Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Vụ án Hồ Duy Hải: Những căn cứ cho kháng nghị

Chánh Tòa tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đều cho rằng, “không có căn cứ cho kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định: “Vụ Hồ Duy Hải cần phải kháng nghị giám đốc thẩm”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.

5 CĂN CỨ PHÁP LÝ CHO ĐỀ NGHỊ
Nhóm luật sư của Sài Gòn Báo cho rằng có 5 căn cứ về quy định pháp lý cho đề xuất kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải theo trình tự giám đốc.

1. Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Điều 273. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009) quy định: “Hoạt động điều tra phải […] làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

3. Thông tư 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân ghi nhận một trong những nguyên tắc hoạt động điều tra là “phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

4. Theo khoản 2 Điều 65 BLTTHS, người tham gia tố tụng “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”.

5. BLTTHS, Điều 10. Xác định sự thật của vụ án.

4 CĂN CỨ CỦA ĐIỀU 273

Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;

2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

11 TÌNH TIẾT PHÙ HỢP 4 CĂN CỨ CỦA ĐIỀU 273

Những tình tiết sau đây cho thấy phù hợp với cả 4 căn cứ được nêu tại Điều 273, BLTTHS:

1. Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Tuấn Anh; Trần Văn Chiến; Nguyễn Văn Nghị; Nguyễn Mi Sol; Trung: 6 đối tượng nghi vấn này vì sao không còn bản ghi lời khai trong hồ sơ vụ án?

2. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận trên kính cửa vào buồng ngủ, ở mặt trong của kính trên cánh cửa buồng vệ sinh trên labo rửa có 1 số dấu vết đường vân.

Những vết vân tay này đều đã được cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường thu giữ.

Theo kết quả giám định (Bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11-4-2008) thì: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.

3. Vì sao trong hồ sơ vụ án không có kết quả giám định vân tay của những người có quan hệ tình cảm và có khả năng có mặt tại bưu điện Cầu Voi tối 13-1-2008 như Nguyễn Văn Sơn; Nguyễn Tuấn Anh; Trần Văn Chiến; Nguyễn Văn Nghị; Nguyễn Mi Sol; Trung.

Việc truy tìm dấu vân tay có thể làm được thông qua tàng thư căn cước nhưng các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử đều không được làm rõ.

4. Một kẻ đòi hỏi tình dục, người phụ nữ từ chối, nếu có bạo lực thì sử dụng một vật cứng hay dao uy hiếp chứ khó có thể đi xuống bếp cầm cái thớt để đập vào đầu nạn nhân!

5. Việc kiểm tra lưỡi dao Thái Lan và vết cắt nơi cổ có phù hợp hay không cần phải có giám định của cơ quan hình sự pháp y?

6. Diễn tiến sự việc cho thấy hung thủ dùng vật cứng đập vào đầu nạn nhân và dùng dao cắt cổ khi cửa đang mở là không phải hành động của sát thủ chuyên nghiệp, hoặc ngay cả đối với tâm lý của người không chuyên nghiệp giết người.

7. Giám định nào để xác định nạn nhân Hồng bị giết trước và nạn nhân Vân bị giết sau?

8. Khả năng nạn nhân bị giết từng người một là dựa vào đâu?

9. Tang vật mà kẻ thủ ác cướp được đã bán cho ai?

10. Bút lục số 205 có biên bản xác nhận đồ vật được lập vào lúc 13g50 ngày 26-6-2008 tại phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – công an tỉnh Long An.

Tuy nhiên, chiếc thớt (hung khí gây án) làm chứng cứ nêu trong bút lục 205, cơ quan điều tra đã cho chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (bạn của nạn nhân) đi mua tấm thớt gỗ tròn (có đường kính 27cm, độ cao 4cm) được chị Hiếu xác nhận là giống với chiếc thớt ở Bưu cục Cầu Voi mà chị đã nhìn thấy chị Hồng và chị Vân (hai nạn nhân) thường sử dụng để giao nộp cho cơ quan điều tra để bổ sung hồ sơ.

11. Hội đồng xét xử nhận định con dao là hung khí mà Hồ Duy Hải dùng để cắt cổ hai nạn nhân.

Khi khám nghiệm hiện trường thì cơ quan điều tra đã không phát hiện được con dao. Ngày hôm sau, các dân phòng đến dọn dẹp hiện trường lại thấy một con dao Thái Lan và có báo với công an, nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ, và đã đốt con dao đó cùng các vật dụng khác.

NGHI VẤN BÀN TAY CỦA PHE NHÓM?

Các căn cứ pháp lý nói trên cho kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải, không cần đến luật sư, mà chỉ cần một sinh viên năm thứ nhất trường luật cũng nhận ra.

Góc nhìn tư pháp độc lập, Ls. Lê Công Định cho rằng oan sai trong từng giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử chung quy là do hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn không độc lập. Đây là gốc của mọi vấn đề.

“Khi toà án còn được xem là một loại cơ quan nhà nước, trong đó thẩm phán là quan chức và đảng viên, và "cơ quan" đó vẫn phải phục tùng sự lãnh đạo chung của đảng cầm quyền, thì oan sai là căn bệnh bất trị, bàn giải pháp chi cho mất thời giờ!”.

“Tóm lại, cần phải tranh đấu để đạt đến một thể chế tam quyền phân lập”.

Ls. Lê Công Định nói không sai.

Bởi vì từ ít nhất 11 tình tiết nói trên, căn cứ vào Điều 274 của BLTTHS, “Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm”, và theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, chỉ có thể lý giải cả Tòa tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sở dĩ “quyết trảm”, vì đàng sau vụ án là thế lực nào đó của quân bài trên bàn cờ chính trị đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra vào đầu năm 2016.


Minh Tâm





1 nhận xét: