Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

OBAMA, NIKE Và TPP

Các chuyên gia hoạt động xã hội cho rằng cách tốt nhất để đảm bảo các nước thành viên cam kết thực hiện nghiêm túc quyền lao động, là yêu cầu các quốc gia thực hiện một số quy định trước khi hiệp định có hiệu lực.

Theo Liên đoàn Lao động Mỹ (AFL-CIO), nếu một quốc gia muốn ký thỏa thuận thương mại với Mỹ, thì cần cải cách luật pháp và thông lệ lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Và các chuyên gia đang chờ đợi xem Nhà Trắng sẽ làm thế nào để nâng cao tiêu chuẩn lao động tại các quốc gia tham gia đàm phán TPP.

--------------------------------------------------------

Hai điều đáng ngạc nhiên về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà thật ra cũng là một: nói đến TPP là nói đến các nghịch lý, và người ta thường sử dụng các nghịch lý này theo kiểu nói cách nào nghe cũng xuôi tai.

Nghịch lý gần đây nhất là vào đầu tuần này tất cả (trừ một) Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ của Tổng thống Obama lại bỏ phiếu chống lại việc thúc đẩy dự luật trao quyền đàm phán nhanh cho tổng thống.

Chính nhóm Thượng nghị sĩ ủng hộ tự do hóa thương mại lại gây khó cho Obama, vì họ muốn kèm thêm các ràng buộc khác như cấm các nước thao túng tỷ giá hay lập quỹ hỗ trợ công nhân mất việc vì toàn cầu hóa.

Cuối tuần trước mọi người ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Obama chọn trụ sở của Nike ở Oregon làm nơi để diễn thuyết về lợi ích cho nền kinh tế của Mỹ khi ký TPP.

Chọn Nike là một nghịch lý bởi Nike thường được dùng làm biểu tượng cho các điều xấu nhất của toàn cầu hóa, của các hiệp định thương mại tự do. Nike là nơi khét tiếng tận dụng nhân công giá rẻ ở các nước đang phát triển, vừa tước đoạt công ăn việc làm của công nhân Mỹ, vừa đẩy công nhân các nước nghèo vào chỗ làm việc cực khổ để nhận đồng lương rẻ mạt.

Chính người đồng sáng lập Nike, tỉ phú Phil Knight, với tài sản chừng 26 tỉ đô la Mỹ cũng phải từng thừa nhận sản phẩm của họ trong tâm trí công chúng “đồng nghĩa với mức lương nô lệ”.

Tổng cộng Nike chỉ tuyển dụng chừng 26.000 công nhân ở Mỹ, trong khi ở nước ngoài, họ sử dụng đến 1 triệu công nhân gia công cho họ, trong đó chừng một phần ba là ở Việt Nam nơi công nhân hưởng mức lương theo các báo cáo, tính ra chừng 60 xu/giờ.

Chọn Nike, Tổng thống Obama chọn cách thuyết phục khó khăn nhất: nếu ký TPP mà các công ty như Nike còn tạo thêm công ăn việc làm cho nền kinh tế Mỹ thì dân Mỹ việc gì phải sợ TPP.

Chẳng lạ gì nhân chuyến thăm của Obama, Nike tuyên bố họ sẽ tạo ra thêm 10.000 việc làm cho dân Mỹ, nếu TPP được thông qua. Với các đối tác cung ứng và công ty dịch vụ của họ, Nike tiên đoán sẽ có thêm 40.000 chỗ làm gián tiếp được TPP tạo ra ngay tại nước Mỹ.

Đặt trong bối cảnh như thế, người ta sẽ hiểu ngay ý nghĩa của các phát biểu mà Obama nhấn mạnh vào cuối tuần trước. Mục đích của ông là làm sao cho mọi người ở Mỹ thấy, TPP sẽ đặt ra những yêu cầu cao cho các nước tham gia xét về mặt môi trường làm việc cho công nhân - không phải Mỹ thương yêu công nhân các nước đó - mà bởi yêu cầu cao như thế sẽ tạo ra sân chơi cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp các nước khác.

Nói cách khác, Nike chịu những ràng buộc cao khi tuyển dụng công nhân ở Mỹ như trả lương cao, điều kiện làm việc an toàn, môi trường không độc hại, lại phải lo thêm bảo hiểm y tế chẳng hạn, thì với TPP, Nike hay bất kỳ công ty nào khác hoạt động ở Việt Nam, cũng phải chịu những ràng buộc cao không kém.

Công nhân Mỹ mà bắt họ làm thêm giờ, thì phải trả tiền phụ trội đàng hoàng và giới hạn đến một mức nào đó mà thôi. Nay TPP, theo cách thuyết phục của Obama, cũng đòi hỏi Nike hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác hoạt động ở các nước đối tác, cũng phải chịu những sức ép tương tự từ công nhân nước sở tại.

Doanh nghiệp Mỹ ngại tổ chức công đoàn như thế nào, thì doanh nghiệp ở các nước TPP cũng phải ngại các tổ chức của công nhân như thế.

Vậy nên khi Obama nói: Theo hiệp định này, Việt Nam lần đầu tiên phải nâng tiêu chuẩn lao động lên, phải đặt ra mức lương tối thiểu, phải thông qua các luật an toàn nơi làm việc để bảo vệ công nhân, thậm chí phải bảo vệ quyền thành lập công đoàn của công nhân… thì ông nói theo nghĩa ở trên.

Ở đây, không phải Obama đang lo cho sự an toàn hay mức sống của công nhân Việt Nam, mà ông đang thuyết phục công nhân Mỹ rằng TPP sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng khi nhấn mạnh nhiều lần các tiêu chuẩn cao hơn mà các nước thành viên phải đáp ứng.

Giả thử các chuyên gia đàm phán của Mỹ khi nói chuyện với công nhân Việt Nam, ắt họ sẽ nói đến các lợi ích mà TPP đem lại cho công nhân Việt Nam, chứ không nói gì đến sân chơi bình đẳng và lập luận cũng sẽ rất thuyết phục, rất thật lòng! Nhưng logic đằng sau chính là logic như ông Obama sử dụng.

Logic đó còn bao gồm một thừa nhận của Obama rằng Mỹ phải là nước viết ra luật lệ cho thương mại toàn cầu, bởi (lời của Obama) “nếu chúng ta không viết thì Trung Quốc sẽ viết”.

Thật ra logic này có một lỗ hổng rất lớn: đó là TPP hiện nay chỉ bao gồm 12 nước thành viên đang đàm phán gay go mà chưa đâu tới đâu. Giả thử tất cả đồng ý áp dụng những tiêu chuẩn lao động cao hơn, tức tạo một sân chơi bình đẳng nhưng ở mức cao hơn cũ, lấy gì bảo đảm các công ty đa quốc gia không bỏ đi tìm nước khác, chưa phải là thành viên để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh theo kiểu vắt kiệt sức công nhân nhiều hơn?

Dù sao đây là một đề tài khác, sẽ bàn trong dịp khác.

Ở đây, điều đáng nói là với các hiệp định thương mại tự do, nhiều người cứ nghĩ đến dùng sức ép bên ngoài để cải cách bên trong, kể cả luật lệ, tính giải trình và đời sống công nhân.

Dùng thì cứ dùng nhưng không nên nhầm tưởng: một khi lợi ích hai bên trùng khớp thì lý giải cách nào cũng hay, còn khi lợi ích không trùng khớp, sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác biệt.

Chẳng hạn, có người từng nhận xét một khi đã có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ các nước (ISDS) thì FDI đâu còn kêu gọi xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước sở tại nữa đâu!


Nguyễn Vạn Phú




0 nhận xét:

Đăng nhận xét