Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Vì sao giới trẻ ngày càng hung tợn?


Bài 3: Lỗi đâu phải ở người thầy?


“Chúng ta đang dạy con trẻ sự dối trá” là vấn đề thu hút nhiều ý kiến. Xin được trích:

+ Thắng: Hồi xưa khi tôi học cấp 1, mỗi lần sắp có dự giờ là y như rằng trước đó 3 ngày lớp sẽ có 1 bữa thao dợt theo kịch bản mà giáo viên chủ nhiệm đã soạn sẵn. Học sinh được học trước bài mà GV sẽ trình diễn hôm dự giờ. Và dĩ nhiên những câu hỏi sáng tạo của học sinh đều được GV gợi ý và chỉ định sẵn 1 em học sinh giỏi trong lớp sẽ "xung phong" trả lời câu hỏi đó 1 cách hoàn hảo.

+ Nguyễn Linh: Khi con tôi học lớp 4, giờ phát bài kiểm tra môn toán con tôi được 10 điểm. Nhưng cháu phát hiện bài mình sai nên mang bài lên nói cô và hạ xuống còn 9 điểm. Khi đó có bạn con tôi ngồi bên cạnh cũng sai tương tự, và con tôi cũng "khiếu nại hạ còn 9 điểm".

Khi tôi nghe cô giáo kể lại chuyện này tôi rất mừng. Nhưng khi nghe đoạn tiếp theo tôi cảm thấy lo lắng, lý do là người bạn ngồi cạnh con tôi là con của cô giáo đó. Cô kể lại có ý không vui, khi con tôi lên khiếu nại làm con cô bị mất 01 điểm. Sau này tôi hỏi lại con việc đó có không, cháu bảo có, tôi khuyên con không cần khiếu nại bài của bạn đâu và tôi cảm thấy hối hận vì mình đã dạy con không đúng.

Cũng may đến giờ cháu đã lớp 12 nhưng vẫn còn được tính trung thực như xưa. Tôi vừa mừng, vừa lo, sống trong xã hội hiện nay, tương lai cháu sẽ thế nào nếu cứ thẳng tính như vậy hoài...

+ Nguyễn Thanh Quảng: Con tôi học lớp 8, vậy mà cháu đã nói với tôi: "Nếu sau này Sở Giáo Dục có thanh tra trường con, con sẽ nói lên sự thật dối trá của nhà trường". Nghe mà đau lòng vì không biết khuyên con thế nào cho đúng, nếu để con mình nói thật thì việc học của con tôi thế nào?

Mà khuyên cháu nói dối thì bậc làm cha mẹ ai nỡ? Chỉ xin các ông chức quyền ở Bộ Giáo Dục hãy nhìn thẳng vào thực tế là dối trá đang tràn lan trong môi trường sư phạm.

+ Lê Minh Hiền: Cứ làm thầy sẽ thấy nỗi khổ của thầy. Cuối năm học sinh khá giỏi không nhiều người ta quy cho thầy dạy kém. Vài năm kém thế thì không hoàn thành nhiệm vụ, bị ra khỏi ngành đấy. Tổng kết học kỳ 1, chất lượng của tôi là 63% trên 5 mà bị nhắc nhở, hạ thi đua đấy!

+ Hoàng Lan: Nhằm nhò gì, bài kiểm tra cuối học kỳ 1 năm ngoái, trường tôi có khoảng 40% điểm 9,10 (điểm giỏi), vẫn bị phê bình là trường nội thị mà điểm thấp nhất thị xã đấy. Phải trên 60% điểm giỏi mới đúng chỉ tiêu trên giao!

+ Văn Nam: Tuần nào tôi cũng xuống nhà chú để khảo bài cho đứa em học lớp 3. Em là học sinh giỏi 3 năm liền. Nhưng trớ trêu là 1 bài kiểm tra toán gồm 10 bài tập thì em sai mất 4-5 bài.

Trong khi ngày xưa, tôi chỉ là học sinh khá thôi, nhưng tỷ lệ sai không nhiều như em! Bố mẹ thường muốn con là học sinh giỏi để khoe với người khác, giáo viên cần học sinh giỏi để đạt chỉ tiêu thành tích... vô hình chung, trẻ con bị biến thành công cụ của người lớn.

Chúng ta cần xác định lại giáo dục, cần đào tạo ra những con người độc lập, tư duy, sáng tạo chứ không cần những bầy cừu được dắt mũi định hướng hoặc một bầy vẹt chỉ biết bi bô theo lời người khác.

+ Trịnh Quang Huy: Thằng cháu nội tôi mới học lớp 4, cháu có sức khỏe rất tốt, tự học tiếng Anh lúc mới 3 tuổi, và nói như trẻ đẻ ở nước dùng tiếng Anh. Ai ai cũng sung sướng vì cháu vừa khỏe mạnh, lại thông minh vượt trội. Vậy mà sau khi vào học phổ thông đến năm nay thì hồn không còn, mà vía cũng mất, mắt cận thị đeo kính trông như mắt lợn luộc.

Các ông các bà biết vì sao không? Vì sáng đi học từ 6:00. Trưa ăn cơm ở trường. Chiều 6:00 về đến nhà ăn vội ăn vàng, tắm táp qua loa lại đến lớp học thêm! Chả dám đi chơi bao giờ, khổ hơn nô lệ!

+ Nguyễn Văn Nguyễn: Chuyện như vậy xảy ra lâu rồi, làm ảnh hưởng đến cách học của sinh viên đại học.

Khi sinh viên không được mớm trước mọi thứ để thi, họ đem ra hận GV, cho là GV dạy một đằng hỏi thi một nẻo. Họ không hiểu rằng khi thi phải tư duy trả lời, họ chỉ muốn học thuộc lòng "trả bài" thôi. Những GV nào muốn SV có tư duy sáng tạo, độc lập suy nghĩ sẽ bị SV nhận xét không tốt.

Tôi dạy đại học và xin các phụ huynh hãy kiểm tra xem các em có thực sự hiểu vấn đề mình học không, hơn là chuyện điểm số. Con tôi học cấp 1 cũng về kể những chuyện tương tự giáo viên dạy giỏi "mớm đáp án" cho học trò.

Khi chúng tôi còn nhỏ không có chuyện này. Tôi nghĩ mình là phụ huynh phải tạo dư luận để cơ quan quản lý giáo dục nhận ra vấn đề. Đây chính là lời giải thích "vì sao giáo dục VN không đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội và đạo đức ngày càng suy thoái”...

Minh Châu



0 nhận xét:

Đăng nhận xét