SGB: Hôm nay 2-4, khoảng 84.000 công nhân công ty PouYuen Việt
Nam (quận Bình Tân) đã quay trở lại làm việc sau 6 ngày ngừng việc liên tiếp.
Tuy nhiên, trong ngày 2-4, công nhân ở một số doanh nghiệp
khu công nghiệp Tân Hương, tỉnh Tiền Giang đến công ty nhưng không làm việc, và
biểu thị việc phản đối luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hôm 1-4, người lao động ở khu công nghiệp Đức Hòa, tỉnh Long
An cũng đình công phản đối luật BHXH.
Công nhân có ý kiến cho rằng, họ không thể làm việc đến tuổi
nghỉ hưu. Nếu họ “nghỉ ngang” và phải đợi đến khi 55- 60 tuổi mới lãnh trợ cấp
BHXH một lần thì sẽ phải chờ đợi kéo dài.
Trong khi đó, đời sống công nhân còn khó khăn, có nhiều nhu
cầu cấp thiết cần giải quyết. Đồng thời, công nhân cho rằng, họ đóng BHXH hằng
tháng và có quyền quyết định sử dụng số tiền đó theo nhu cầu của mình.
Trước sức ép của đình công biểu tình kéo dài với số lượng
người tham dự lên đến con số gần trăm ngàn, chiều 1-4, văn phòng chính phủ tổ
chức họp báo cho biết sẽ đề nghị quốc hội sửa điều luật 60 BHXH để công nhân được
chọn lựa giải quyết hưởng BHXH một lần như hiện nay.
Tuy nhiên về phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và bộ
LĐ-TB-XH lại cho rằng điều luật 60 BHXH là một tiến bộ. Sở dĩ chính phủ nhượng
bộ là do sức ép của đám đông biểu tình.
Thứ trưởng bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, tiếp tục cho rằng: “Lợi
ích đầu tiên nhằm khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng BHXH để
có thể hưởng lương hưu hằng tháng khi về già, hết tuổi lao động thay vì nhận
BHXH một lần.
Mặt khác, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm
dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp,
được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Đồng thời, khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện
đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng
lương hưu, bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bệnh tật”.
Ông Đặng Quang Điều, trưởng ban chính sách pháp luật Tổng
liên đoàn Lao động VN, cho biết sự việc người lao động đình công ở TP.HCM vừa
qua là do cách thức tuyên truyền chưa làm người lao động hiểu hết các quy định.
“Với luật BHXH 2014 có những điểm mới, đặc biệt là việc khi
người lao động không hưởng trợ cấp một lần sẽ có những lợi ích gì. Đây là nội
dung phải phổ biến thấu đáo để người lao động hiểu hết. Tôi tin khi được phổ biến
cặn kẽ, người lao động hiểu được giá trị của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm,
khi đó họ sẽ đồng thuận”. Ông Điều nói.
Đại diện chính quyền TP.HCM, phó chủ tịch Tất Thành Cang
không đồng ý để cho Tổng liên đoàn Lao động VN thực hiện phổ biến luật BHXH tại
TP.HCM.
“Trước mắt TP sẽ tạm dừng tuyên truyền luật BHXH mới, chờ có
thông tư, hướng dẫn đầy đủ của BHXH.
Chính sách BHXH hiện nay vẫn đang có hiệu lực, chưa có gì
thay đổi. TP sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến người lao động để báo cáo Chính phủ và
các cơ quan liên quan”. Ông Tất Thành Cang, nhấn mạnh.
Đại diện chính quyền TP nhìn nhận yêu cầu sau đây của người
lao động là chính đáng, và điều này cần được quy định rõ ràng bằng luật định:
“Sự quyết định chọn lựa hưởng trợ cấp một lần là quyền của
người lao động tham gia BHXH.
Vì như người mua hàng có quyền chọn lựa món hàng, kiểu, cỡ
nào phù hợp với nhu cầu của họ vì họ là người bỏ tiền ra mua.
Ngành BHXH không được quyền áp đặt bắt buộc chế độ bảo lưu cộng
dồn BHXH đến tuổi hưu như vậy, phải để ngõ cả hai phương án hưởng trợ cấp một lần
và bảo lưu cộng dồn đến tuổi hưu cho người lao động ĐƯỢC QUYỀN LỰA CHỌN khi ký
hợp đồng tham gia BHXH.
Không lẽ nghỉ việc vì mang bệnh nặng cần tiền để chữa bệnh mà
không lấy được tiền BHXH rồi nằm đó chờ chết để gia đình được trợ cấp tiền mai
táng và tiền tuất?”.
Nói thêm, ở giai đoạn dự thảo, luật BHXH nhận được nhiều phản
biện về việc người lao động gặp rất nhiều bất lợi khi dự luật được thông qua –
trong đó có cả nội dung của điều 60 BHXH.
Tuy nhiên Quốc hội vẫn thông qua. Trên thực tế, không chỉ điều
60 BHXH, mà còn một số điều khoản nữa.
Có thể nói là tính kiểu gì người nghỉ hưu sau ngày 1-1-2018
và lao động nữ nghỉ hưu cũng bị thiệt.
Đơn cử, Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng:
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày
01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện
quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương
tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15
năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam
và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của
người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng
45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của
Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là
17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a
và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện
quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì
mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước
tuổi.
4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng
lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm
xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15
năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo
hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này.
Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi
năm đóng tính thêm 2%.
5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động
tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại
Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại
điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.
Nguyễn Gia Định
+ Công nhân đình công tại khu công nghiệp Tân Hương, ngày
2-4. Ảnh: Nguyễn Thiện Nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét