SGB: Từ khi quyền đình công chính thức hiện diện trong Bộ Luật
Lao động năm 1994, công bố của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết:
Theo quy định, đình công phải do ban chấp hành Công đoàn cơ sở lãnh đạo. Song
thời gian qua, Công đoàn chưa tổ chức và lãnh đạo một cuộc đình công nào.
Cho đến nay, hiếm có cuộc đình công nào theo đúng trình tự
quy định của pháp luật, mặc dù 70% trong số đó xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ
chức Công đoàn.
Do những quy định của luật còn nhiêu khê, khiến việc thực hiện
đúng trở nên bất khả thi, dẫn đến hiện tượng đình công bất hợp pháp. Một khi các cuộc đình công vẫn diễn ra, khiến người ta không
thể yên tâm với cụm từ “hợp pháp” và buộc phải đặt ra câu hỏi: pháp luật bảo đảm
quyền đình công hay sinh ra để cấm đình công?
Khi luật đình công quá khắt khe, một nguy cơ lớn hơn là người
ta sẽ không thực hiện đình công, lãn công bằng hành vi, mà âm thầm “đình công”
trong tư tưởng, gây hiệu ứng tích tụ bức xúc và hậu quả có thể dẫn đến quá
khích, vô tổ chức, từ đó gây bất ổn. Quan hệ lao động là quan hệ thể hiện sự bất bình đẳng rõ rệt
mà kẻ yếu thế hơn chính là tầng lớp thợ thuyền. Người yếu thế thì được bảo vệ,
vì vậy, quyền đình công là đặc quyền của người lao động.
Thế nhưng sẽ là sai lầm nếu luật pháp và thực tiễn đẩy cái
quyền này thành một hoạt động mang nặng tính đối đầu gay gắt. Trong bối cảnh hiện nay, khi lợi ích đan xen thì tình trạng
“giậu đổ bìm leo” là điều ai cũng biết: doanh nghiệp ngừng hoạt động thì giới
chủ thiệt hại và người làm công cũng lao đao.
Người lao động có lẽ trước hay sau cũng sẽ tự nhận thấy điều
đó trước khi bỏ việc xuống đường. Bởi vậy, việc cần làm là không né tránh,
không nghi kỵ và ghẻ lạnh, thay vào đó mềm hoá khái niệm đình công trong suy
nghĩ và cách đối xử với nó.
Đình công hay biểu tình là một cấp độ của dân chủ và bao giờ
cũng có tính hai mặt: vừa thể hiện tính dân chủ và bảo vệ quyền lợi của người
lao động yếu thế, vừa đem đến nguy cơ bất ổn. Do đó, đối xử với đình công không phải là lên tiếng cổ vũ,
nhưng càng không phải là xử lý nghiêm các cuộc đình công chính đáng để làm hài
lòng giới chủ.
Phải tiếp cận nó dưới góc độ quyền cũng như thấy được mặt
tích cực của đình công như một hoạt động bình thường trong sinh hoạt xã hội và
là van xả hữu hiệu giải quyết bất đồng và tranh chấp.
Thay vì ngăn chặn đình công, hãy bảo đảm cho các cuộc đình
công diễn ra đúng pháp luật và xử lý những bất thường. Đó là nhiệm vụ của pháp
luật và rộng hơn là nhiệm vụ của nhà nước. Có một vấn đề đã trở thành nguyên lý: dân chúng có quyền thì
họ thực hiện quyền. Còn việc làm ra luật để đảm bảo quyền đó và đảm bảo trật tự
xã hội là nghĩa vụ của nhà nước.
Trong nhà nước pháp quyền, cần loại bỏ tư duy: nếu chưa có
luật hoặc luật không khả thi thì không được thực hiện quyền, thực hiện là bất hợp
pháp. Mặt khác, nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý các cuộc
đình công, chứ không phải vì không quản lý được mà hạn chế.
Các quy định của pháp luật về đình công vẫn nằm trên giấy,
có lẽ cũng chính bởi pháp luật về công đoàn và thực tiễn hoạt động của công
đoàn đang có vấn đề. Nếu coi đình công là một “van xả” thì công đoàn vừa là người
mở đồng thời là người đóng cái van đó chứ không phải nhà nước.
Không hợp pháp nhưng các cuộc đình công vẫn diễn ra thì nguy
cơ tự phát hay quá khích sẽ hiện hữu. Ngoài việc phản ánh phản ứng tự nhiên của
người làm thuê khi cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm, đình công tự phát cho thấy hội
chứng “đèn vàng” còn bất ổn trong pháp luật hiện hành.
Ở đây, hội chứng đèn vàng đánh đồng giữa đình công chính
đáng và các cuộc đình công gây bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, nó làm mất
phương hướng của những người có quyền đình công. Không đình công thì không bảo vệ được quyền lợi của mình, nếu
đình công thì rất dễ vi phạm pháp luật. Từ chỗ là công cụ đảm bảo, pháp luật lại
đem đến sự rủi ro.
Trên một đoạn đường mà vừa có thể đi, vừa có thể dừng thì hỗn
loạn là điều khó tránh khỏi.
Nếu đèn vàng trong giao thông là sự cảnh báo, thì “đèn vàng”
trong pháp luật khiến người ta đặt câu hỏi về sự chập chờn của pháp luật, về
năng lực trong quản trị xã hội, hay tinh thần trách nhiệm đối với quyền của dân
chúng.
Những bất cập của pháp luật khiến việc tiếp cận quyền đình
công của thợ thuyền trở nên khó khả thi đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra. Đó có thể là thủ tục đình công hợp pháp quá rườm rà, phức tạp,
nặng quản lý hơn là đảm bảo quyền, có thể là vai trò của tổ chức công đoàn hay
sự hiểu biết quyền của người lao động.
Sửa luật cũng như thay đổi nhận thức về đình công là việc chắc
chắn phải làm. Bao trùm và xuyên suốt lên đó phải xuất phát từ sự thừa nhận
tính tự nhiên của quyền đình công và tạo ra không gian để người lao động thực
hiện quyền.
Không gian đó được vạch ra bởi các quy định của luật và
không thể vắng bóng cây gậy quản lý của công quyền - có thể là chỉ dẫn, có thể
bảo vệ hay xử phạt.
Khi luật quá khắt khe, luật không khả thi thì triết lý lạ đời
nhưng lại đúng: người ta vi phạm pháp luật bởi vì... có luật!
Cao Minh Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét