Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Vụ án Kim Quốc Hoa - Bài 5

Bài 5: Nhà báo nào ở Việt Nam cũng có thể... bị bắt

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam, tính từ Hiến pháp 1946 ở miền Bắc Việt Nam cho đến các bản Hiến pháp từ sau 1975 đến nay, thì việc đóng cửa tờ báo – như các tạp chí Nhân Văn, Giai Phẩm, Văn ở miền Bắc thập niên 50; cho đến gần đây là các tờ Thanh Niên Thời Đại, Con Thoi, Sài Gòn Tiếp Thị, Người Cao Tuổi – đều là chuyện “đúng quy định của pháp luật”.

“Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Hiến pháp 2013, Điều 15.4).

“Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Hiến pháp 2013, Điều 4.1).

Từ ít nhất hai căn cứ nói trên, các tờ báo đăng tải những thông tin được cho là khiến người dân mất niềm tin vào Đảng, sẽ dễ dàng bị “đóng cửa” và “xử lý hình sự” theo các quy định tương ứng của văn bản luật.

Đơn cử vụ việc cựu tổng biên tập Người cao tuổi vừa bị khởi tố hình sự.

"Đánh án" chỉ trong ba ngày

Bộ Công an đã phát “Thông báo của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an” liên quan về 11 bài báo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của báo Ngưởi cao tuổi. Nguyên văn như sau:

“Ngày 06-02-2015, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an nhận được Công văn số 22/BTTTT-ĐTT ngày 05-02-2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông kèm theo tài liệu về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Báo Người cao tuổi đề nghị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, thấy hành vi viết, biên tập và đăng tải các bài viết trên Báo Người cao tuổi có nội dung xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Xác định có dấu hiệu của tội phạm, ngày 09-02-2015, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” xảy ra tại TP Hà Nội và một số địa phương khác, quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, việc điều tra ban đầu trên phạm vi toàn quốc ở nội dung 11 bài báo của Người cao tuổi được Cơ quan An ninh điều tra thực hiện rất nhanh, chỉ trong 3 ngày, tính từ lúc nhận được yêu cầu. Điều này cho thấy sai phạm (nếu có) ở 11 bài báo là dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên vì sao đến nay, phía chịu trách nhiệm quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông, mới thực hiện trách nhiệm công vụ của mình?

Việc tắc trách này của Bộ Thông tin và Truyền thông, liệu có nên đưa vào vòng tố tụng của vụ án ngay từ đầu?

Ai là bị hại?

Điều 258 được viện dẫn trong vụ án này, có nội dung như sau:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Tội danh như nêu ở Điều 258 có đặc điểm pháp lý như sau: Một, khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất (tinh thần).

Nếu là lợi ích vật chất thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được vật chất đó là gì (tính mạng, sức khỏe công dân, tài sản, đồ vật, giá trị thiệt hại quy ra tiền, vàng hoặc quy ra thóc,…). Nếu là lợi ích phi vật chất thì cơ quan tố tụng cũng phải chứng minh đó là thiệt hại như thế nào về mặt tinh thần, từ thiệt hại đó gây ra hậu quả gì…

Hai, mặt khách quan của tội phạm. Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân có thể thực hiện một trong các hành vi như: lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Nếu nói một cách khái quát thì người thực hiện tội phạm này có hai hành vi chính, đó là “hành vi lợi dụng”, và “hành vi xâm phạm”. Lợi dụng và xâm phạm là hai hành vi cần và đủ, nếu lợi dụng nhưng chưa xâm phạm hoặc xâm phạm nhưng không lợi dụng thì chưa phải là hành vi phạm tội này.

Trở lại với vụ án báo Người cao tuổi. 11 bài báo được làm căn cứ cáo buộc, phải được nêu rõ và công khai về “những ai đã bị xâm phạm, hậu quả của xâm phạm này ra sao?”

Giả dụ như lợi ích của tổ chức Đảng bị xâm phạm dẫn đến người dân không còn tin Đảng, thì cơ quan tố tụng phải chứng minh đó là lợi ích hợp pháp của tổ chức Đảng. Tính “hợp pháp” ở đây không dễ xác định, vì tính từ Hiến pháp 1946 ở miền Bắc, và từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam có sự đồng nhất cách hiểu Đảng chính là Nhà nước và xã hội – một phạm trù gần như không có giới hạn.

Báo Người cao tuổi mở đầu việc chống tham nhũng bằng loạt bài về tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - đồng thời cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, và tiếp tục sử dụng mô típ này đối với 2 cựu giám đốc công an – cũng là thường vụ Đảng ủy tỉnh.

Báo Người cao tuổi chủ yếu dựa trên đơn thư và lời của nhân chứng để thực hiện các bài viết, và những nội dung này khó hoặc không thể chuyển hóa thành chứng cứ buộc tội khi “ném chuột sợ vỡ bình”.

Người cao tuổi sẽ thua cuộc là dự báo chắc chắn.

Đỗ Vinh

+ Bài 6: Cơ quan điều tra đưa ra chứng cứ gì?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét