Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Công an - Tòa án - Viện kiểm sát đồng trách nhiệm về việc vu oan Hồ Duy Hải

Căn cứ theo pháp luật tố tụng hình sự, không đúng như lời phát biểu của ngài chánh tòa tối cao Trương Hòa Bình, ở đây việc tìm “chứng cứ xác định vô tội” đối với Hồ Duy Hải, trước tiên là theo về cả 3 cơ quan: Công an tỉnh Long An – Tòa án tỉnh Long An/ Tòa tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An/ Viện Kiểm sát tối cao. Một câu hỏi được đặt ra: liệu cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát có quyền từ chối thực hiện các yêu cầu liên quan đến chứng cứ có lợi cho bị cáo? Mở rộng hơn, cơ quan điều tra và viện kiểm sát có nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo trong một vụ án hình sự hay không? Trả lời: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều có trách nhiệm tìm chứng cứ vô tội của bị can, bị cáo.

Điều 3 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009) quy định: “Hoạt động điều tra phải […] làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Thông tư 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân cũng ghi nhận một trong những nguyên tắc hoạt động điều tra là “phát hiện làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Theo khoản 2 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), người tham gia tố tụng “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Điều này có nghĩa bị can, bị cáo và luật sư đại diện có quyền đưa ra chứng cứ gỡ tội trong trường hợp bên điều tra bỏ sót. “Điều 10. Xác định sự thật của vụ án. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. (Trích BLTTHS) Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế ràng buộc cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ xác định vô tội cũng như xem xét cẩn trọng bằng chứng do bên bị can cung cấp.

Xét trong điều kiện tố tụng hình sự Việt Nam vốn theo mô hình thẩm vấn – tức hoạt động xét xử của tòa chủ yếu dựa trên hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra và viện kiểm sát xây dựng – rõ ràng bị can, bị cáo đang phải chịu một bất lợi lớn. Nói một cách khác, Điều 10 BLTTHS mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, chưa có những nghĩa vụ pháp lý cụ thể ràng buộc trách nhiệm. Điều này dẫn đến xu hướng chú trọng chứng cứ buộc tội và xem nhẹ chứng cứ gỡ tội của cơ quan điều tra và cơ quan công tố. Hậu quả là tình trạng bỏ qua bằng chứng có lợi cho bị can, bị cáo với trường hợp của Hồ Duy Hải là một ví dụ. Tuy nhiên đã là một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì không lẽ nào nhà nước ấy lại đành đoạn hại một công dân như Hồ Duy Hải? Ở đây còn có hai linh hồn uổn tử là hai cô gái bị sát hại tại Bưu điện Cầu Voi. Kẻ thủ ác có phải là “con ông cháu cha” nên buộc lòng phải tìm vật tế thần thay thế?


Minh Tâm


0 nhận xét:

Đăng nhận xét