Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Hồi ức tháng tư: Nhớ về một người lãnh đạo

Lần sang Mỹ, khi đến tháng 4, một mong muốn của tôi là được gặp những người mà truyền thông nhà nước Việt Nam gọi là “chống Cộng cực đoan”.

Tất nhiên là loại trừ một vài ông già đã trên dưới 80, hàng ngày mặc lại lễ phục, đeo đủ huân huy chương và tự mình sống lại một thời vàng son như những nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Nobel G.G Marquez hay đám “nằm vùng” (được trả tiền hoặc không) suốt ngày ngoạc mồm chửi với mục tiêu làm đồng bào trong nước có cái nhìn sai lệch về những người đấu tranh ở hải ngoại.

Trong một buổi sinh hoạt cộng đồng ở Nam Cali (bà con thường luân phiên tổ chức những bữa ăn gia đình ở nhà một người), tôi được giới thiệu với một người đàn ông khoảng 70 tuổi.

Ông đến muộn, xin lỗi về sự chậm trễ của mình vì: “Đi phụ giúp mấy cháu treo cờ vì đang tháng Tư rồi, năm nào cũng vậy, không bao giờ tôi quên được lá cờ VNCH”.

Ông thật trẻ so với tuổi của mình, sôi nổi nhanh nhẹn, ăn nói có duyên và hát rất hay. Khi ông nói:

- Các bạn biết trước năm 75 tôi làm gì không ? Cán bộ Xây dựng Nông thôn.

Thì tất cả ồ lên.

Thú thực đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy từ này.

Một lần đi miền Tây, được nghe một bà má kể:

- Mấy anh cán bộ Xây dựng Nông thôn giỏi lắm, ai ít nhất cũng tú tài, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay. Ngày xưa nhà tôi cũng có một anh tới ở cùng, Bắc Kỳ rặc. Ba má tôi đào một cái hầm bí mật để giấu ảnh.

Thấy tôi ngạc nhiên, bà giải thích:

- Vùng này ngày xưa ban ngày là “Quốc gia” ban đêm là “Việt cộng”, mấy ổng (VC) mà bắt được mấy anh cán bộ này thì không có bắn đâu nha, treo cổ, chặt đầu, phơi xác.

Những người cán bộ Xây dựng Nông thôn có lẽ được hình thành từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm với kế hoạch “Khu trù mật” nổi tiếng. Nền Đệ nhất Cộng hoà lúc đó với quân đội chưa đủ mạnh, nhiều phe phái chia rẽ và thậm chí vũ khí còn lạc hậu.

Ngô Tổng thống đã chọn vũ khí đối đầu với những người cộng sản là các chính sách dân sinh, chỉ trong thời gian ngắn ngủi chưa tới 10 năm, miền Nam Việt Nam đã trở thành một quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận, với những thành tích vượt bậc ở mọi lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế....

Các chứng cứ lịch sử cho thấy vào thời gian đó những người cộng sản bị đẩy vào thế bị động hoàn toàn, nhiều nơi các tổ chức bị tan rã, các cán bộ nằm vùng lần lượt “chiêu hồi”.

Lịch sử được chép của nhũng người cộng sản gọi đây là “thời kỳ khủng bố trắng”, họ bịa đặt rằng luật 10/59 dã man “lê máy chém đi khắp miền Nam”, rồi “đầu độc tù nhân ở nhà tù Vĩnh Lợi”.

Truyền thông miền Bắc lúc đó mở những chiến dịch tuyên truyền khổng lồ, đến mọi ngóc ngách xã hội nhồi sọ người dân rằng “đồng bào miền Nam đang bị dìm trong bể máu”, chính sách “dồn dân vào Ấp chiến lược của Ngô Đình Diệm” đã kìm kẹp, đàn áp đồng bào dã man...

Chủ nghĩa dân tộc được kích động đến mức tối đa. Khắp miền Bắc, từ nông thôn đến thành thị, từ trẻ em đến người già, đâu đâu cũng có những cuộc biểu tình đông đảo tố cáo tội ác Mỹ - Nguỵ, các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” ở khắp các công xưởng, HTX nông nghiệp, thanh niên nô nức “lên đường vào Nam chiến đấu”.

Đặc biệt những người cán bộ Xây dựng Nông thôn mà hệ thống tuyên truyền gọi là “bình định áo đen” bị đặc biệt căm ghét, họ được miêu tả là những con người máu lạnh, dã man, trà trộn sống cùng dân chúng, sẵn sàng làm chỉ điểm, sẵn sàng “mổ bụng, ăn gan”....

Lịch sử thật oái ăm với những ngã rẽ không ngờ, cái chết sớm và bi thảm của nhà chí sỹ họ Ngô đã đẩy dân tộc sang một trang mới đẫm máu. Một con người với những viễn kiến sâu rộng, hiểu rõ bản chất của những người cộng sản, tiếc thay không thực hiện được hoài bão của mình đến cùng.

Những năm 80, khi người viết bài này lang thang vác “mia” đi đo vẽ ở đồng bằng sông Cửu Long, đến những “Khu trù mật” ngày xưa như Miệt Kinh, Miệt Thứ (Kiên Giang) hay vùng chè (trà), cà phê ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) càng thấy cảm phục một vị lãnh đạo thật sự vì nước vì dân.

Một người dân đi “Kinh tế mới” sau 75 nói với tôi:

- Ngày xưa miền Bắc chê chính sách “Khu trù mật” của cụ Ngô ghê quá. Nghe đến chính sách Kinh tế mới cách mạng là tôi xin đi liền, ngỡ sẽ tốt hơn nhiều lắm. Ai dè....

Trích một bài báo của “Bên thắng nhục”, thấy họ lo sợ trước Ngô Tổng thống như thế nào, họ chọn bạo lực nhưng lại bôi nhọ đối phương:

“....Trong khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lực lượng cách mạng còn nằm lại miền Nam chủ trương không bạo động, kiên trì đấu tranh chính trị đòi chính quyền Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, thì Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định, thẳng tay đàn áp những người kháng chiến cũ.

Nhiều chiến sĩ cách mạng đã nghĩ ra một kế ĐÁNH ĐỊCH MÀ KHÔNG SỢ VI PHẠM CHỦ TRƯƠNG CHUNG, đó là GIẢ DANH giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên để đánh Diệm.

Nhiều chi đội, tiểu đoàn mang danh Cao Đài, Bình Xuyên nhưng thực ra là người của cách mạng được thành lập ở Bà Rịa -Vũng Tàu, rừng Sác và bắt đầu đánh những trận lớn gây tiếng vang dọc theo sông Soài Rạp.

...... Một chiến sĩ cách mạng ở Bà Rịa -Vũng Tàu còn tính chuyện “làm ăn” lớn khi lên kế hoạch tham gia lính Cao Đài để có điều kiện tiếp cận, hòng ám sát cho bằng được kẻ bán nước Ngô Đình Diệm.

..... ....Do vậy, một lần nghe viên thiếu tá tỉnh trưởng cho biết “Ngô tổng thống” khuyến khích các địa phương xây dựng các “khu trù mật” có người dân di cư thành khu dân cư “kiểu mẫu”. Ai làm được điều đó, đích thân tổng thống sẽ đi thăm và tưởng thưởng....

Được tổ chức phân công, một người rời khỏi Đội Biệt động N2 ở Vũng Tàu, về vùng đất thánh địa của đạo Cao Đài với nhiệm vụ trở thành tín đồ Cao Đài để có điều kiện tiếp cận, ám sát Ngô Đình Diệm.

Người đó tên là Đinh Văn Phú, sau này được cả thế giới biết đến với cái tên Hà Minh Trí khi đã cảm tử thực hiện vụ ám sát Ngô Đình Diệm tại “Hội chợ Kinh tế Cao nguyên” tại Buôn Mê Thuột.

Tuy vụ ám sát không thành công, nhưng sự kiện này đã làm rối loạn, gây nghi kỵ, chia rẽ trong chính quyền và quân đội Diệm, dẫn đến cuộc chính biến 1.11.1963, Diệm - Nhu bị giết chết”.

Hết trích: Gặp người tử tù có công lớn làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm- Báo Lao động.com.vn 7/12/2014.

Thật đau xót, nếu như không có cái chết của Ông thì sẽ không có cái ngày 30/ 4 cái ngày “Triệu người vui nhưng hàng chục triệu người buồn”.

Đã 40 năm. Quá đủ rồi...

Ngô Nhật Đăng

1 nhận xét: