Phần 1: Nỗi đau đứa con bị sát hại
Theo địa chỉ ghi trên “Giấy báo tử” và hướng dẫn của một người quen, chúng tôi tìm tới gia đình nạn nhân trong vụ án ở Bưu cục Cầu Voi - Thủ Thừa - Long An.
Địa chỉ ghi là khu phố, nhưng thật ra nó nằm sâu trong khu ruộng cách quốc lộ đến 3 cây số. Chúng tôi phải hỏi thăm nhiều mới tìm được đến nơi.
Vùng quê yên bình bị xáo động vì một việc dã man ngoài sức tưởng tượng của người dân, nên dù đã gần 8 năm nhưng nhiều người vẫn còn chưa quên.
Một ông già chỉ đường cho tôi:
- Chú đi khoảng 1 cây số, tới ngã ba, quẹo phải, đếm từ đó đúng 6 căn là nhà đó, có hàng cau kiểng trước mặt, Sáu M. tội nghiệp lắm...
Ngôi nhà xây gạch, nhưng không tô trát, bức tường đã loang lổ rêu xanh, chứng tỏ chủ nhân không còn muốn hoàn thiện nó. Có chừng 7, 8 người đang ngồi nhặt rau ở hàng hiên, nhưng cửa nhà vẫn đóng kín.
Anh Sáu M. chủ nhà rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi bước vào, anh khoác vội cái áo, mời chúng tôi ngồi xuống bộ bàn ghế đá trước nhà, rồi hỏi với vẻ đề phòng:
- Anh làm ở đâu, sao lại đến nhà tôi, có chuyện gì?
Khi nghe tôi trình bày muốn tới chỉ để thắp nén nhang cho con gái anh, chia sẻ sự mất mát của người cha, thì nét mặt anh dịu xuống, anh gọi:
- Em ơi, mở cửa cho hai anh chị vô thắp nhang cho con mình.
Căn nhà tuềnh toàng không có đồ đạc gì, ngoài bàn thờ ông bà kê chính giữa và một ban thờ bên cạnh có di ảnh người con gái, nét mặt khá xinh xắn.
Người mẹ đưa cho tôi ba nén nhang, tôi châm lửa cắm vào bát hương, thì thầm vài lời với cô bé hơn con gái tôi có 1 tuổi mà sớm lìa đời, bị sát hại một cách dã man.
Người mẹ cầm cái phong bì tôi đặt lên, nhét lại vào túi áo tôi, nghẹn ngào:
- Chú đừng làm thế, chú đến chia sẻ vơi tôi là tôi cám ơn lắm rồi.
Chị khóc:
- Gần 8 năm rồi mà tôi vẫn chưa nguôi. Con ơi....
Người cha cũng trạc tuổi tôi, nét mặt thanh thoát, khá đẹp nhưng tiều tuỵ, tóc bạc trắng. Anh mời tôi hút thuốc, nói chuyện về công việc nhà nông vất vả, anh phải bươn chải ra sao để nuôi gia đình, một vợ bốn con, anh cười buồn:
- Bây giờ cái gì cũng cần tiền, học hành cũng vậy, mình phải mua chữ cho con đó anh. Chắc anh cũng trạc tuổi tôi, ngày xưa anh ở ngoài Bắc thế nào tôi không biết, chứ chúng tôi trong này đi học buổi trưa còn được suất bánh mỳ và sữa.
Đột nhiên anh bật khóc:
- Đôi khi tôi muốn huỷ mình, để huỷ luôn nỗi đau và niềm nhớ. Nhưng còn ba đứa em nó anh ơi. Một đứa tật nguyền, hai đứa nhỏ còn đang đi học.
Tôi im lặng, một lát sau dịu lại anh kể cho tôi nghe về cái ngày kinh khủng ấy, cái cảm giác mất đứa con đầu lòng mà anh cưng nhất, suốt bao năm qua anh phải gồng mình để sống: “Vẫn phải sống mà anh, nhưng mất cái vô giá của mình, sống tiếp nặng nề lắm”.
Người mẹ định kể về con mình, nhưng mới nhắc đến tên con chị đã nghẹn ngào, nước mắt ròng ròng, không nói lên lời.
Khi tôi hỏi anh nghĩ gì về việc Hồ Duy Hải, người bị coi là thủ phạm, đã bị tuyên án, nhưng có dấu hiệu oan sai. Anh nói không nghĩ gì, mọi việc để pháp luật, anh chỉ mong đúng kẻ thủ phạm phải đền tội để con và cháu anh đỡ oan ức.
Chúng tôi xin phép ra về, lòng nặng trĩu. Anh chị tiễn ra tận cổng, chỉ cho tôi con đường tắt về Tân An, hẹn tôi ngày quay lại. Tôi không dám hứa vì không chắc mình đủ can đảm quay lại.
Cái xã hội quái gở gì vậy? Cái ác vô luân, man rợ hoành hành, nạn nhân lại là những người nông dân chân chất...
Và chúng tôi quyết định tìm đến nhà của Hồ Duy Hải...
Ngô Nhật Đăng
+ Ảnh: Con đường vào nhà anh Sáu M.
(Đón đọc bài 2, ghi nhận lời của em gái Hồ Duy Hải về người thanh niên bí ẩn tên NTN là ai)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét