Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Đời có tên tụi mình…

Những mặc cảm về quá khứ tội lỗi luôn đeo bám, ám ảnh họ cả khi họ đã hoàn lương. Song không vì thế mà họ cam phận buông xuôi. Họ đã xốc dậy làm lại cuộc đời.

“Ra tù anh sẽ cưới em!”

Một ngày đầu đông 1981, Hương nhìn thấy cảnh một đứa bé móc túi dễ như không. Hương quyết định không bán hàng nữa mà đi móc túi để sống. Với bản lĩnh lì lợm Hương đã lang thang khắp các đường phố bến xe, bến phà, bến tàu để móc túi.

Nhiều người ở Tam Bạc, Niệm Nghĩa, Phà Bính... đã quen với cái tên nổi tiếng này trong giới móc túi của đất Cảng Hải Phòng lúc bấy giờ. Dần dần Hương thâu tóm tất cả công việc ở các bến xe, bến tàu, bến phà. Khi đã thành thạo, Hương không đi làm nữa mà để cho đàn em của mình hành nghề.

Hương kể: “Đầu những năm 80 mình sống như vua, hàng ngày mấy chục đàn em đưa về cho mình 1,2 cây vàng”. Nhưng rồi “già néo đứt dây” những hành động tội lỗi của Hương cũng bị trừng trị trước pháp luật.

Minh trước kia là một học trò thông minh nhưng rất bướng bỉnh. Một lần Minh bị bạn rủ đi cướp. Vì đã theo nên Minh không thể rời ra được khỏi băng cướp ấy. Từ một thanh niên ngoan hiền, Minh đã trở thành tướng cướp trên thành phố Cảng, Minh và đồng bọn thường chọn đêm khuya đứng ở các bến tàu phà để ra tay.

Suốt mấy năm làm cướp, Minh vẫn không bị sa lưới pháp luật vì rất tinh vi, xảo quyệt. Trong một lần đi cướp, Minh đã vấp phải băng nhóm của Hương. Đàn em dẫn Minh về chỗ Hương. Thế là hai người đem lòng yêu nhau. Nhưng rồi một ngày cả Minh và Hương đều vào tù. Họ hẹn ngày ra tù sẽ xây dựng hạnh phúc gia đình.  Hương nhớ lại lời của Minh ngày Hương bị bắt: “Vào tù em gắng lao động tu dưỡng. Chờ ngày ra tù anh sẽ cưới em”.

Anh Minh tâm sự: “Ngồi trong tù ngày nào Minh cũng suy nghĩ về những hành động đáng hổ thẹn của mình. Minh quyết ngày ra tù sẽ cố gắng lao động để có tiền cưới Hương và không quay lại con đường cũ nữa”. Còn Hương thì đau đớn dằn vặn. Chẳng lẽ một người phụ nữ như mình mãi là “vua móc túi” hay sao? Hương quyết tâm đổi đời để trở về cuộc sống lương thiện. Chị cố gắng học hỏi, tu dưỡng trong tù. Chỉ hơn một năm chị đã học được nghề may và thêu thùa.

Ngày được trả tự do, Hương đã tìm đến một hiệu may ven đường để làm thuê. Nhiều người dân ở Hàng Kênh, không sao quên được hình ảnh một cô thợ may giỏi giang khéo léo đã may hàng trăm bộ quần áo cho nhân dân khu phố. Một năm sau Minh cũng ra tù, theo đúng lời hẹn đi tìm Hương. Tình yêu chờ đợi mấy năm nay đã được chắp cánh trở lại. Chị mở cái hiệu may nhỏ trong xóm, còn anh đi đạp xích lô. Rồi hai vợ chồng sau 3 năm chung sống sinh được một trai, một gái.

Cuộc sống của họ những năm ấy rất khó khăn vì chị phải nghỉ hàng để trông con, chỉ có anh là lao động chính nuôi 4 miệng ăn. Đã nhiều ngày đi đạp xích lô không kiếm đủ rau gạo để nuôi vợ con, anh đã có ý định quay trở lại với con đường cũ của mình. Nhưng rồi chị đã phát hiện và can ngăn kịp thời: “Có đêm tôi nghe thấy tiếng gọi của một ai. Anh Minh vùng dậy mặc quần áo mở cửa đi. Nhưng lúc ấy tôi ôm con nhỏ quỳ gối xin anh vì nếu anh gây tội vào tù thì tôi và các con biết nương nhờ vào ai. Nhìn tôi và các con òa khóc, bước chân anh run run dừng lại không đi nữa”.

Khi các con đã lớn, anh chị vay mượn anh em bè bạn ít vốn mở cửa hàng may ở ngoài phố. Cửa hàng đông khách đến nỗi chị may không xuể. Để chồng đỡ phải đi đạp xích lô vất vả, chị dạy anh nghề may. Mấy tháng sau anh Minh cũng chẳng thua kém gì vợ.

Anh chị nhận được đơn đặt hàng gia công may cả ngày cả đêm không hết. Sau một năm anh chị đã trả được toàn bộ tiền vay và sau 3 năm đã mua được thêm 20 chiếc máy và tạo việc làm đều đặn cho 20 người. Hàng ngày, chị ở nhà cai quản xưởng may còn anh tất bật khắp phố để nhận và giao hàng. Sau đó, anh chị mua thêm 15 chiếc máy dệt để làm hàng xuất khẩu…

“Tên tui đã được viết lại…”

Chị bảo bây giờ “tên tui đã được tui viết lại, đời tui đã thay đổi rồi!”. Học hết lớp 10, chị phải ở nhà, phần vì gia đình quá khó khăn, phần để “giải quyết” cái bào thai - hậu quả của một cuộc tình vụng trộm, nhưng không được “chủ nhân” thừa nhận.

Sau nhiều năm nằm liệt giường, mẹ chị qua đời, để lại cho chị một món nợ khổng lồ - hậu quả của nhiều năm vay mượn để thuốc thang. Trắng tay, không nghề nghiệp, một ngày mưa, tay ôm gói hành lý, tay ôm đứa con dại, chị lên thành phố tìm việc nuôi con và trả nợ.

Ở thành phố, do không đủ bản lĩnh để cưỡng lại những cám dỗ, chị đã bước chân vào con đường mà xã hội khinh rẻ - bán bia ôm. Có một điều lạ, làm gì thì làm, dù có đánh chết chị cũng không chịu “nhảy chúi” (ngủ với khách).

Chị giải thích: “Không nhảy chúi là bởi tui sợ bị công an bắt, sợ bị lên tivi, sợ bị đưa đi trại phục hồi nhân phẩm, rồi con tui không ai nuôi, chứ chẳng phải bảo vệ trinh tiết gì”. Một lần, vì bị thúc ép nên chị đã... đập một chai bia để cự lại tên bảo kê. Trong lúc hai bên chuẩn bị xông vào nhau thì một người đàn ông tên là Đoàn Đình T., cũng là bảo kê trong quán, đã can thiệp kịp thời. Từ cuộc gặp gỡ ấy, anh chị đã nên duyên chồng vợ.

Anh T. người gốc thành phố, nguyên là cầu thủ của đội bóng đá tận cố đô. Anh đẹp trai và hiền lành so với bề ngoài “phong trần” của chị. Anh lý giải về việc mình lấy vợ: “Lần đầu tiên trong đời, tui thấy một gái bia ôm dù chết cũng không chịu nhảy chúi. Tui thấy hay hay và quyết... lấy làm vợ cho bằng được”.

Khi bé trai đầu lòng của anh chị ra đời. Quá túng quẫn, lại thêm không chịu được tiếng ra tiếng vào, anh chị bồng con “trốn chạy” vào tận huyện Giằng (Quảng Nam) để kiếm sống. Chị thở dài: “Nói trắng ra là vợ chồng tui làm lâm tặc, là phá rừng”.Một hôm, trên đường đi khai thác gỗ, chị gặp một người dân tộc thiểu số. Ông ta hỏi chị có biết chữ không, chị nói có. Ông ta lại hỏi thế có thấy tấm bảng ở đằng kia không? Chị quay lại nhìn tấm biển có dòng chữ cấm chặt phá rừng, tự nhiên nước mắt chảy dài. Sẵn dành dụm được 4 chỉ vàng, hai vợ chồng chị quyết thôi không làm “lâm tặc” nữa. Họ lại khăn gói về Hương Vân. Với 4 chỉ vàng, chị đầu tư buôn bán thực phẩm. Bỏ vốn ra chưa kịp thu lãi thì... trận lũ năm dữ năm đó đã cuốn sạch không còn một manh chiếu. Gia đình chị lại tay trắng.

Vợ chồng chị làm cả xã Hương Vân xôn xao khi dắt nhau đến Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bồ, chính quyền xã Hương Vân để xin khai hoang 4 ha đất ở vùng núi Khe Bội làm... trang trại. Vợ chồng chị trước khi lên đây đã xác định với nhau rồi, phải chịu đói, chịu khổ ít nhất là 3 năm đầu, sau đó mới tính đến chuyện thu đồng vô, đồng ra.

“Hôm nay, tên tui đã được tui viết lại, đời tui đã thay đổi rồi. Tui muốn đời tui như tấm gương để những phụ nữ không may khác có thể noi theo... Tôi là Nguyễn Thị Uyên Thùy, Khe Bội, Hương Vân, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế”, chị tự tin cho biết như vậy.


Cao Trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét