Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

40 năm nhìn lại: ai vui ai buồn?

“Một mai giã từ vũ khí” là bài hát do Nhật Ngân viết sau Hiệp Định Paris 1973. Đây là bài hát nói về mơ ước của một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trở về quê khi hòa bình đến.


Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai dăng với luỹ hào sâu/ lỗ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn cho còn lại đến bây giờ/ Trả súng đạn này quét sạch nợ sông núi rồi/ Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao…



Bảo vệ quê nhà



Giấc mơ hòa bình của người lính VNCH, không phải là mơ ngày thống nhất Bắc – Nam theo nghĩa chính trị.



Người lính VNCH đã trông chờ mòn mỏi ngày chinh chiến chấm dứt để anh có thể trả lại hoặc bỏ lại vũ khí và chiến trường. Anh bỏ lại những gì? Thép gai giăng, lũy hào sâu, lỗ châu mai, địa lôi, và súng đạn. Đó là nơi anh ở và vũ khí anh. Cuộc đời binh nghiệp của anh quá đơn giản. 



Anh lính không nói gì về chuyện anh bảo vệ sơn hà, dân chúng, nhà cửa, làng xã, mà chỉ đề cập đến "máu anh tuôn" bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai để "cho còn lại đến mãi bây giờ". Anh đã đổ máu nhiều lần để bảo vệ chỗ anh ở nơi chiến trường. Nơi đó không phải của riêng anh, mà của cả đồng đội anh, những người bạn đã gục ngã. 



Cũng như anh, họ hy sinh tánh mạng để bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai và bảo vệ lẫn nhau. Quan trọng hơn, cái lũy hào sâu và lỗ châu mai không chỉ là nơi anh giữ gìn cho sinh mạng anh và đồng đội anh, mà đó còn là thành trì bảo vệ dân chúng, quê nhà. 



Thép gai là cuộn thép bao quanh nơi phòng thủ để cản quân thù. Lũy hào là rãnh đào xuống đất để cho lính đứng, ngồi hay nằm. Lỗ châu mai là lỗ nhỏ của lô cốt, pháo đài cho súng chỉa ra. Địa lôi là mìn chôn đưới mặt đất. Tất cả đều là hình ảnh cho phòng thủ, ngăn chận quân thù, cản bước tiến quân thù xâm chiếm đất đai. 



Anh lính là một người có tình người, nhún nhường, không khoe khoang tự mãn. Mặc dù anh đã tuôn máu nhiều lần để bảo vệ lũy hào sâu và lỗ châu mai, anh không hề nhắc đến những chiến công của anh, số quân thù anh đã giết, hoặc các bạn đồng đội anh đã cứu.

Có người sẽ cho rằng vì anh chẳng có chiến công gì cả, lấy gì mà khoe? Nhưng chuyện đó vô lý. Ai cũng biết một người đã tuôn máu nhiều lần, mà vẫn còn giữ gìn lũy hào sâu và lỗ châu mai của mình "cho còn lại đến mãi bây giờ" ắt là phải giết rất nhiều quân thù, nhất là khi quân thù có tiếng là chuyên môn dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung và biển người khi tấn công. 



Nhưng với anh lính VNCH, giết nhiều quân thù không phải là chuyện anh muốn khoe khoang. Hơn nữa, anh đang mơ ước trở về quê, anh đâu muốn nghĩ đến những chiến công của anh…



1975 – 2015



Giấc mơ hòa bình của người lính VNCH vỡ vụn. 40 năm đi qua, vết thương chiến tranh vẫn không thể lành.



Chẳng có ai từ phía chính quyền cộng sản giải thích vì sao “giải phóng miền Nam”, như lại có cảnh trăm ngàn người bắt cải tạo? Lớp thì xử tử tại chỗ, lớp thì bắt đi mất tích đến hôm nay... Rồi cướp bóc hết tài sản với danh nghĩa là “đánh tư sản”. Rồi đốt phá hết sách vở… 


Người dân miền Nam ly tan vì hàng triệu người bỏ nước trốn chạy chủ nghĩa xã hội. Hàng triệu người thà chết nơi rừng sâu, núi hiểm và chết vì hải tặc chìm thuyền hơn được sống với đảng. 



Tại sao trên "đền thờ" của Lê Duẫn lại ghi: "Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc"?


Ai vui, ai buồn?


Thiên đường của những người lính VNCH chỉ là cuộc sống đơn sơ thanh đạm với những hình ảnh thanh bình như mỗi chiều nghe tiếng chuông chùa vọng từ xa, nhìn khói bếp bốc lên từ mái nhà tranh, và ăn một bát cơm rau với gia đình. 



So với thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa, quả là một trời một vực…



Cao Đắc Tuấn





0 nhận xét:

Đăng nhận xét