Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Tổ chức nào bảo vệ cho công nhân Việt Nam?

Công đoàn Việt Nam (CĐVN) là một tổ chức được Hiến pháp và Luật công đoàn VN (LCĐ) xác nhận có bổn phận bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, nhưng ngay ở điều 1 của LCĐ đã nhấn mạnh được đặt “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.



Mà nền kinh tế Việt Nam do đảng CSVN quyết định lấy kinh tế nhà nước làm trọng tâm, nên khi quyền lợi của công nhân bị các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xâm phạm thì CĐVN quay lại chống và kết án công nhân.

Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là sân sau của các quan chức cũng được bảo vệ như vậy.

Tình trạng này đã diễn ra trong quá khư và vẫn đang tiếp tục diễn ra nơi cuộc đình công ở Pou Yuen (Sài Gòn), và các vùng lân cận.

Nhắc lại vụ đình công Pou Yuen

Hàng chục ngàn công nhân thuộc Công ty TNHH Pou Yuen, chuyên sản xuất giày 100% vốn của Đài Loan, đã đình công từ ngày 26.03 để phản đối điều 60 của luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2016.

Điều luật này không cho phép công nhân được nhận BHXH một lần khi kết thúc hợp đồng với công ty nơi mình làm việc, mà phải chờ đến ngày nghỉ hưu (60 tuổi dành cho nam và 55 tuổi dành cho nữ) mới được nhận.

Nhiều người cho rằng đây là cuộc biểu tình tự phát của công nhân, nhưng cũng có những người khác khẳng định đây là cuộc biểu tình có tổ chức.

Hiện nay tổ chức CĐVN trong Công ty Pou Yuen này chưa lên tiếng nhận mình trực tiếp đứng ra lãnh đạo cuộc đình công này.

Trong khi đó, Lao động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam đã tổ chức biểu tình vào năm 2005, sau đó, ít nhất 3 người lãnh đạo của tổ chức này bị cầm tù là Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, cũng không công nhận đợt đình công 90 ngàn công nhân này do mình tổ chức, mà chỉ tuyên bố ủng hộ: “Đồng tình và ủng hộ cuộc tranh đấu của công nhân công ty Pou Yuen nhằm tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.

Ngày 01.04, ông Trần Bang đã có cuộc trò chuyện với một công nhân tham gia đình công, nội dung câu chuyện cho thấy cuộc đình công được diễn ra khá thuận lợi và tự do:

“- Em mới đi làm ở trong xưởng ra à?

- Em đi nhưng không làm.

- Sao thế?

- Hôm nay toàn bộ công nhân Pou Yuen biểu tình, đình công mà anh.

- Sao lại đình công, biểu tình?

- Họ giữ tiền bảo hiểm không trả cho công nhân khi thôi việc, họ nói phải đợi tới 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam mới được nhận, công nhân không chịu, nên biểu tình, đình công.

- Cách biểu tình đình công thế nào?

- Sáng công nhân vẫn vào ca, qua cổng kiểm soát của nhà máy bấm thẻ vào nhà xưởng như bình thường, nhưng sau đó không làm việc mà đi xuống sân, đường tập trung phản đối. Chiều hết giờ lại cà thẻ để ra về.

- Thế toàn bộ các xưởng trong Pou Yuen đều đình công, biểu tình à?

- Cũng có xưởng họ khóa cửa công nhân không xuống được, cứ ở trong xưởng cho đến hết giờ, nhưng cũng không làm việc anh ạ.

- Thế đình công mấy ngày rồi?

- Dạ, từ thứ sáu (27.03.2015) tuần trước anh ạ. À mà chính xác là đình công, không làm việc từ thứ năm 26.03.2015.

- Ngày mai có đình công tiếp không?

- Chắc chắn là đình công tiếp, bao giờ họ phải đáp ứng cho công nhân mới thôi...

- Thế có biểu ngữ không?

- Biểu ngữ là gì cơ?

- Là tờ giấy lớn, hay tấm vải lớn có chữ viết yêu cầu của công nhân...

- À thế thì có, nhưng ít lắm...

- Nhưng cũng có công nhân đầu giờ đến bấm thẻ xong thì về nhà trọ, chiều gần hết giờ làm lại quay vào xưởng bấm thẻ để chứng minh mình vẫn có mặt ở xưởng, và tham gia đình công chứ không phải bỏ việc anh ạ.

- Như thế là đình công, biểu tình theo đúng giờ làm việc như quy định?

- Vâng đúng thế anh ạ”.

Điều đáng chú ý là cuộc đình công diễn ra tại Sài Gòn ngay lúc Đại hội nghị nghị viên thế giới IPU-132 đang diễn ra ở Hà Nội (28.03 – 01.04.2015).

Một giả thiết được nêu ra là cuộc đình công tại Pou Yuen được chính nhà nước bày để làm màu ra thể ở Việt Nam có dân chủ, chấp nhận cho công nhân tự do đình công trước 1600 quan khách quốc tế.

Vai trò của CĐVN trong vụ đình công Pou Yuen

Thông thường ở các nước dân chủ, công đoàn là tổ chức chủ động tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công, biểu tình nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân, nhưng ở Việt Nam, CĐVN không như thế.

Ngày 31.03, đang khi công nhân thuộc Công ty TNHH Pou Yuen đình công, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ra lời kêu gọi:

“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động:

- Hăy yên tâm trở lại làm việc để đảm bảo thu nhập và thể hiện ý thức trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp và xă hội.

- Không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

- Các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho đoàn viên và công nhân lao động về mục đích, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xă hội; động viên anh chị em đoàn viên và công nhân lao động tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xă hội”.

Điều ông Chủ tịch Tùng nhắm tới không phải là yêu sách của công nhân được giải quyết thỏa đáng, mà là “làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.

Ông Tùng như thể là một quan chức nhà nước chứ không phải đại diện của công nhân và người lao động nói chung.

Yêu sách của công nhân đưa ra là “Họ giữ tiền bảo hiểm không trả cho công nhân khi thôi việc, họ nói phải đợi tới 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam mới được nhận, công nhân không chịu, nên biểu tình, đình công”.

Công nhân Pou Yuen muốn đi đến cùng để đạt được yêu sách: “Đình công tiếp, bao giờ họ phải đáp ứng cho công nhân mới thôi...”.

Điều đáng ra ông Tùng phải làm là yêu cầu ủy ban thương vụ Quốc hội lên tiếng chính thức trước những chất vấn và đòi hỏi của công nhân, vì cơ quan này có chức năng giải thích luật và đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến luật.

Nhưng ông đã không hề làm điều đó, mà chỉ thuyết phục công nhân đừng đình công nữa.

Điều này cho thấy ông Tùng và Tồ chức CĐVN do ông đang nắm giữ không phải là tổ chức của công nhân, không đại diện cho quyền lợi trực tiếp của công nhân.

Nguồn thạo tin cho biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong những nơi được hỏi ý kiến tham vấn nhiều nhất về Luật BHXH này.

Ông Tùng ra lời kêu gọi vào ngày 31.03, trước một ngày Hội nghị IPU-132 kết thúc.

Sau ngày đó, công nhân ở Tiền Giang và Long An đình công với số lượng ít hơn rất nhiều, nhưng liền bị Sở lao động thương binh xã hội địa phương lên án, đề nghị công an bắt ngaynhững người cầm đầu đình công.

Dư luận đánh giá về vụ đình công Pou Yuen

Ông Nguyễn Quang Duy, ở Úc, lưu ý: “Các cuộc đình công sau năm 2005 thường ở mức độ nhỏ, tự phát và nhanh chóng chấm dứt. Nhiều người khởi xướng sau đó bị sa thải, có người bị an ninh theo dõi. Quyền lợi của công nhân mỗi ngày bị cắt bớt và đời sống của họ ngày trở nên tồi tệ hơn.

Việc công nhân đình công rồi kéo nhau ra đường lộ với những biểu ngữ tự làm tại công ty Pou Yuen cho thấy việc tổ chức khá lỏng lẻo và tự phát. Đương nhiên có người đứng ra khởi xướng nhưng cuộc đình công xảy ra do sự bất mãn cùng cực của công nhân. Các cuộc biểu tình khác là sự đồng thanh đáp ứng, tức nước vỡ bờ”.

Ông Đặng Dũng, ở Sài Gòn đặt vấn đề: “Nguyên nhân đình công theo như chúng ta được biết là do luật BHXH điều chỉnh không co lợi cho công nhân.

Luật này áp dụng chung cho cả nước nhưng sao chỉ có một vài công ty ở miền Nam lên tiếng, miền Bắc và miền Trung lại im re, ngay cả hai tỉnh trong miền Nam có nhiều khu công nghiệp nhất là Bình Dương và Đồng Nai vẫn không thấy lên tiếng, điều này cho thấy có cái gì đó bất thường trong cuộc đình công này”.

Ông Quang Nguyen thuộc đảng Dân Chủ Việt tiếp lời: “Khác thường chứ không phải là bất thường. Khác thường vì người dân miền Nam tính bộc trực hơn dân miền Trung và dân miền Bắc, nên ít tính thiệt hơn hơn.

Về phương diện phản kháng ra mặt, công nhân miền Nam đã tỏ ra can trường hơn trong việc đấu tranh chống bất công xã hội và qua đó đã tỏ ra xứng đáng dẫn đầu công cuộc đấu tranh của công nhân cả nước.

Họ cần được quan tâm giúp đỡ để có thể tự tổ chức được những công đoàn, cũng như những đảng phái chính trị để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân. Khuôn mẫu đơn giản và công khai minh bạch của Dân Chủ Việt rất thích hợp đối với công nhân trong bước đầu liên kết các cá nhân”.

Ông Trần Bang thì chỉ ra bất công giữa công nhân DNNN và công nhân tại DNTN, vì cùng đóng tiền BHXH giống nhau, nhưng lại phải bị phân biên đối xử khi nhận tiền BHXH.

“Bất công thứ nhất (có lợi cho người làm trong DNNN, và công chức nhà nước, sau gọi tắt là DNNN), ai cũng nhận ra là 5 năm cuối bao giờ DNNN cũng có lương cao, vì sau 30 năm làm việc, 5 năm cuối thường ai cũng có chức vụ cao hơn, bậc lương cao hơn những năm đầu mới đi làm.

Bất công thứ hai (có lợi cho DNNN, có hại cho DNTN) là cách tính lương hưu cho DNNN theo hệ số nhân với lương cơ bản (thay đổi những năm sau càng cao hơn năm trước).

Trong khi tính lương hưu cho DNTN lại dựa trên số tiền BHXH thực đóng, nhưng không được tính hệ số trượt giá (hay tỷ lệ lạm phát) trên số tiền người đóng BHXH đã đóng từ các năm trước (chưa quy giá trị tiền tệ mà người ở DNTN đã đóng BHXH về một thời điểm, còn gọi hiện giá tiền tệ?!).

Cách tính lương của DNNN là hệ số nhân với lương cơ bản, nên cùng hệ số đó cách đây 5 năm lương cơ bản là 500.000 đ/tháng, ví dụ khi đó một công chức có lương hệ số là 6, lương khi đó là: 6 x 500.000đ = 3.000.000đ/tháng và tiền đóng BHXH khi đó là 3.000.000đ x 30%= 900.000đ/tháng.

Nhưng sau 5 năm (ví dụ) lương cơ bản tăng lên

1.000.000đ/tháng,và về hưu, thì lương hưu sẽ là: 6 x 1.000.000 x 75% = 4.500.000đ/ tháng. (3)

Trong khi DNTN cũng đóng BHXH cách đây 5 năm theo lương: 3.000.000đ/tháng, số tiền đóng BHXH: 3.000.000x30%= 900.000đ/tháng,

Cũng sau 5 năm về hưu, lương hưu tính đúng như số tiền đã đóng BHXH trước đó: nên lương hưu là: 3.000.000 x 75%= 2.250.000đ/tháng. (4)

Cùng đóng tiền bảo hiểm như nhau (900.000đ/tháng) nhưng chênh lệch lương hưu của người làm công chức (hay DNNN) với người làm DNTN là rất lớn: (3) - (4) = 2.250.000đ/ tháng. (chênh lệch tới 100% )”

Công nhân, nhất là công nhân thuộc DNTN đang cần có những tổ chức bảo vệ mình không chỉ trước các chủ xưởng, mà còn trước những chính sách bất công đang được luật hóa.


Lê Từ Trường


0 nhận xét:

Đăng nhận xét