Trận Ung Châu
Quân Lý vây thành
Ngày 10 tháng 12, Tông Đản kéo đến Ung Châu. Cánh quân chiếm
được Khâm Châu tiến lên Ung Châu. Cánh chiếm được Liêm Châu tiến sang miền Đông
Bắc chiếm châu Bạch.
Nửa tháng sau Ty kinh lược Quảng Tây mới hay tin về cuộc tấn
công này để thông báo về triều. Vua tôi nhà Tống hết sức bối rối. Rồi nhiều nơi
khác bị mất lại được cáo cấp về, nhà Tống càng hoang mang, sau đó có lệnh của Tống
Thần Tông cho Quảng Châu, Quảng Tây phải cố thủ ở các nơi hiểm yếu nhất, vận
chuyển tiền, vải, lương thực để khỏi lọt vào tay quân Lý, cách chức Lưu Di, cử
Thạch Giám thay coi Quế Châu và đưa viện binh tới các thị trấn đang bị uy hiếp.
Ngày 18 tháng 1 năm 1076, đạo quân của Lý Thường Kiệt cũng tới
thành Ung. Mấy vạn quân của Lý Thường Kiệt, Lưu Kỷ và các tù trưởng khác vây
thành Ung vài vòng kín như bưng. Tướng giữ thành là Tô Giám thấy thế quân Đại
Việt mạnh nên đã áp dụng triệt để chính sách cố thủ để chờ viện quân, tính chỉ
hai tuần lễ có thể đến nơi. Tô Giám ban đầu tin rằng Ung Châu cách Quế Châu chỉ
có 14 ngày đường, nên viện binh thế nào cũng sẽ đến kịp cho nên đóng cửa thành
cố thủ. Kiểm điểm binh lương, trong thành Ung lúc ấy chỉ có 2.800 quân. Dân
thành Ung tất cả được gần 6 vạn người bấy giờ sợ hãi đạp nhau mà chạy. Ông đem
hết công nhu (tiền công) phát hết cho dân khích lệ mọi người vững lòng, kiên
trí. Kẻ nào bỏ trốn phải tội theo quân lệnh (Địch Tích là một bộ hạ dưới trướng
của Tô Giám bị chém trong trường hợp này). Ông còn phao tin viện binh không còn
xa thành là bao nhiêu.
Trước đó con Tô Giám là Tử Nguyên làm quan ở Quế Châu đem
gia đình đến thăm cha, lúc sắp trở về thì thành Ung bị vây, Tô Giám lại bắt Tử
Nguyên để vợ con ở lại chỉ được về Quế Châu một mình, vì sợ nếu để người nhà đi
đông thì nhân dân cũng bỏ trốn hết.
Viện binh Quế Châu
Lúc này Lưu Di giữ Quế Châu nghe tin thành Ung bị nguy liền
phái Trương Thủ Tiết đem quân đi cứu. Thủ Tiết nghe tin quân Lý đông và mạnh,
không dám tiến thẳng đến Ung châu, đi vòng theo đường Quý Châu tới Tân Châu rồi
hạ trại ở Khang Hòa nghe ngóng.
Ung Châu bị vây gấp quá, Tô Giám cho người mang lạp thư -
thư viết vào giấy rồi bọc trong nến - mà ngậm vào miệng phá vòng vây ra báo cho
Tống Cầu ở Quế Châu. Tống Cầu giục Trương Thủ Tiết đi gấp. Tiết bất đắc dĩ kéo
quân đi, đến núi Hỏa Giáp[20] rồi ra giữ ải Côn Lôn giữa châu Tân và châu Ung,
cách Ung 40 km.
Lý Thường Kiệt biết tin viện binh Tống đến, bèn cho quân đón
đánh. Ngày 4 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 11 tháng 2 năm 1076, quân Lý kéo thẳng
đến ải Côn Lôn, quân Tống hốt hoảng bỏ chạy. Trương Thủ Tiết, Nguyên Dụ, Trương
Biện, Hứa Dự, Vương Trấn là các chỉ huy của lực lượng viện binh nhà Tống đều bị
giết tại trận. Nhiều quân sĩ Tống đầu hàng quân Lý.
Quân Lý hạ thành
Thành Ung châu vững chắc, chính Vương An Thạch tin rằng quân
Lý sẽ không phá nổi. Để công phá Ung Châu, mấy vạn quân Lý bắc thang mây để leo
thành. Quân Tống dùng đuốc mà đốt nên không thể bắc gần được. Lý Thường Kiệt lại
dùng tên độc mà bắn, người ngựa trên thành chết nằm gối lên nhau. Quân Tống
dùng thần tư (một loại nỏ) ra bắn. Thành cao và chắc, quân Lý đánh phá hơn 40
ngày không hạ được. Có tù bình bên Tống hiến kế với Lý Thường Kiệt dùng phép thổ
công, tức là chèo qua bao đất vào thành. Quân Đại Việt liền lấy túi cho đất
vào, cứ thế đắp vào chân thành. Khi các bao đất cao lên, quân Lý theo đó mà leo
lên mặt thành. Lý Thường Kiệt theo đó mà tiến đánh.
Ngày 1 tháng 3 năm 1076, sau 42 ngày kiên cường kháng cự,
thành Ung thất thủ. Tô Giám cố gắng đốc thúc cùng bọn tàn quân chiến đấu đến phút
cuối cùng. Khi đã kiệt sức ông cho 36 thân nhân tự sát rồi tự thiêu mà chết. Trận
này quân Lý bị thiệt hại 15.000 quân, cùng một số voi chiến.
Đại Việt rút quân
Lấy xong Ung châu, Lý Thường Kiệt kéo quân lên phía bắc, tỏ
ý muốn đánh tiếp Tân châu. Tướng giữ Tân châu nhà Tống là Cổ Cắn Lặc nghe tin,
sợ hãi bỏ thành chạy.
Lý Thường Kiệt ra lệnh tiêu hủy thành lũy, phá kho tàng dự
trữ trong vùng Tả Giang và lấy đá lấp sông chặn đường cứu viện của quân Tống.
Liệu chừng đại quân Tống từ phương bắc sắp kéo xuống, nếu tiến
gấp có thể qua vùng khê động đánh vào châu Quảng Nguyên của Đại Việt, mà quân
Lý công phá thành Ung châu hơn 1 tháng đã mệt mỏi, Lý Thường Kiệt quyết định
thu quân trở về Đại Việt để lo bố phòng. Tháng 3 năm 1076, quân Lý rút khỏi Ung
châu.
xe điện bánh to cao cấp
Trả lờiXóa