Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Những trùm “thợ bê” một thời vang bóng

Ngôn ngữ giang hồ thì “thợ bê” là từ chỉ những tay chuyên cờ bạc bịp. Những tên tuổi dưới đây, người thì rửa tay gác kiếm, người đã từ giã cõi đời, song những câu chuyện về họ trong thế giới đổ bác vẫn luôn là sự lôi cuốn đối với người dân lao động.

Thử điểm qua vài gương mặt cộm cán của một thời vang bóng.

Tạ Đắc Lung: gã đồ tể thành danh Quỷ cốc!

Giới đổ bác ít ai gọi gã bằng tên cúng cơm Tạ Đắc Lung. Dân đồ tể chợ thịt heo vùng Ông Tạ cũng chẳng mấy ai nhớ đến cái tên này, dẫu một thời dòng họ Tạ đây nổi danh nghề mổ heo đất Sài Gòn này.

Hơn bốn mươi năm trước, vùng bán thịt cầy nổi tiếng chợ Ông Tạ xuất hiện sòng sóc đĩa của nhóm kỳ bẻo kiêm anh chị giang hồ đâm thuê chém mướn với vai vế đại ca là Sơn đảo. Thường xuyên đứng sòng là 4 thợ bê giàu kinh nghiệm: Ngổi, Liệu, Mạch, Hồng. Khi ấy Lung là gã đồ tể có vợ bán thịt tại chợ Ông Tạ mon men vào sòng thử vận đỏ đen.

Sau thời gian học việc chăm chỉ, Lung được Sơn đảo nhận vào làm hồ lỳ kiêm thợ bê. Người ta cũng biết đến cái tên Lý Đôi từ lúc ấy. Chẳng bao lâu sau thì đàn anh Sơn đảo bị gã giang hồ yếu cơ hơn là Y cà lết phục bắn chết ngay giữa Sài Gòn. Sòng sóc đĩa Ông Tạ tan hàng. Lý Đôi khi đó cũng bỏ vợ con để chung sống với một ả giang hồ có máu me cờ bạc bịp lê lết kiếm ăn qua ngày hết sòng bài này đến sòng bạc khác.

Sau tháng tư, 1975. Lý Đôi quay trở về nghề gia truyền mổ heo, bò quanh vùng Ông Tạ. Ba năm sau, có một sòng sóc đĩa mở ra tại khu Nghĩa Hoà (quận Tân Bình) do gã giang hồ chưa số má gầy lên. Lý Đôi được mời về làm quân sư. Vốn có nghề từ thời làm hồ lỳ dưới trướng đàn anh Sơn đảo và là học trò cưng của những tay kỳ bẻo Ngổi, Liệu, Mạch, Hồng nên Lý Đôi nhanh chóng quy tụ được đám khách máu me đỏ đen thời chế độ Sài Gòn cũ kéo tụ về để sát phạt.
Phải đến 4 năm sau sòng Nghĩa Hoà mới bị hốt trọn ổ. Trốn ra bắc, Lý Đôi gặp lại chiến hữu cũ là Thắng tài dậu tại Hà Nội. Liên minh Lý Đôi-Thắng tài dậu với những canh bạc bịp sau đó trên đất bắc đã khiến cơn mưa tiền xối xả dội xuống cặp song sát liên minh này. Quỷ cốc Lý Đôi trở thành tên gọi mà nhiều thợ bê phải kính nể và bọn kỳ bẻo cả hai miền muốn khai trương sòng mới đều không thể không thỉnh Quỷ cốc Lý Đôi đến... đở đầu.

Thành danh và trong thời vàng son nên thời gian sau đó Lý Đôi chỉ vào sòng khi cần đối ngoại. Đàn anh cùng thời Sơn đảo, đồng thời cũng là lụ xây (chủ sòng) khá tên tuổi là Tùng ông Tạ (tên thật Bùi Việt Hùng) bèn tiến cử Lý Đôi với ông trùm một thời là Năm Cam (đã mất). Từng cung cúc tận tuỵ dưới trướng của gã giang hồ tên tuổi một thời là Đại Cathay, nên Năm Cam hiểu rất rõ giá trị của Lý Đôi. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Năm Cam vội vã mời chiến hữu Lý Đôi về sòng đại bang ở khu Trần Nguyên Hãn (quận 8) và trao toàn quyền điều hành. Cảm kích, Quỷ cốc Lý Đôi trả nghĩa bằng rũ rê những đám quái giang hồ phía Bắc như Quỳnh điên, Dũng Bắc Kạn, Sơn bạch tạng, Quốc lũi... đến ăn dầm nằm dề tại khách sạn của anh Năm...

Tài Ngạn: ông trùm lắm vận đen

Dân bài bạc luôn tôn trọng quy luật bất thành văn: “Là chủ sòng, không bao giờ được phép ngồi xuống đánh bạc ở sòng của mình”. Thế nhưng với Tài Ngạn (tên thật Triệu Tô Hà) thì máu me đổ bác khiến lắm bận đã lấy tiền xâu hồ, còn ngồi vào làm con bạc luôn trong sòng mà đàn em mình làm phá hoả (chia bài). Tài Ngạn thua liểng xiểng trong những canh bạc này. Giới hồ lỳ truyền nhau chính vì mắc sai lầm đại kỵ như vậy nên dễ hiểu là Tài Ngạn mau chóng bị tan cửa nát nhà...

Dân “thợ bê” khu Chợ Lớn kể rằng Tài Ngạn nổi tiếng từ thời trước giải phóng với việc ra vào như cơm bữa ở các sòng bài cẩu của Chây Cúng vùng Chợ Thiếc, sòng bài cẩu Cầu Muối của Năm Thông Lợi (nằm trong khu xóm người Hoa trên đường Nguyễn Công Trứ), sòng me lắc của Tám Phánh... Tài Ngạn rất hào phóng, sẳn sàng cưu mang chi tiền giúp đở đám giang hồ hoạn nạn. Không chỉ có vậy, dân làm ăn Chợ Lớn còn biết đến một Tài cố (đại ca) Tài Ngạn khả năng giải vây trong nhiều phi vụ làm ăn, bởi có mối quan hệ mật thiết với đám quan chức cá mập thời trước 1975, cũng như cả đám đại bàng khu Sài Gòn... 

Thuở ông trùm Năm Cam còn giữ chân phá hoả cho sòng Bảy Xi ở Cầu Muối thì Tài Ngạn đã trở thành đại gia, với uy tín được xem là nặng ký trong giới tư sản người Hoa Chợ Lớn. Sau năm 1975, Tài Ngạn lui về với nghề thuộc da khu Phú Thọ. Ẩn thân thời gian, trong đó có giai đoạn phải xộ khám về tội tổ chức vượt biên, thập niên đầu 90 thế kỷ trước đánh dấu sự trở lại của Tài Ngạn bằng việc khai trương nhà hàng Trung Hoa với cái tên rất lương thiện là P.L.M. Dân đổ bác cho hay bằng sợi dây P.L.M. này, đường dây bài bạc chảy về nhà hàng của Tài Ngạn khiến gã như mờ mắt và quyết định tiếp tục thử canh bạc đỏ đen qua việc hùn vốn với một tay trùm Macau đến Việt Nam trong sắm sửa bầy ngựa đua thuần chủng Ả Rập.

Là thân chủ sòng nhưng máu me đã khiến Tài Ngạn thường xuyên có mặt ở các sòng khác. Tương truyền Tài Ngạn thủ đài ngay tại sòng của mình và miệt mài làm Tài Phải (tay bạc đánh lớn) ở sòng xóc đĩa thuộc loại đại bang trên đường Tôn Đản chỉ trong có một tháng mà bay hết hơn 4 tỷ đồng (thời giá năm 1993, 1994). Đàn ngựa đua cũng chịu vận đen của Tài Ngạn lần lượt phải sang tay cho đám chủ kỳ cựu trường đua Phú Thọ…

Những ngôi sao tàn lụi buổi xế chiều

Nhắc kể chuyện của làng kỳ bẻo, người ta thường nêu các lão tiền bối thợ bê mà thập niên 90 chỉ còn ngồi chầu rìa, sống vật vờ trong đói nghèo: S. lùn, B. đại uý, B. dách, M. chí, H. mập...

Với Việt kiều lứa ngũ niên, nhiều người từng máu me đổ bác hay kể chuyện Tám Phánh, một lụ xây nổi tiếng có tên sòng Ông Tướng tại Chợ Lớn thời trước 1975, ở tuổi xế chiều đã gục chết trên băng ghế của công viên trong buổi chiều đầu đông xứ sở San José. Những đồng hương phải hùn tiền lo tang ma cho anh bạn già và nắm tro tàn đành nương nhờ cửa Phật nơi đất khách quê người.

Muôn đời nay, trong nhiều trò mua vui người ta hay dặn dò nhau điều quá quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ: bài bạc là bác thằng bần...

Cao Trí



(Giới trẻ nhiều khi xem bài bạc là thú vui để… đốt thời gian!)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét