Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Mãi là lịch sử...

SGB: Sau 40 năm, người Sài Gòn vẫn còn rỉ tai nhau về lời dặn dò của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Đừng...

Tôi cũng như bao thế hệ 9X khác đều sinh ra “trọn vẹn” trong cuộc sống dưới thời của xã hội chủ nghĩa.

Lúc còn bé, tôi nhớ, thầy cô mình thường hay giảng ra rả dân tộc ta anh hùng, làm nên “cuộc chiến thần thánh” trước hai cường quốc là Pháp và Mỹ. Lớn dần hơn một tí, tôi bắt đầu thích và học thuộc những bài hát như “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng…”; tự hào khi mình được kết nạp Đoàn vào đúng ngày 3.2; rồi tham gia những phong trào của Quận, từ một thành viên dần dần thành một thủ lĩnh của phong trào; rồi ứng cử chức Bí thư của lớp. Tất cả những thứ ấy tôi đặt ra, tôi làm được, tôi cảm thấy vui lắm. Thật lòng mà nói, tôi vui không phải vì chức quyền hay cái gì (chức quyền của tôi có bự lắm đâu), mà tôi vui vì tôi có thể góp sức mình vào những phong trào, vực dậy tinh thần của lớp.

Thế nhưng, có lẽ, “xếp ghế” đã lan rộng từ cao xuống thấp. Năm đó, tôi được tất cả mọi người bầu mình vào vai trò Bí thư (thành viên ban kiểm phiếu đã báo cho tôi biết). Nhưng không biết lý do tại sao, tôi lại bị “xuống” vai trò phó Bí thư, nhường chức cho một cô bạn học cùng lớp (theo kết quả kiểm phiếu thì bạn ấy xếp hạng 4 trong 5 người ứng cử). Tôi tò mò tìm hiểu. Thì ra, ngay từ đầu, cô giáo chủ nhiệm đã “cơ cấu”. Cuộc bầu cử chỉ là cho… dân chủ. Cảm thấy không công bằng, tôi không phục và tôi cũng thấy chán ngán cái cảnh này.

Lớn hơn tí nữa, tôi được nghe đến chữ “ngụy”. Bọn ngụy này ngụy nọ. Tôi chả hiểu đó mang hàm ý nghĩa gì? Dần dần, tôi nhận ra đó là một chữ không hay dành cho người miền Nam trước năm 1975.

Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, những điều không được dạy trong trường phổ thông cũng như lên đại học. Đầu tiên là thông qua việc nghe những bài nhạc về người lính của trung tâm Asia bên Mỹ. Lúc đó, tôi cảm thấy nó hay, nó lãng mạn và thực tế hơn những bài nhạc như Lá xanh, Lá đỏ. Nó không như kiểu “đường ra trận mùa này đẹp lắm…” (ra trận là đồng nghĩa với bom, đạn, khói lửa, thậm chí là cái chết mà đẹp?).

Ở nhà, tôi nghe ba tôi nói về nhà thơ Quang Dũng với thi phẩm Tây Tiến, ông cũng phải lao đao với nó một thời gian bởi những câu như “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Học luyện thi, tôi được thầy giảng về Khóc vợ của nhà thơ Hữu Loan. Cũng vì bài thơ đó mà cuộc đời ông khốn nạn tới thời điểm này. Tôi lại càng thấy nghi ngờ hơn với những điều mình đã được học lúc trước.

Càng tìm hiểu, càng đọc nhiều sách (dù không ít sách ở Việt Nam bị giới hạn) tôi càng nhận ra nhiều điều. Trong một cơ duyên, tôi có cơ hội sang được Cali, lắng nghe một vài học giả nói chuyện, tôi lại càng thấy rõ hơn lịch sử như thế nào. Một cuộc sống thanh bình, một hiệp định đình chiến đã được ký nhưng lại bị từ chính anh em của mình… bội ước.

Dù có bưng bít hay che đậy thì lịch sử vẫn mãi là lịch sử. Tôi không quan tâm tương lai sẽ dưới thời nào. Tôi - cũng như bao nhiêu người khác - chỉ mong muốn một điều: cho dù như thế nào đi chăng nữa, chỉ cần đem lại cuộc sống an lành, hạnh phúc, tự do cho người dân… thế là quá đủ…


Thanh Bình


2 nhận xét: