Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Nhớ quá (P2)

Bài 2: Tôi đi tiếp sức

Lên năm hai, tôi bắt đầu tham gia hoạt động của lớp, của Khoa nhiều hơn. Từ từ tôi cũng là người đứng ra tổ chức các hoạt động. Thấy mình tự dưng quan trọng hẳn lên. Ngẫm nghĩ, mình cũng nhiệt tình lắm đó nha! Sẵn sàng chạy đi chạy lại; sẵn sàng giúp đỡ hết người này tới người khác; thấy sinh viên nghèo (cũng như mình) không có gì để ăn, thế là có gì cũng chia sẻ.

Nhớ nhất là chuyện cô bạn thân thất tình, đòi đi tự tử ở hồ Đá. Thế là trưa hôm đó, trên chiếc xe đạp lọc cọc, tôi chạy đôn chạy đáo đi tìm để căn ngan. Sợ một mình tìm không ra nên gọi điện thoại kêu thêm “đồng minh”. Cuối cùng, tôi cũng tìm được bạn ấy, nói đủ thứ lời can ngăn. Thế là ổn (bây giờ nhớ lại, tự dưng thấy sợ, lúc đó đứng ở mép, cũng mấp mô, lỡ chẳng may…)

Là một đứa khù khờ, tôi thật sự ít có điều kiện để “giao lưu” và “học hỏi” môi trường bên ngoài. Trong tầm mắt tôi khi đó, nhìn thấy ai cũng tốt, ai cũng dễ thương. Những điều tôi được học trong trường phổ thông (nhất là Văn học và Lịch sử - hai môn tôi khoái) là tôi tin sái cổ (thật ra cũng có biết gì khác đâu, cứ nghĩ thầy cô giảng là đúng rồi; sách giáo khoa được các giáo sư, người có kiến thức soạn mà).

Năm nhất, tôi vẫn mang suy nghĩ đó. Cho đến khi sang năm hai, trong một môn học, tôi nghe một giảng viên nói chuyện ngoài lề bài học, tôi nhớ hoài câu nói năm ấy: “Lịch sử không thuộc về kẻ chiến thắng”. Nhưng liệu có đúng với Việt Nam hay chưa? Kể từ thời điểm đó, tôi bắt đầu nghi ngờ những điều mình đã học ở các cấp nhỏ. Tự dưng, chợt thấy, tấm áo quân sự ngày xưa cũng bình thường như bao cái áo khác, nó không còn tạo cho tôi cảm giác người lớn hay trưởng thành gì nữa.

Dần dần, tôi cũng nhận ra những gương mặt ngày trước mình ái mộ hình như hơi bị… tham quyền. Có người không được tín nhiệm của các thành viên khác, khoái làm lãnh đạo, nhưng không thể. Cuối cùng, họ chơi chiêu “sống lâu lên lão làng”. Cuối cùng cũng thành công khi các thành viên khác đều rút lui dần dần. Hoặc như một số thành viên khác (lớn hơn tôi) khi nói thì rất ư là hoành tráng và xôm tụ, nhưng khi đụng chuyện thì…. Dần dần, tôi cảm thấy chán nản và ngán ngẫm khi nhận ra những “khía cạnh khác”.

Cuối năm hai, tôi tham gia tiếp sức mùa thi. Có những niềm vui cũng có nhiều nỗi buồn. Khu vực tôi tiếp sức, được các cô chú bán hàng rong rất quý mến, họ thường “tiếp tế” lương thực cho chúng tôi. Tuy nhiên, vô hình trung, cũng bị một số bà con buôn bán ghét vì lý do ngồi trước cổng trường, mất chỗ người ta ngồi… buôn bán…

Đủ thứ những niềm vui: những buổi ngồi trực dưới trời nắng; những lúc túm tụm vào nhau trong cùng một cây dù trong trời mưa; những lúc dẫn phụ huynh và các em học sinh đi đến nhà trọ (chợt nhớ hình ảnh của mình ngày xưa, cũng y như thế); những cuộc chuyện trò với phụ huynh về trường, về cuộc sống; những buổi thi…. Nhiều người cho rằng canh thi mới oai, điều đó có lẽ là không sai, nhưng theo quan điểm của tôi, tiếp sức mới thú vị. Khi là một sinh viên tiếp sức, có thể biết được nơi này nơi kia; những ngóc ngách, ngõ hẻm; những cảm xúc cũng như lo lắng của một vài phụ huynh…. Đặc biệt là được tự do đi lại, tự do sử dụng điện thoại…

Nói đi cũng nói lại, xoay quanh câu chuyện tiếp sức, giữa nội bộ với nhau cũng ôi thôi đủ thứ chuyện, bên ngoài vui vẻ đó nhưng bên trong thì lại khác. Mang tiếng là tổ chức bầu công khai nhưng đã có sự tính toán từ trước trong giải thưởng sẽ được trao.

Thôi thì cũng chả sao, mình đi tiếp sức, giúp được người khác, cũng là vui rồi…


Tường An

Bài 1: http://saigonnewspaper.blogspot.com/2015/05/nho-qua-p1.html


0 nhận xét:

Đăng nhận xét