Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Vị đắng

Do không hỏi trước địa chỉ nên tôi tìm đến nhà anh khá lận đận. Ngày xưa, các cụ thường dạy “đường đi là ở miệng mình”. Tôi cứ tưởng tới cái thị trấn nhỏ bằng lòng bàn tay, hỏi ông giám đốc bị tù oan là tức khắc có người biết và chỉ đường.

Một ông già ngồi trầm tư trong quán sách báo, khi nghe tôi hỏi, lắc đầu mà rằng “Anh hỏi một người bị oan mà không nói rõ đặc điểm. Chịu. Người bị oan ở đời bây giờ thiếu gì. Chắc anh ít đọc báo!”. Rồi ông lại bình thản, trầm tư như không có chuyện gì xảy ra.

Vẻ chai sạn và phớt đời của một ông già khiến tôi giật mình. Ông không biết thật hay biết mà không nói? Phải chăng cái chuyện tôi cho là “động trời” ấy, hơn một năm qua đã bị người ta lãng quên, hay nó bình thường đến nỗi không cần nhớ, để nó chìm sâu dưới những chai sạn và lo toan vất vả của đời thường?

Cuối cùng thì vẫn có người chỉ đường cho tôi. Hóa ra tôi đã “lỡ trớn” một đoạn đường gần bảy cây số. Tôi đành lội bộ trong mưa trở lại tìm vào nhà anh. Đó là một căn nhà nhỏ, đơn sơ trong cái vẻ nghèo nàn. Gặp tôi, anh ngạc nhiên đến sững sờ.

Mấy đứa trẻ lem nhem tròn xoe mắt nhìn khách lạ, vẻ sợ sệt. Vợ anh, người phụ nữ nhỏ nhoi, ốm yếu nhìn tôi phân bua: “Chúng nó cứ sợ người ta lại đến bắt ba đi. Khổ thế anh ạ!”. Rồi chị quơ tay quàng mấy đứa ngồi xuống an ủi: “Bác ấy là người tốt, không sao đâu, các con”.

Tôi nói rõ mục đích của chuyến đi. Anh ngồi trầm ngâm, lát sau mới nhìn thẳng vào tôi, nói chậm rãi: “Thôi, xin anh miễn cho. Viết lại để làm gì. Chuyện đã qua rồi, cho qua luôn. Tôi muốn được yên ổn làm ăn nuôi mấy đứa. Tụi nó cực quá”.

Tôi tự trách mình vội vàng, không lường trước tình huống này. Vậy là kiểu phỏng vấn cổ truyền của tôi đã thất bại. Anh như con chim chết hụt sợ cành cây cong, thu gọn mình trong cái tổ cũ kỹ, xơ xác, an phận thủ thường.

Đến tận nơi, tôi mới biết cái gánh gia đình đè lên vai anh quá nặng. Một người vợ mỏi mòn, ốm yếu với một đàn con lóc nhóc bốn đứa, lớn nhất sáu tuổi và nhỏ nhất chưa đầy năm.

Tôi không trách anh, chỉ tự nhiên thấy lòng mình xót xa khi nghe những lời đó thoát ra từ miệng một đảng viên cộng sản, nguyên là người lính đã từng có những năm tháng đối mặt với kẻ thù. Thông cảm với anh, tôi đành hứa đại là sẽ không viết gì cả, để anh yên lòng.

Đêm ấy, chúng tôi ngồi với nhau rất lâu. Anh kể tôi nghe về cuộc đời mình với những năm tháng chiến đấu ở chiến trường. Anh như quên đi những nỗi đau vừa qua để đắm mình trong cái không khí yêu thương của tình đồng đội, nhắc lại những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời con người biết sống có trách nhiệm với nhau.

Chất lính như có men, bén vào từng lời làm cái giọng của anh ngày càng sôi nổi. Bỗng anh hạ giọng đột ngột:

- Vậy mà bây giờ… tôi có cảm tưởng những cái đó đã vĩnh viễn mất đi, khó lấy lại được nữa. Đành rằng thời thế đã thay đổi nhưng tôi không tin những đổi thay ấy lại có thể dễ dàng làm mất đi những giá trị truyền thống cao đẹp trong quan hệ giữa con người. Như chuyện của tôi chẳng hạn, đến bây giờ tôi cũng không cắt nghĩa được vì sao người ta lại đối xử với tôi như thế…

Tôi biết là câu chuyện đã bắt đầu vào mạch của nó nên chỉ im lặng chờ đợi. Anh ngồi mơ màng như hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với mình trong mấy năm qua. Đêm ở đây yên tĩnh đến lạ lùng….

Anh dừng lại, lắc đầu, chiêu một ngụm nước lấy giọng: “Tôi có linh cảm mấy ông cố tình làm to chuyện, nếu không muốn nói là ác ý với tôi, đẩy tôi xuống hố. Tôi không chịu thì bảo tôi ương bướng.

Thật ra, nếu tôi có tội thì chỉ là có tội ấy thôi. Thế là các vị không bằng lòng, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết. Bởi vì có những cái sờ sờ ra để chứng minh rằng tôi không có tội thì họ cố quên đi, không cần đếm xỉa, còn những cái lặt vặt ở đâu đó thuộc về khuyết điểm hành chánh, thậm chí có những cái thuộc quyền tự chủ của giám đốc thì lại chịu khó nhặt nhạnh đưa vào bản cáo trạng để kết tội tôi cố ý làm trái. Tôi như cá nằm trên thớt, càng quẫy càng chết vì dao sẵn ở trong tay họ mà…

Thấy anh ngừng lại, tôi hỏi: “Vì sao khi nghe tòa phúc thẩm tuyên vô tội, anh lại khóc?”.

- Thú thật với anh, tôi vốn là người cứng rắn. Trong đời, tôi chỉ khóc một lần (tất nhiên là trừ quãng đời trẻ con ra, trẻ con đứa nào chả khóc, mới lọt lòng đã khóc cơ mà).

Đó là lần chúng tôi chôn một thằng bạn thân bị bom tại đồi quan sát trên một đỉnh núi trong đêm đầu xuân, dưới mưa rơi lất phất. Đêm đó, thương bạn, nhớ nhà khiến tôi đã không cầm được nước mắt, còn thì tôi chưa khóc bao giờ. Đàn ông khóc là hiếm lắm.

Ngay lúc bị bắt giam hoặc khi tòa sơ thẩm tuyên tôi có tội, phạt tù, tôi đâu có khóc. Khóc như thế là hèn. Nhưng lúc đợi tòa phúc thẩm nghị án, lòng tôi cứ thắc thỏm, bồn chồn như có lửa cháy.

Tôi hy vọng thì ít mà thất vọng thì nhiều. Vì bây giờ, cái chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” nào đã hết đâu. Nhưng may thay, tòa án tỉnh đã rất công minh khi tuyên rằng tôi vô tội. Thế là chút hy vọng nhỏ nhoi trong tôi đã thành sự thật. Sự thật ấy làm tôi bất ngờ. Tôi hạnh phúc quá.

Nhưng bên trong niềm hạnh phúc muộn mằn ấy, nỗi tủi hận lại trào lên. Tôi nghĩ tới cái cảnh bị bắt giam lần đầu đến tám tháng trời. Đâu phải chỉ có thế.

Điều đau đớn hơn là khi đã hết quyền ra hạn tạm giam tôi, họ bày ra lý do là vụ án quá phức tạp ngoài khả năng giải quyết của cấp huyện, phải chuyển về tỉnh. Thế là ngày 28 Tết, trong khi mọi gia đình đang hối hả chuẩn bị đón xuân mới, họ đã nhẫn tâm đến mức bất kể vợ tôi vừa sanh con được ít ngày, đang cần có tôi ở bên thì lại đưa tôi lên trại tạm giam của tỉnh.

Anh cứ hình dung cái cảnh một người chồng vô tội bị đưa đi giam tiếp vào những ngày năm hết tết đến, trong khi người vợ mới sanh, lại còn phải nuôi ba đứa con nhỏ dại trong cảnh đơn chiếc, sẽ thấy đau đớn đến thế nào.

Sau đó họ lại đưa tôi về trại tạm giam của huyện vì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh. Những cái đó khiến tôi uất hận và tự nhiên sinh ra thù ghét con người, mất đi niềm tin thiêng liêng vào những điều tốt đẹp.

Vâng, tôi hạnh phúc là đã được minh oan. Nhưng cái hạnh phúc ấy đến với tôi quá muộn. Vì tôi tự thấy cái giá mình phải trả đắt quá.

Tôi vô tội! Vậy thì ai phải trả cho tôi cái giá của suốt mười tháng trời mất tự do, “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”? Ai phải trả cho vợ con tôi cái giá của những tháng ngày khổ nhục khi cô ấy đau đớn trong cảnh một mình “vượt cạn”, chèo chống nuôi con?

Rồi nước mắt của mấy mẹ con nằm ôm nhau trong những ngày tết nhất? Những cái đó, nói thật với anh, không ai có thể tính được. Thật lòng hôm ấy, tôi không biết là mình đã khóc. Nước mắt cứ tự nhiên chảy ra thôi.

Nếu biết, tôi đã không để cho mọi người thấy là tôi đã khóc. Nhưng mà thôi, chuyện đã qua, nói lại làm gì nữa. Tôi còn quãng đời dài lắm, ráng quên đi để mà sống cho vợ, cho con…

Anh bỗng lắc đầu, cười vẻ chua chát: “Anh biết không, đứa lớn nhà tôi nó bảo: “Ba ơi, ba đừng làm giám đốc nữa nhé. Con sợ ba phải đi tù lắm”.

Tôi mới cười, bảo nó: Đâu phải cứ làm giám đốc là bị đi tù, hả con? Giám đốc cũng có ba bảy đường con ạ. Ừ thôi, ba không làm nữa, ba ở nhà với con. Thế đấy anh ạ.

Tôi bây giờ không có ham muốn gì khác ngoài cái việc sẽ làm một người dân lương thiện, sớm khuya cày cuốc gieo trồng. Không phải tôi thối chí đâu. Thật ra, những chuyện như tôi, ở đời bây giờ đâu phải là hiếm. Tôi là người còn may mắn. Ngoài xã hội, còn có nhiều người không được may mắn như tôi, phải không anh. Thôi, khuya rồi, ta đi ngủ, anh nhỉ?.

Anh vội đứng dậy, đi thu xếp chỗ ngủ cho tôi. Nhưng làm sao mà tôi ngủ được khi vừa nghe những lời của anh như rỉ máu. Tôi nằm miên man suy nghĩ về những giọt nước mắt.

Chúng ta đang sống những ngày tháng sôi động của bao nhiêu chuyện trong xã hội. Cái ác, cái tiêu cực đang còn tồn tại dưới nhiều hình vẻ khác nhau. Đó là căn nguyên của những nỗi đau, của những giọt nước mắt người đời.

Tôi chợt nhận ra cái đã ẩn sâu bên trong những giọt nước mắt của anh, một người đã có cái hạnh phúc được minh oan.

Phải rồi! Đó là vị đắng của nước mắt…

Nhớ lại câu chuyện đã qua, tôi bỗng có một ước mong: làm sao đừng để có những vị đắng trong giọt nước mắt của con người.


Minh Tâm


1 nhận xét: