Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lại bị tấn công

Trao đổi qua điện thoại vào trưa nay 13-4 với Sài Gòn Báo, ông Long cho biết mình bị ngăn trở đến dự Lễ Tưởng nhớ Đức Thầy thọ nạn, từ lúc ông chuẩn bị rời khỏi nhà….

Ngày 25 tháng 2 âm lịch hàng năm, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) tổ chức Lễ Tưởng nhớ Đức Thầy thọ nạn ở nhiều địa điểm trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tuy nhiên từ sau tháng 4-1975, người PGHH không được phép nhắc tới Đức Thầy thọ nạn, vì đó là điều vẫn còn bị nhà cầm quyền cộng sản cấm kỵ nghiêm ngặt.

Tại chùa Quang Minh, tại ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi thờ tự Đức Thầy, vào 20g hôm qua 12-4, nhằm 24 tháng 2 âm lịch, ông Trương Kim Long, 60 tuổi sau khi từ chùa Quang Minh ra về đã bị nhóm thanh niên mặc thường phục dùng tay đánh vào đầu, mặt ông Long vì “mày để râu thấy ghét… mày còn dám đến chùa này nữa là không yên thân” – đây là những từ ngữ của nhóm thanh niên này lúc đánh ông Long.

Trao đổi qua điện thoại vào trưa nay 13-4 với Sài Gòn Báo, ông Long cho biết mình bị ngăn trở đến dự Lễ Tưởng nhớ Đức Thầy thọ nạn, từ lúc ông chuẩn bị rời khỏi nhà….

Từ 68 năm qua, người tín đồ PGHH vẫn một lòng tin “Đức Thầy tạm vắng mặt”. Tin trong sự thương kính, mong đợi ngày Đức Thầy trở về. Nhưng thực tế, có những tài liệu cho thấy Việt Minh đã chủ trương sát hại Giáo chủ để PGHH và Dân Chủ Xã Hội Đảng không có lãnh đạo mà không có nguời khả dĩ thay thế.

Trong tập “Ghi chú về PGHH” của Đại tá Phòng Nhì Savani (Notes sur le PGHH, no 300 893, CHEAM, Paris VI), có phổ biến một văn bản của Ban Chấp Hành Nam bộ (Ban Thường vụ), truy tố Giáo chủ theo tội phản động và ban hành Quyết định gồm 4 điểm:

1 – Ông Huỳnh Phú Sổ bị cách chức Ủy viên Đặc biệt của Nam bộ kể từ ngày ra Quyết định này;

2 -  Giám đốc Tư Pháp có nhiệm vụ truy tố ong Huỳnh Phú Sổ về tội phản động;

3 -  Quyết định này sẽ gởi khẩn về Chánh phủ Trung ương;

4 -  Ủy viên Nội vụ và Giám đốc Tư pháp, tùy theo nhiệm vụ của mình, nhận lãnh thi hành Quyết định này.

Ngày 28 tháng 4 năm 1947

Thay mặt Ban Chấp Hành Nam Bộ, Phó Chủ tịch PHẠM NGỌC THUẦN ký tên.

Gần một tháng sau, ngày 20 tháng 5 năm 1947, Ban Chấp Hành Nam Bộ ra Thông Cáo về Bản án của Huỳnh Phú Sổ:

“Ban Chấp Hành Nam Bộ thông báo với đồng bào những điều sau đây:

Trong buổi hợp bất thường ngày 25 tháng 4 năm 1947, Ban Chấp Hành Nam Bộ đã đề cử Một Tòa Án Đặc biệt cách chức Ủy viên Đặc biệt của Ông Huỳnh Phú Sổ và tuyên án tử hình ông vì tội phản động và âm mưu tạo bất ổn tại miền Tây trong lúc mọi lực lượng nhân dân phải được bảo vệ để theo đuổi kháng chiến.
“Ông ấy tổ chức cho riêng ông những toán võ trang, cơ quan an ninh và tòa án đặc biệt giống như một quốc gia trong một quốc gia.

“Ông ra lịnh võ trang Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH.

“Ông ra lịnh cho Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH nổi dậy, bắt giết cán bộ Chánh phủ và dân chúng.

“Ông bí mật gởi lực lượng võ trang của ông tới miền Tây để bảo vệ và khuyến khích những người cướp bóc và gây bất ổn.

“Đảng viên Dân Xã Đảng và tín đồ PGHH đã hợp tác với Quân đội Pháp để đánh lại Quân đội Chánh phủ và khủng bố đồng bào dân sự.

- Ông Huỳnh Phú Sổ đã bị hành quyết.

Ngày 20 tháng 5 năm 1947
Ban Chấp Hành Nam Bộ (Không có người ký tên)

Trước đó, ngày 21 tháng 4, Giám đốc Công An Kiều Tân Lập, Thanh Tra Chánh trị Miền Tây Trần Văn Nguyên, thay mặt Ban Chấp Hành và Ban Thường Vụ Nam Bộ, ra lịnh cho các Cơ quan Hành chánh, Quân đội và Công An truy lùng và thanh toán Dân Xã Đảng ở khắp nơi bắt gặp, sử lý tùy theo sáng kiến của cán bộ.

Tạm kết về việc Huỳnh Phú Sổ bị ám hại trong đêm 16-4-1947, ngày 25 tháng 2 âm lịch:

Theo báo Phục Hưng viết hai năm sau đó, được trích lại trong cuốn Thất Sơn mầu nhiệm thì "Trần Văn Nguyên đã tranh cải kịch liệt với Bửu Vinh về số phận của Huỳnh Phú Sổ.

Trần Văn Nguyên nói "đồng chí không có quyền xử đoán một Uỷ Viên đặc Biệt của Nam Bộ trong khi đồng chí chỉ là ủy viên tỉnh".

Bửu Vinh trả lời: "Cái đó thuộc về một việc xẩy ra ở địa phương tôi, vả lại tình thế đang nguy ngập". Rốt cuộc Trần Van Nguyên phải nhượng bộ vì trong tay không có binh lực.

Nguyên đổ trách nhiệm: "Có chuyện gì sau này với Nam Bộ, trách nhiệm về đồng chí hết"... Sau đó Bửu Vinh ra lịnh cho ba người hành quyết Huỳnh Phú Sổ, nhưng ba người này đã được Huỳnh Phú Sổ thuyết phục, cảm hóa, cuối cùng họ nói: "Thưa ông Tư, chúng tôi đã hiểu rồi. Xin ông đi đi, đi ngay bây giờ... ông hãy đi cho thoát và độ trì cho ba chúng tôi".

Thế rồi vị Giáo Chủ họ Huỳnh lại khoan thai lên đường và đi hút lẩn vào bóng tối. Và cũng đêm ấy, tại chỗ ấy có một người bị chặt làm ba, liệng xuống hố vùi đất lên...".

Ngày nay, người tín đồ PGHH có đầy đủ chánh nghĩa để đòi công lý cho Giáo chủ và PGHH. Các cơ sở vật chất phải trả lại cho PGHH. Quyền hành đạo của hàng triệu tín đồ phải được phục hồi trọn vẹn. 

Minh Châu




0 nhận xét:

Đăng nhận xét