Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Bắc Việt xâm lược…

“Sinh Bắc tử Nam” là cụm từ được rất nhiều gia đình miền Bắc chua chát nhắc lại trong “đại giỗ 30.4”…



Nói đến động từ xâm lược, giặc phương Bắc là đối tượng đầu tiên tôi nghĩ đến (1000 đô hộ Bắc thuộc, giặc Tàu). Sau đó là những bài học lịch sử ở trường với những cụm từ như bọn xâm lược thực dân Pháp, đế quốc Mỹ….

Hiểu một cách đơn giản, xâm lược là xâm chiếm lãnh thổ, cướp đoạt chủ quyền của nước khác bằng vũ lực hoặc bằng các thủ đoạn chính trị, kinh tế. Nếu thật như thế thì miền Bắc Việt Nam cũng đã từng đi xâm lược và họ đang chuẩn bị ăn mừng 40 năm thành công của sự xâm lược đó. Một đất nước, một lãnh thổ mà người dân đang sống trong bình yên, trẻ thơ đang đi học… bỗng dưng một ngày “bội tín”, tiếng pháo, khói lửa xảy ra… để rồi tự biện minh đó là giải phóng…

Là thế hệ sinh ra và lớn lên trong đất nước lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh làm vốn quý, làm tấm gương noi theo, ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe ra rả những bài giảng lịch sử của thầy cô về tội ác của giặc Pháp, của đế quốc Mỹ rồi bọn bán nước này nọ…. Lúc bé, 30 tháng 4, ừ thì biết là lễ đó nhưng thôi ai mà thèm… quan tâm, chỉ biết tới ngày đó được nghỉ thế là… khoái…

Lên đại học, hy vọng sẽ được học, được ủng hộ tìm hiểu sự thật của lịch sử. Nhưng không, vẫn y thế. Tôi nhớ, thầy có giảng, văn học đô thị miền Nam có nhiều cái hay, tuy nhiên, không được dạy và phổ biến với sinh viên. Lên tới năm ba, tôi đề xuất một đề tài mà nhiều người cho rằng khá nhạy cảm. Đó là nghiên cứu về văn học đô thị miền Nam thời kỳ 1955-1985. Vấp phải nhiều ý kiến của giáo sư trong khoa, người thì ủng hộ nhưng do không dạy mảng đó, không muốn “đụng chạm” nên từ chối làm giáo viên hướng dẫn; người thì cho rằng đề tài đó ông Lê Đình Kỵ, ông Trần Trọng Đăng Đàn đã làm khá nhiều nên kêu tôi… từ bỏ đi thôi. Đặc biệt nhất, thầy trưởng khoa cũng từ chối với lý do… “nhạy cảm”. Bước sang năm cuối, tôi được học với một giảng viên trẻ (trước tôi mấy khóa), cô cho rằng văn học miền Nam là một kho tàng nhưng chưa nhiều người khai thác. Tôi viết mail cho cô, thể hiện niềm say mê của tôi, bày tỏ nguyện vọng muốn được thảo luận, trao đổi cũng như học từ cô nhiều điều từ mảng này. Chờ mãi, cho đến tận bây giờ, cái mail đó cô không hồi âm (dù những cái mail khác, nội dung khác, cô đều trả lời).

Thôi thì không ai chỉ, mình tự tìm hiểu. Thông qua mạng Internet, một số tài liệu còn sót lại ở trong nước, tôi dần dần nhận ra nhiều điều mà trước đây chưa bao giờ… học qua thầy cô hay sách vở.

Nhớ khi trước, “người ta” hay ca -  tụng 30.4 là ngày lễ giải phóng đất nước. Giải phóng ai khi hiệp định Paris 1973 được ký, toàn bộ quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam?

Không ít bạn trẻ (trong đó có không nhỏ là dư luận viên) ca ngợi cuộc chiến “thần thánh”; ai nói ngược lại với ý của họ thì bị gán ghép cho những từ không mấy hay ho như phản động, bọn bu càng…. Họ còn bảo cứ ngồi đó mà căm tức, oán hờn đi. Với những tư tưởng như thế, nếu người miền Nam có thể cố gắng quên, cố gắng hòa hợp – hòa giải, song có lẽ, cũng không thể. Ở đây, tôi không nói theo cảm tính, tôi chỉ nói theo sự thật của lịch sử.

Điều 15 trong hiệp định Paris (ký năm 1973) cũng ghi rõ: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Trong khi chờ đợi thống nhất:

a) Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ, như quy định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954.

b) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời.

c) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lặp lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề sẽ được thương lượng, có vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời.

d) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam quy định”.

Điều đó có nghĩa là gì? Đơn giản, hiện rõ ra đó, nếu muốn cái gọi là thống nhất đất nước thì phải có sự chấp thuận của hai phía, và sự chấp thuận đó không thể dùng vũ lực…

Người Việt Nam luôn trọng chữ tín “nhân – nghĩa – lễ - trí – tín”. Tuy nhiên, với hành động đi ngược lại những gì đã ký trong hiệp định Paris, một lần bất tín thì sau này vạn lần bất tin là lẽ đương nhiên…

Vậy phải chăng, đây là cuộc chiến đúng bản chất chính nghĩa? Hay là một cuộc xâm lược xuống miền Nam Việt Nam? Cuộc xâm lược này, cay đắng hơn so với nước ngoài xâm lược vào Việt Nam, do nó được gây ra bởi chính anh em trong nhà….

“Sinh Bắc tử Nam” là cụm từ được rất nhiều gia đình miền Bắc chua chát nhắc lại trong “đại giỗ 30.4”…


Minh Trí

2 nhận xét: