Trong hội thảo về án lệ do Tòa án nhân dân (TAND) Tối
cao tổ chức tại Sài Gòn vào cuối năm 2014, ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác
quốc tế TAND Tối cao) nói:
“Không phải bây giờ chúng ta mới biết đến án lệ mà từ thời
nhà Nguyễn đã có. Đến năm 1921, khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, án lệ cũng
theo chân họ vào và xuất hiện tại các phiên xử của tòa án Việt Nam.
Đến năm 1965, án lệ không được dùng nữa. Cho đến những năm
2000 thì TAND Tối cao bắt đầu nghiên cứu về án lệ”.
Theo ông Cường, đến nay án lệ đã được ghi nhận trong các nghị
quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
“Việc cần thiết phải áp dụng án lệ là không phải bàn cãi vì
đó là xu thế chung của thế giới. Ngoài ra, dù có ban hành bao nhiêu bộ luật đi
nữa thì cũng không thể phủ khắp được diễn biến sinh động của xã hội. Hơn nữa, một
điều luật có thể hiểu nhiều cách khác nhau.
Án lệ giúp chúng ta hiểu thống nhất và dự đoán trước được kết
quả xét xử trong vụ tương tự, đồng thời hạn chế được việc kháng cáo, khiếu nại
giám đốc thẩm của đương sự” - ông Cường khẳng định.
Như vậy, nhìn từ “án lệ Huỳnh Văn Nén”, cho thấy Hồ Duy Hải
có dấu hiệu bị kết án oan sai.
Vụ án không vật chứng
Đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là
thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) bị xiết cổ chết.
Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm
giam Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, quê Cà Mau, trú tại thôn 2, Tân Minh, Hàm
Tân, Bình Thuận) vì nghi ông Nén là thủ phạm giết bà Bông.
Trong tù, Huỳnh Văn Nén khai nhận tội giết bà Bông để cướp
chiếc nhẫn 1 chỉ vàng.
Trong kháng nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề
nghị Tòa Hình sự TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần
tội danh và hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm về tội “Giết người”, “Cướp tài
sản” đối với Huỳnh Văn Nén; giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ
tục chung.
Theo VKSNDTC, đây là vụ án không quả tang; quá trình điều
tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đã có nhiều thiếu sót, vi phạm.
Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều
tra không thu giữ được số vật chứng như: sợi dây dù Nén khai dùng để siết cổ nạn
nhân (bà Lê Thị Bông), ổ khóa nhà bà Bông và 1 chỉ vàng 24K của bà Bông. Các sợi
dây thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sợi dây Nén dùng để siết
cổ bà Bông.
VKSND Tối cao nhận thấy các lời khai nhận tội ban đầu của
Nén không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi. Các lời khai
nhận tội sau mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của chị Phạm Thị Hồng
(con bà Bông) và một số nhân chứng.
Điển hình là cách thức thực hiện hành vi giết bà Bông. Ban đầu,
Nén khai dùng tay bóp cổ, lời khai sau Nén nói vòng dây từ phía sau siết cổ, có
lời khai lại bảo vòng dây qua cổ bà Bông rồi giật mạnh làm bà ngã ngửa, sau đó
mới dùng dây siết.
Vị trí giết bà Bông cũng không đồng nhất khi nhiều lời khai
Nén nói giết bà ở nhà dưới nhưng lời khai ban đầu lại nói ở nhà trên. Bị cáo
khai sau khi gây án không tắt đèn nhà bà Bông nhưng chị Hồng khai khi về nhà thấy
đèn tắt nên mới bật. Bị cáo khai không lục lọi đồ vật trong nhà bà Bông nhưng
khi chị Hồng về thì thấy trong nhà có sự xáo trộn ở một số vị trí.
Về diễn biến hành vi phạm tội, bản án sơ thẩm mô tả khi Nén
vào bếp thì thấy bà Bông đang ngủ trên giường nhà dưới, trong khi cáo trạng thể
hiện lúc Nén vào nhà thì bà Bông đang giũ giường ngủ...
Vụ án dàn dựng vật chứng
Trong vụ án Hồ Duy Hải, các tang vật đều được cơ quan công
an nhờ người mua ở chợ về, với lý do: thất lạc tang vật.
Tại các bản án sơ, phúc thẩm, cáo trạng và kết luận điều tra
quy kết Hải dùng con dao Thái Lan dài 28cm, ngang 3cm có tại bưu điện Cầu Voi
sát hại 2 nạn nhân. Nhưng công tác khám nghiệm hiện trường dù đầy đủ thành phần,
đông người chứng kiến lại xác nhận không hề có con dao nào.
Hôm sau khi dọn dẹp hiện trường, nhóm dân phòng địa phương
đã tìm thấy 1 con dao mới tại bưu điện. Con dao này chỉ được nhóm dân phòng
nhìn thấy; cho rằng không liên quan đến vụ án nên họ đã đem đốt con dao cùng với
những đồ vật khác tại hiện trường.
Sau đó khá lâu cơ quan điều tra yêu cầu ông Nguyễn Văn Thu
(hành nghề xe ôm, là tổ trưởng tổ dân phòng ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa)
ra chợ Thủ Thừa mua 1 con dao có đặc điểm giống với con dao mà ông và 1 số người
đã đốt.
Con dao này được ông Thu giao nộp cho điều tra viên công an
tỉnh Long An và cơ quan này “mặc nhiên” xem đây là hung khí mà Hồ Duy Hải đã
dùng để sát hại 2 nạn nhân.
Một vật chứng quan trọng khác là cái thớt gỗ; cơ quan tố tụng
cáo buộc Hải dùng đập đầu nạn nhân Hồng. Khi khám nghiệm hiện trường công an
ghi nhận, trên đầu nạn nhân có thớt gỗ nhưng không thu giữ do không có dấu vết
liên quan đến vụ án.
Thực tế trong vòng 3 tháng sau khi bị bắt (từ tháng 3 đến đầu
tháng 6/2008) Hải không hề khai dùng thớt gỗ đánh vào đầu nạn nhân Hồng; chỉ tới
biên bản hỏi cung ngày 11/6/2008 Hải mới khai báo về hung khí là cái thớt gỗ.
Ngày 24/6/2008, cơ quan điều tra yêu cầu chị Lê Thị Thu Hiếu
(là bạn của 2 nạn nhân Hồng và Vân, thường xuyên có mặt tại bưu điện Cầu Voi)
đi mua một cái thớt về, rồi cho rằng Hải đã dùng một cái thớt như vậy để tấn
công nạn nhân Hồng, khi gây án.
Qua bản ảnh, tư thế khi chết của nạn nhân Hồng ở trạng thái
như sau: Nằm ngửa, hai chân dạng rộng. Đầu quay hướng ra cửa. Hai tay dang
ngang cao quá vai, bàn tay ngửa - tư thế bị đè đến chết. Không có phản ứng
kháng cự. Trên cổ tay trái còn đeo một chiếc vòng.
Áo lót bị kéo ngược lên trên hai bầu vú, làm lộ hai núm vú.
Áo ngực không dính máu, không dấu tay – cho thấy nạn nhân bị kéo áo trước khi bị
cắt cổ. Vì nếu kéo áo sau khi cắt cổ thì máu sẽ chảy ra rất nhiều, loang xuống.
Áo ngoài bị cuộn hẳn lên trên áo lót, gần sát cổ, để lộ trần toàn bộ khuôn ngực
và lưng.
Trên mặt có các vết cắt do vật sắc bén tạo nên, nhiều chiều
(ngang, dọc, chéo …) – giống như vết cắt cố ý và mang tính chất “tra tấn”. Môi,
miệng bị xưng và bầm tím. Ngoài ra, tại Biên bản khám nghiệm tử thi (BL 56) và
Bản giám định pháp y (BL 60) đều ghi nhận “Có một số vết bầm máu làm da sậm màu
ở mặt trước đùi chân phải, mặt trước cẳng chân trái”.
Những vết thương phức tạp về hình dáng (vết cắt, vết sưng, bầm) này do cái gì gây ra
trong khi Cáo trạng chỉ ghi nhận Hải dùng thớt gỗ tròn đánh lên đầu, mặt của Hồng
và cắt cổ Hồng hai cái.
Hải không hề vén áo Hồng thì vì sao áo lại được cuộn lên quá
ngực?
Đã kháng nghị Huỳnh Văn Nén thì phải kháng nghị Hồ Duy Hải
Chỉ xét về mặt chứng cứ tang vật, ghi nhận hiện trường vụ
án, có điểm chung giữa vụ án Huỳnh Văn Nén và vụ án Hồ Duy Hải đều là vụ án
không quả tang, quá trình điều tra, xét xử về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”
đã có nhiều thiếu sót, vi phạm. Cụ thể, trong việc thu thập vật chứng, khám
nghiệm hiện trường…
Bên cạnh đó, các lời khai nhận tội ban đầu của Nén và của Hải
không phù hợp với hiện trường và biên bản khám nghiệm tử thi.
TANDTC đã tuyên hủy sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt tội
“Giết người”, “Cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén để điều tra lại sau khi
VKSNDTC có kháng nghị cho rằng bản án tòa cấp sơ thẩm đã tuyên “chưa đủ căn cứ
vững chắc”.
VKSNDTC cũng cần có kháng nghị tương tự đối với vụ án Hồ Duy
Hải. Và “án lệ Huỳnh Văn Nén” chưa phải là duy nhất…
Sài Gòn Báo sẽ có tiếp bài “án lệ Hàn Đức Long” để cho thấy
có đầy đủ căn cứ để kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.
Minh Tâm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét