Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Hòa giải với ai - Hòa hợp cái gì?

Bài 1: Tượng đài hận thù được nuôi dưỡng

Đảng Cộng sản Việt Nam có thật lòng muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc không hay chỉ nói một đàng làm một nẻo nên chia rẽ và hận thù đã chống chất sau 40 năm kết thúc chiến tranh ?

Câu hỏi này không mới mà đã được lập đi lập lại vào mỗi dịp 30 tháng 4 về.

Chỉ mới... hô khẩu hiệu

Trước hết, hãy nghe Nhà nghiên cứu 95 tuổi Nguyễn Đình Đầu, nguyên Phụ tá Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền trong chính phủ 2 ngày của Tổng thống sau cùng Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chia sẻ:

“Tôi thấy về vấn đề đoàn kết dân tộc bằng văn hóa chúng ta mới có những chỉ thị. Còn nền văn hóa của Việt Nam mang bản sắc như thế nào thì chưa làm sáng rõ ra được.

Vì thế, chúng ta cần phải giáo dục, xây dựng không chỉ con người khoa học, con người kinh tế mà cả con người văn hóa nữa. Dù mỗi người có một đường hướng, khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng mẫu số chung là, đều vì tương lai của đất nước Việt Nam.

Có như thế, người Việt Nam mới luôn giữ được bản sắc riêng của mình trong thời đại mới. Bản sắc ấy chính là tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc.

Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam hôm nay cần phải coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện.” (phỏng vấn của báo Thể Thao-Văn hóa, 13/04/2015)

Chuyện “mới có những chỉ thị” trong hành động “đoàn kết dân tộc” của đảng CSVN đã nói nói lên điều gì từ một nhân chứng lịch sử của ngày 30/4/1975?

Sao lại tiếp tục nuôi dưỡng hận thù?

Cụ Nguyễn Đình Đầu đã chứng minh nội dung trong khoản 1 của Điều 60 Hiến pháp 2013 chỉ nói mà không hành. Điều này viết: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Nếu có “văn hoá tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc” thì tại sao vẫn còn nuôi dưỡng hận thù đối với 74 chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa, những con dân nước Việt đã hy sinh trong trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lược quần đào Hoàng Sa năm 1974?

Dòng máu đỏ của những người da vàng Việt Nam Cộng hòa có khác với những dòng máu của 64 Bộ đội CSVN hy sinh trong trận chiến Trường Sa chống quần Tầu xâm lược năm 1988 không?

Nếu không khác thì tại sao chỉ dựng Tượng đài kỷ niệm 64 người của quân đội CSVN tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ngày 14/03/2015, đúng vào ngày này 27 năm trước họ bị quân Tầu hạ sát dã man tại trận chiến đá Gạc Ma, mà không được nổ súng theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Lê Đức Anh?.

Đại tướng Lê Đức đã bị nhiều Sỹ quan quân đội Nhân dân, kể cả Thiếu tướng nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, Nguyễn Trọng Vĩnh, cáo buộc là người thân Trung Cộng.

Tướng Anh cũng đã lén lút qua mặt Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại giao để sắp đặt với các Đặc sứ của Bắc Kinh tổ chức chuyến đi bí mật đến Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) năm 1990 của phái đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng.

Mục đích chuyến đi là để tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng phải thỏa mãn điều kiện của Trung Quốc đòi Việt Nam rút quân đội Việt Nam khỏi chiến trường Campuchia và không được nhắc đến cuộc chiến xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam năm 1979 của 600.000 quân Trung Cộng.

Đến nay, 25 năm sau, những thỏa hiệp bí mật Thành Đô giữa Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân vẫn bị phong tỏa.

Phạm Trần



1 nhận xét: