở các căn cứ Ung, Khâm,
Liêm khoảng 10 vạn đang luyện tập, song chưa thể đánh ngay được vì số quân này
là quân Hoa Nam vừa mới tuyển. Nhà Tống sẽ rút 45 ngàn cấm binh thiện chiến ở
phương bắc để lập đạo quân chủ lực, thì việc đó làm chưa xong. Trước tình hình
đó, thái úy Đại Việt là Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng
đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó”.
Chủ trương thực hiện một chiến lược đánh đòn phủ đầu: Tiên
phát chế nhân. Ông quyết định mở trận tiến công quy mô sang đất Tống.
Đại Việt đã huy động 10 vạn quân sang đánh phá căn cứ châu
Ung của Tống, bao gồm cả lực lượng chính quy của triều đình lẫn quân của các thủ
lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc.
Đạo quân của triều đình ở phía Đông do đích thân Lý Thường
Kiệt chỉ huy, gồm cả thủy lục quân xuất phát từ vùng Móng Cái ngày nay tiến vào
đất Tống nhằm tới châu Khâm.
Còn đạo quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở phía Tây đặt
dưới sự chỉ huy của Tông Đản chia làm 4 mũi tiến vào đất Tống: Lưu Kỷ từ Quảng
Nguyên (Cao Bằng), Hoàng Kim Mãn từ Môn Châu (Đông Khê - Cao Bằng), Thân Cảnh
Phúc từ Quang Lang (Lạng Sơn) và Vi Thủ An từ Tô Mậu (Quảng Ninh) và nhắm tới
châu Ung. Đạo quân phía Tây sẽ "dương Tây" để đạo quân phía Đông bất
ngờ "kích Đông".
Phòng ngự châu Ung gồm hai phần, tổng số có 5.000 quân[4].
Giữ biên thuỳ Đại Việt và đóng quân trong thành: 2.000 quân đóng ở thành Ung,
3.000 chia đóng ở 5 trại tiếp giáp biên giới Đại Việt: Hoành Sơn, Thái Bình,
Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long[4]. Khâm Châu và Liêm Châu sát biển tiếp giáp Quảng
Ninh và Lạng Sơn ngày nay, đặt viên Phòng biên tuần sứ cai quản đoàn quân Đằng
Hải để hợp với quân của hai viên tuần kiểm, không quá 500 người, đóng ở hai trại:
Như Tích giáp biên thuỳ châu Vĩnh Anh và Để Trạo ở cửa sông Khâm Châu.
Ngày 27 tháng 10 năm 1075, Vi Thủ An dẫn 700 quân từ Tô Mậu
vào đánh Cổ Vạn, chiếm được trại Cổ Vạn. Tin tức đến tận ngày 21 tháng 12 mới tới
được triều đình nhà Tống. Tiếp theo, các mũi quân phía Tây lần lượt đánh chiếm
trại Vĩnh Bình, Thái Bình, các châu Tây Bình, châu Lộc, trại Hoành Sơn.
Quân Tống bị thu hút vào phía Tây, nên lơ là phía Đông. Đã
có người Khâm châu phát hiện và báo cho tướng giữ thành là Trần Vĩnh Thái nhưng
Thái không tin. Khi có tin đạo quân phía Đông của Đại Việt đến tập kích, Thái vẫn
thản nhiên bày tiệc uống rượu. Quân Tống đã không chống đỡ nổi. Ngày 30 tháng
12 năm 1075, châu Khâm bị chiếm, Trần Vĩnh Thái và các thủ hạ Văn Lương, Ngô
Phúc, Tưởng Cẩn, Tống Đạo đều bị bắt và bị giết. Quân Lý không phải giao phong một
trận nào, lấy hết của cải mang đi[15]. Người dân địa phương của Bắc Tống dù sau
này thương Thái bị giết mà lập đền thờ nhưng vẫn chê cười Thái là người ngu muội;
hễ thấy ai không thông tuệ thì gọi là Trần Thừa Chỉ (Thừa chỉ là hàm chức của
Vĩnh Thái).
Nghe tin Khâm châu thất thủ, quân Tống ở Liêm châu cố phòng
bị nhưng không chống nổi. Ngày 2 tháng 1 năm 1076, châu Liêm thất thủ. Chúa các
trại Như Tích và Để Trạo đều tử trận. Phía Tống bị bắt tới 8.000 tù binh dùng để
đưa đồ vật cướp được xuống thuyền sau cũng đem giết hết. Quan trấn thủ châu
Khâm là Lỗ Khánh Tôn và các thủ hạ Lương Sở, Chu Tông Thích, Ngô Tông Lập đều bị
giết.
Sau đó, Lý Thường Kiệt dẫn quân đến châu Ung cùng đạo quân
phía Tây quyết tâm hạ thành châu Ung. Lý Thường Kiệt kéo quân tiến sâu vào nội
địa. Phía Tống không còn quân cản đường quân Lý kéo đến thành Ung châu. Nhưng
Lý Thường Kiệt vẫn lo ngại dân Tống sẽ cản đường về của quân Lý, do đó nhằm phô
trương danh nghĩa cuộc bắc phạt, Lý Thường Kiệt viết Phạt Tống lộ bố văn và sai
yết ở dọc đường để kể tội nhà Tống.
Dân Tống thấy lời tuyên cáo đều vui mừng đồng tình, mang rượu
thịt ra khao quân Lý. Từ đó mỗi khi dân Tống thấy cờ hiệu Lý Thường Kiệt từ xa
đều nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam và cùng nhau bày án bái phục
trên đường. Do đó uy danh quân Lý lan rất xa...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét